Người chiến sỹ quân y với dự án làm giàu từ rừng
- Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2011 | 2:53:54 PM
YBĐT - Khởi nghiệp chỉ bằng tâm huyết và sự dạn dày sau bao năm sống giữa biển khơi, anh Lợi đang từng bước gây dựng cho mình một trang trại rừng quy mô lớn nhất huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Đinh Quang Lợi (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây giống tại vườn ươm.
|
Biết anh Đinh Quang Lợi chừng hai năm nên tôi có cảm giác anh là con người của những chuyến đi. Vừa qua, đến Mường Lò lại có dịp trò chuyện cùng anh, tôi mới biết đó là những chuyến anh lặn lội đi tìm thị trường cho trại cây giống - nơi anh xác định là "bàn đạp" để thực hiện dự án trồng rừng quy mô lớn.
Trong lần gặp này, tôi còn được biết Lợi từng là một chiến sỹ quân y đã từng xung phong ra làm nhiệm vụ tại đảo Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1999, sau khi học xong trường Trung cấp quân y, anh Lợi không trở về miền quê Hưng Khánh, (Trấn Yên), mà làm đơn xin được nhận công tác phục vụ tại Trường Sa. Anh Lợi tâm sự, vốn là người của núi rừng, thời gian đầu ra giữa biển khơi sống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó từ việc làm quen với khí hậu đến những yêu cầu khắt khe trong sinh hoạt bởi điều kiện sống thiếu thốn ngoài đảo. Gian khổ là vậy nhưng do công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên anh Lợi đã được kết nạp vào Đảng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, rời đảo, chia tay với cái nắng gắt và những cơn phong ba của biển, anh Lợi trở về quê hương xây dựng kinh tế. Năm 2001, anh xin đi làm tại Lâm trường Văn Chấn rồi gắn bó với công việc ươm gieo cây giống để cung cấp cho các chương trình trồng rừng.
Suốt quãng thời gian dài gắn bó với nghề giúp anh tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu để rồi sau 7 năm công tác, nhận thấy Lâm trường khó có thể vực dậy được trước những khó khăn cố hữu, anh đã mạnh dạn mở hướng đi riêng - tự đầu tư kinh doanh cây giống. Đồng vốn eo hẹp, trong khi vườn ươm của Lâm trường rất thuận lợi nhưng do khó khăn nên để trống, anh đã mạnh dạn xin thuê lại để tổ chức sản xuất giống cây. Chính kinh nghiệm trong nghề đã giúp công việc chuyên môn của anh gặp thuận lợi.
Vườn ươm của anh nhanh chóng được Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh công nhận về chất lượng và mỗi năm có thể cung cấp hàng triệu bầu giống các loại ra thị trường. "Vạn sự khởi đầu nan", khó khăn về thị trường luôn là bài toán khó đối với những người mới làm kinh doanh như anh.
Để tìm kiếm được thị trường, anh Lợi đã lặn lội đi khắp nơi ở các tỉnh lân cận để "tiếp thị". Nhờ đó, sau gần ba năm kinh doanh, anh đã có nhiều đối tác lớn ở hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái như: Ban Quản lý Dự án 661 huyện Văn Chấn, Phòng Kinh tế huyện Mường Khương, Nông trường chè Thanh Bình (Mường Khương)... Cùng với đó là những hợp đồng đặt mua bầu cây giống liên tục tăng lên từ 35.000 cây năm 2008 lên 1.000.000 cây năm 2011. Anh Lợi cho biết: “Với số lượng xuất bán này, mỗi năm vườn ươm mang về cho gia đình anh thu nhập trên dưới 500 triệu đồng”.
Không dừng lại ở đó, vốn hiểu được nguồn lợi giá trị của rừng mang lại, anh Lợi đã xin UBND huyện Văn Chấn tạm giao quản lý 110 ha đất đồi trọc nằm tại xã Suối Quyền. Có đất, cùng chút vốn tích lũy được từ trại cây giống, cuối năm 2009, đầu năm 2010, anh Lợi đã đầu tư trồng hơn 40ha cây keo và bồ đề theo đúng kỹ thuật canh tác. Để thuận lợi hơn cho việc đi lại, xây dựng mô hình trang trại trong dự án trồng rừng, anh đã đầu tư trên 465 triệu đồng mở một con đường dài gần 700 mét từ Trạm Kiểm lâm Vực Phung ở thôn Suối Quyền (thuộc xã Suối Quyền) lên trang trại. Đến nay, diện tích keo và bồ đề anh trồng đang sinh trưởng tốt, cây cao trên 60cm. Thời gian tới, anh dự định mỗi năm sẽ tiếp tục đầu tư, trồng mới từ 25 - 30ha keo và bồ đề trên diện tích còn lại.
Khởi nghiệp chỉ bằng tâm huyết và sự dạn dày sau bao năm sống giữa biển khơi, anh Lợi đang từng bước gây dựng cho mình một trang trại rừng quy mô lớn nhất huyện Văn Chấn. Trang trại rừng của anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 11 lao động với thu nhập 1,7 triệu đồng/tháng, góp phần tích cực vào phong trào xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Trở về từ sân chơi Đồ Rê Mí, Dũng đã được các bạn cùng trường yêu quý gọi bằng những cái tên thân mật gắn với những bài hát em biểu diễn như Dũng “lỳ”, Dũng “bờm” hay Dũng “ĐồRêMí”.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), từ nhỏ Hờ A Su đã sống trong cảnh khó khăn do trình độ dân trí hạn chế. Mong ước có một tương lai tươi sáng đã hình thành tinh thần ham học hỏi của Hờ A Su và các anh em trong gia đình.
YBĐT - Đi thăm quan học hỏi nhiều nơi, về xuôi thấy có nghề mây tre, giang đan phát triển, lại thấy Lục Yên có nhiều tre, giang, ông Toản đã nghĩ ngay đến việc mang nghề mây tre đan “lên núi”.
YBĐT - Niềm đam mê của Sùng A Lạnh còn truyền lửa sang cho đứa con trai lớn Sùng A Chao năm nay mới 14 tuổi. A Chao học khèn cũng rất nhanh và đang háo hức với cây khèn mới vừa được bố mua tặng.