Khắc sâu lời Bác
- Cập nhật: Thứ năm, 29/9/2011 | 9:27:29 AM
YBĐT - Xuất ngũ, trở về tham gia xây dựng quê hương, ông Đỗ Khắc Thống, thương binh hạng 4/4 ở khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) luôn thấm thía con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Trực tiếp cầm súng chiến đấu và chứng kiến sự hy sinh cao cả của đồng đội nơi chiến trường, ông Thống thấu hiểu câu nói của Bác: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do!”. Chân lý ấy được đổi bằng máu xương của đồng đội ông cùng biết bao anh hùng liệt sĩ và những người thương binh đã đóng góp một phần máu thịt cho đất nước hòa bình, non sông một mối. Giữa năm 1967, từ quê hương Y Can (Trấn Yên), ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường B tỉnh Quảng Trị. Vào giữa năm 1969, ông bị thương nên năm 1976 ra quân, chuyển về công tác tại Xí nghiệp Cơ khí huyện Trấn Yên.
Khắc sâu lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã nỗ lực vượt lên thương tật, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Năm 1986, ông được tín nhiệm giao nhiệm vụ Phó giám đốc Xí nghiệp Cơ khí và được bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy Trấn Yên khóa XIV. Năm 1989, ông nhận nhiệm vụ Phó chánh Thanh tra huyện Trấn Yên và tháng 5.1993 về nghỉ chế độ tại khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc.
Khi tham gia công tác, bản thân ông tích cực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Về nghỉ hưu tại địa phương, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động tại cơ sở và được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ khu phố suốt từ năm 1994 đến năm 2002, đồng thời tham gia 2 khóa Hội đồng nhân dân thị trấn từ năm 1994 đến năm 2004. Ông còn tham gia Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc nhiệm kỳ 2000 - 2005, giữ chức Trưởng ban Văn hóa - Xã hội thị trấn Cổ Phúc.
Ông tâm niệm, dù ở cương vị nào, làm nhiệm vụ gì cũng phải học tập và làm theo tấm gương của Bác; là một đảng viên lại càng phải tu dưỡng, rèn luyện cũng như đem hết khả năng, tinh thần phục vụ nhân dân. Ông còn tham gia Đoàn Hội thẩm của Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên từ năm 2004 đến nay và làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho Sở Tư pháp Yên Bái. Ông đã được Tòa án nhân dân tối cao tặng bằng khen và Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái tặng giấy khen.
Năm 2008 - 2010, ông tham gia làm Phó bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 2. Nhận nhiệm vụ, ông sâu sát tình hình, phân cụm dân cư hợp lý để gần gũi nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân.
Khu phố của ông phụ trách hàng năm đều thực hiện tốt các nhiệm vụ, nghĩa vụ và đã được công nhận là khu phố văn hóa cấp huyện. Nhờ vận động tốt, người dân trong khu đã tự nguyện đóng góp xây dựng và giờ khu phố đã có nhà văn hóa khang trang. Chi bộ khu phố nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Trong những thành tích chung ấy, có phần đóng góp không nhỏ của ông Thống. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, ông giản dị, chân tình, giữ gìn tình đoàn kết lối xóm, vận động gia đình và nhân dân thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ông không quên trách nhiệm chăm sóc động viên các con học tập tiến bộ. Gia đình ông có 3 con thì cả ba đều đã tốt nghiệp đại học và gia đình được UBND huyện Trấn Yên công nhận là gia đình hiếu học.
Năm 2007, 2008, 2009, ông được Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc khen thưởng. Xếp loại hàng năm, ông là đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2009, ông được UBND huyện Trấn Yên khen thưởng; Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái tặng bằng khen 15 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (1995 - 2010). Ông cũng được Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc và huyện Trấn Yên khen thưởng với thành tích thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007 - 2010.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Khởi nghiệp chỉ bằng tâm huyết và sự dạn dày sau bao năm sống giữa biển khơi, anh Lợi đang từng bước gây dựng cho mình một trang trại rừng quy mô lớn nhất huyện Văn Chấn (Yên Bái).
YBĐT - Trở về từ sân chơi Đồ Rê Mí, Dũng đã được các bạn cùng trường yêu quý gọi bằng những cái tên thân mật gắn với những bài hát em biểu diễn như Dũng “lỳ”, Dũng “bờm” hay Dũng “ĐồRêMí”.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), từ nhỏ Hờ A Su đã sống trong cảnh khó khăn do trình độ dân trí hạn chế. Mong ước có một tương lai tươi sáng đã hình thành tinh thần ham học hỏi của Hờ A Su và các anh em trong gia đình.
YBĐT - Đi thăm quan học hỏi nhiều nơi, về xuôi thấy có nghề mây tre, giang đan phát triển, lại thấy Lục Yên có nhiều tre, giang, ông Toản đã nghĩ ngay đến việc mang nghề mây tre đan “lên núi”.