Khát vọng làm giàu

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2011 | 9:14:41 AM

YBĐT - Xuất ngũ, trở về địa phương với hai mảnh đạn còn nằm trong đầu và phổi nhưng lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế” đã giúp anh Nguyễn Văn Thuấn ở xã Yên Thái (Văn Yên) vượt qua mọi khó khăn, vươn lên làm giàu, trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi và nuôi dạy các con chăm ngoan, học tập tiến bộ.

Anh Thuấn chăm sóc nương chè giống mới trồng xen quế.
Anh Thuấn chăm sóc nương chè giống mới trồng xen quế.

Năm 1988, anh Nguyễn Văn Thuấn xuất ngũ về xã Yên Thái với gia tài là chiếc ba lô và hai mảnh đạn còn găm trong cơ thể. Mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương tái phát hành hạ cùng với vợ yếu con thơ, cái đói nghèo hiện hữu trong ngôi nhà đơn sơ của người thương binh này. Dắt díu vợ con, anh Thuấn tìm đến xã Mậu Đông để lập nghiệp. Đất ít, con đông, hai vợ chồng anh nai lưng làm lụng nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Trăn trở kiếm kế mưu sinh, anh chợt nhận ra rằng, không đâu bằng chính đồng đất quê mình. Động viên vợ con quay về Yên Thái, anh phải đối mặt với khó khăn lớn là thiếu đất và thiếu vốn. Với quyết tâm thoát đói nghèo, nuôi con ăn học chu đáo, anh đã nhận đấu thầu tất cả những mảnh ruộng thừa thẹo còn lại trong thôn. Có trong tay gần ba mẫu ruộng bạc màu, hai vợ chồng anh đã bền bỉ cải tạo đất, áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất, những thửa ruộng có đủ nước thì cấy lúa, ruộng cạn thì trồng ngô, trồng khoai, trồng sắn lấy thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất cây giống. Từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và công sức của vợ chồng anh đã mang lại những mùa vụ bội thu, cuộc sống gia đình dần ổn định.

Từ năm 1993 - 2003, anh Thuấn mạnh dạn nhận 21 ha đất rừng và vay tiền từ nhiều nguồn khác nhau mua 13 con trâu, bò cái sinh sản, 4 con trâu kéo để phát triển kinh tế theo hướng nông - lâm kết hợp chăn nuôi gia súc và thuỷ sản. Trong 21 ha này, anh phân theo độ dốc để trồng các loại cây phù hợp.

Đồi có độ dốc, anh trồng keo; đồi với độ dốc trung bình thì trồng bồ đề, mỡ; quế là cây trồng lâu năm được bố trí ở nơi có độ dốc thấp và dưới chân đồi để đón đất màu cùng chăn nuôi gà; dưới khe thì đào ao đắp đập thả cá, khai hoang làm ruộng cấy lúa, trồng cỏ voi nuôi gia súc. Khi cây lâm nghiệp còn nhỏ hoặc sau mỗi chu kỳ khai thác, anh trồng xen sắn và bên dưới diện tích quế đã khép tán, tỉa thưa trồng xen chè giống mới. Anh đã đầu tư 70 triệu đồng mở đường vào hai khu trang trại của gia đình để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa nông, lâm sản.

Hai vợ chồng anh còn mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng tạp hóa và nông cụ sản xuất, mỗi năm thu về 30 - 35 triệu đồng. Đến nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng mỗi năm. Năm 2008, gia đình đã xây ngôi nhà ba tầng trị giá gần 1 tỷ đồng.

Tư duy nhanh nhạy, anh Thuấn nhận thấy, tiềm năng gỗ rừng trồng của địa phương rất lớn và nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân ngày càng tăng. Một hướng làm ăn mới đã hình thành trong anh.

Năm 2010, anh vay ngân hàng 200 triệu đồng, bán 30 con trâu, bò để mua xe ô tô vận tải và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hội Cựu chiến binh xã Yên Thái. Xưởng bóc gỗ ván ép sơ chế gỗ rừng trồng của Hợp tác xã mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động là vợ, con của các cựu chiến binh và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, thu nhập theo mức khoán từ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày.

Anh Thuấn còn tích cực giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng cách cho vay vốn, cây - con giống không lấy lãi, cho nuôi bò chia, cho mua nợ phân bón và vật tư nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng vốn vay hiệu quả… Nhờ đó, nhiều gia đình từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên có cuộc sống ổn định.

Là tấm gương tự lực trong phát triển kinh tế, gia đình người thương binh này còn được biết đến bởi tấm lòng hiếu thảo với mẹ già và nuôi dạy các con chăm ngoan, học hành tiến bộ. Bốn người con của anh chị đều đang học đại học, cậu út học lớp 12 cũng quyết tâm noi gương anh chị. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Thuấn chưa phải lớn nhất ở xã Yên Thái nhưng mọi người cảm phục anh ở ý chí tự lực cánh sinh, dám nghĩ dám làm. Là một thương binh, một gia đình giáo dân, không trông chờ ỷ lại, anh Thuấn đã chịu khó, năng động, biết khơi dậy tiềm năng của địa phương để vượt qua đói nghèo.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Thái khẳng định: “Mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất kết hợp chế biến của anh Thuấn đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cách sản xuất ở một xã thuần nông, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương”.

Hồng Vân       

Các tin khác

YBĐT - Xuất ngũ, trở về tham gia xây dựng quê hương, ông Đỗ Khắc Thống, thương binh hạng 4/4 ở khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) luôn thấm thía con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Đinh Quang Lợi (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây giống tại vườn ươm.

YBĐT - Khởi nghiệp chỉ bằng tâm huyết và sự dạn dày sau bao năm sống giữa biển khơi, anh Lợi đang từng bước gây dựng cho mình một trang trại rừng quy mô lớn nhất huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Trí Dũng và mẹ

YBĐT - Trở về từ sân chơi Đồ Rê Mí, Dũng đã được các bạn cùng trường yêu quý gọi bằng những cái tên thân mật gắn với những bài hát em biểu diễn như Dũng “lỳ”, Dũng “bờm” hay Dũng “ĐồRêMí”.

YBĐT - Sinh ra và lớn lên xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), từ nhỏ Hờ A Su đã sống trong cảnh khó khăn do trình độ dân trí hạn chế. Mong ước có một tương lai tươi sáng đã hình thành tinh thần ham học hỏi của Hờ A Su và các anh em trong gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục