Những mùa quả ngọt trên đất cằn
- Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2011 | 9:57:14 AM
YBĐT - Tình yêu lao động, tinh thần ham học hỏi cùng với ý chí vượt khó đã giúp gia đình anh chị Cường - Mây có cuộc sống no đủ và chăm lo cho các con ăn học chu đáo. Anh chị đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh, cam, quýt chất lượng cao để tăng thêm thu nhập.
(Ảnh minh họa)
|
Năm 1985, anh Nguyễn Văn Cường ở Phương Đạo, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) xây dựng gia đình với chị Phạm Thị Mây. Khi ấy, hai vợ chồng được cha mẹ cắt cho mảnh đất liền kề và dựng cho một ngôi nhà nhỏ. Làm lụng quanh năm, tần tảo chịu khó hết sức mà gia đình cũng chỉ đủ ăn.
Anh Cường đã bàn với vợ chuyển nhà vào vùng sâu, vùng xa hơn - nơi có nhiều đất đai để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Đúng dịp ấy, Hợp tác xã Phương Đạo có chủ trương giãn dân, thế là anh chị ngay lập tức đăng ký tham gia. Thế nhưng hai vợ chồng cũng chỉ nhận được khu Đá Lớn - nơi đá nhiều hơn đất cằn mà muốn vào đó phải luồn lau lách, lội khe suối. Không nản lòng, anh chị quyết tâm nhận khu Đá Lớn để lập nghiệp vào năm 1991.
Làm xong nhà, lo được chỗ ở, hai vợ chồng bắt tay vỡ đất trồng ngô, khai hoang ruộng nước cấy lúa để bảo đảm lương thực trước mắt. Chăm chỉ sớm khuya, anh chị nhặt đá, phát lau, dẫn nước từ đỉnh núi về vườn nhà. Có đất, họ bắt đầu trồng quế, mỡ, bồ đề. Thời gian thấm thoắt trôi, quế, bồ đề, mỡ xanh dần từ đầu nhà lên đồi và đến nay đã xanh 7ha rừng, trong đó có hơn 1.000 cây quế, giá mỗi cây không dưới 500.000 đồng và mỡ, bồ đề cũng tới thời kỳ khai thác.
Có nguồn nước ổn định, anh chị thuê đào 2 sào ao vừa tạo cảnh quan vừa cải thiện cuộc sống và kết hợp nuôi cá thương phẩm. Cái ao nhỏ này đã giúp gia đình không phải mua cá ăn mà còn xuất bán 4 - 5 tạ mỗi năm.
Đến thăm trang trại nhà anh Cường, điều ấn tượng nhất lại là vườn cam, quýt, chanh đang vụ thu hoạch, cây nào cây nấy lúc lỉu quả mọng căng. Nghề trồng cam, quýt đến với vợ chồng anh rất tình cờ và bén đất phát triển nhờ sự cần cù lao động và ham học hỏi. Ban đầu, anh xin được cành cam, cành quất về trồng để lấy quả ăn nhưng nào ngờ chúng lại ngày càng xanh tốt, ít sâu bệnh, sai trĩu quả.
Phát hiện chất đất nơi này hợp với loài cây có múi, anh đến Bưu điện - Văn hóa xã tìm sách khuyến nông rồi viết thư hỏi nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng ở chương trình truyền hình “Hỏi gì đáp nấy” nhờ hướng dẫn. Anh còn đến cả những gia đình đã thành công trong việc trồng cam, quýt để học hỏi kinh nghiệm. “Sách, báo bây giờ sẵn lắm, muốn tìm là có ngay. Còn giáo sư Nguyễn Lân Dũng, chắc bác ấy thông cảm cho cảnh nghèo và điều kiện xa xôi của mình nên thư nào tôi viết cũng được bác trả lời rất cặn kẽ”, anh Cường tâm sự
. Đến nay, gia đình đã trồng hơn 200 gốc cam có chất lượng tốt, năng suất cao gồm giống Đường Canh, cam sành, cam sen… Khi thị trường tiêu thụ chanh quả mở rộng, anh đẩy mạnh phát triển cây chanh tứ thời. Mấy sào ruộng cấy lúa vụ được vụ mất, anh chuyển sang trồng toàn bộ chanh và hiện có trên 600 cây chanh giống quý cho năng suất, chất lượng cao. Năm nay, anh chị thu về hơn 60 triệu đồng tiền bán cam, còn phần lớn diện tích chanh mới trong giai đoạn bói quả nên thu hơn chục tấn, giá tại vườn ổn định từ 9.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi cân.
Tình yêu lao động, tinh thần ham học hỏi cùng với ý chí vượt khó đã giúp gia đình anh chị Cường - Mây có cuộc sống no đủ và chăm lo cho các con ăn học chu đáo. Anh chị đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh, cam, quýt chất lượng cao để tăng thêm thu nhập.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Đồng chí Trần Thanh Bình - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Khê (Văn Chấn) cho biết, những năm qua, thôn Nà Trạm có được kết quả khả quan thì đầu tiên phải kể đến vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà đầu tàu là Bí thư Chi bộ Hà Hữu Lục.
YBĐT - Ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nhiều người biết đến Nguyễn Thành Dương, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, người đã đoạt giải nhất Hội thi Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã giỏi của tỉnh năm 2011.
YBĐT - Đáng trân trọng và cảm phục thay nghị lực của những cô cậu học trò sinh ra trong khổ cực, tuổi thơ trải qua nhiều biến cố, lớn lên trong cảnh éo le và bao bất hạnh gia đình những vẫn vươn lên học chữ, rèn mình. Học không chỉ để thoát đời lam lũ!
YBĐT - Năng động, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và sớm đi tìm giống thảo quả về trồng trên mảnh đất quê mình nên gia đình ông Giàng A Dê ở bản Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) từ một hộ nghèo nhất ở bản nay đã vươn lên thoát nghèo.