“Viên ngọc sáng” nơi rẻo cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/1/2012 | 9:43:10 AM

YBĐT - Không chỉ là một trong những hộ có kinh tế khá nhất bản Tấu Giữa mà gia đình già Sùng còn luôn động viên con cháu tích cực học tập, tham gia các hoạt động của thôn, của xã và lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Già làng Mùa A Sùng đã vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.
Già làng Mùa A Sùng đã vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.

Vượt qua nhiều con dốc cao, ngoằn ngoèo với những khúc cua tay áo, chiếc xe máy ì ạch đưa chúng tôi lên bản Tấu Giữa, xã Trạm Tấu (Trạm Tấu). Hỏi già làng Mùa A Sùng thì ai cũng biết bởi già Sùng đã 24 năm giữ chức Bí thư Chi bộ xã Trạm Tấu, nay là Đảng bộ xã Trạm Tấu. Già cũng là một trong những già làng, trưởng bản có uy tín nhất địa phương.

Nhà già Sùng ở tít trên cao nên xe máy phải để dưới rồi leo bộ lên. Biết chúng tôi đến, già Sùng xuống tận chân dốc đón. Sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng đôi chân của già vẫn cứ thoăn thoắt. Vừa leo dốc, già vừa kể bao chuyện về đồng bào Mông ơn Đảng, ơn Nhà nước, tích cực tham gia sản xuất hai vụ lúa để xóa đói, giảm nghèo rồi chuyện các con, các cháu nhờ chịu khó học hành nên giờ làm cán bộ huyện, xã, trưởng thôn, bản.

Già bảo, già thích nhất là sóng điện thoại đã lên tới bản, muốn nói chuyện với con cháu, muốn tập hợp đảng viên đi họp thì chỉ cần bấm bấm mấy số là được chứ không vất vả như trước... Nhà già Sùng ở vị trí cao nhất của bản, bên cây nhội già. Cây nhội này có từ lâu lắm rồi, dễ gần trăm tuổi. “Ông bà mình không chặt, mình không chặt, đến con cháu mình cũng không được chặt. Không chỉ giữ cây nhội, mình còn khuyên bảo con cháu, anh em trong dòng họ, bà con trong bản phải giữ rừng, không được chặt phá rừng, không đốt nương làm rẫy”, già Sùng nói.

Trong ngôi nhà gỗ năm gian, già mời chúng tôi cùng uống chén rượu và kể về cuộc đời mình... Tuổi thơ của già cũng như bao trẻ Mông khác là đói nghèo, là mù chữ. Khi trưởng thành, già sớm giác ngộ cách mạng, tham gia đội du kích, là Tiểu đội trưởng dân quân xã Trạm Tấu. Năm 1964, già là Bí thư Chi đoàn xã Trạm Tấu.

Năm 1967, già vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1970, già tình nguyện tham gia phục vụ dân công hỏa tuyến tại chiến trường Lào rồi trở về quê hương tham gia Ban thủy nông xã. Năm 1973, già được bầu làm Phó chủ tịch UBND xã. Năm 1976, già được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xã Trạm Tấu và đến năm 2000 nghỉ chế độ.

Dù ở bất kỳ cương vị nào, già Sùng cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen. Già nâng niu, trân trọng tấm Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và coi đó là vật báu của đời mình.

Trước đây, khi chưa có Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái, già Sùng đã nhường hơn 2ha đất sản xuất của gia đình cho con cháu, anh em trong dòng họ. Thực hiện Nghị quyết 06, nhiều người khuyên già nên thống kê diện tích đó để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước nhưng già kiên quyết không làm. Già nghĩ rằng, mình sống thì phải làm gương cho con cháu, chứ mình làm sai thì không thể  khuyên bảo được.

Trong bản, gia đình già cũng là hộ đầu tiên có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Nhà già Sùng có hơn 1ha ruộng nương, 2ha trồng ngô, 2ha trồng sắn, 10 con lợn, hơn 100 con gia cầm. Quan niệm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nên gần Tết, gà chạy đồi, lợn "cắp nách" của nhà già nuôi không đủ bán.

Không chỉ là một trong những hộ có kinh tế khá nhất bản Tấu Giữa mà gia đình già Sùng còn luôn động viên con cháu tích cực học tập, tham gia các hoạt động của thôn, của xã và lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu trở thành người đảng viên.

Già Sùng có 4 người con, 12 người cháu, trong đó 1 người con và 5 người cháu là đảng viên, 3 người là cán bộ xã, 1 người đang theo học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong các con, các cháu, già Sùng tự hào nhất về cháu nội Mùa A Páo, sinh năm 1985, hiện là Phó chủ tịch UBND xã Trạm Tấu.

Buổi chia tay, già Sùng tiễn xuống tận chân dốc và không quên mang cho chúng tôi hai chiếc bánh dày. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, già giải thích: "Bây giờ, cuộc sống của người Mông không còn lo thiếu đói giáp hạt nữa, nhiều nhà đã gói bánh dày ăn tết từ bây giờ, hết rồi lại gói tiếp. Tết này nhớ lên uống rượu với già nhé!".

Chúng tôi nhớ mãi lời của đồng chí Giàng A Hành - Bí thư Đảng bộ xã Trạm Tấu khi nói về già: “Già Sùng thật sự là “viên ngọc sáng” ở nơi vùng cao này!".

Mạnh Cường

Các tin khác
Bệnh binh Lò Văn Kè chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Sau tháng ngày cần mẫn lao động, đất không phụ công người, từ đôi bàn tay trắng giờ anh đã có cả mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Anh là bệnh binh Lò Văn Kè ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Anh Bùi Khắc Sơn (thứ 2, trái sang) và lãnh đạo huyện Văn Chấn
tặng quà cho các em học sinh nghèo hiếu học.

YBĐT - Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, có đầu óc kinh doanh mà anh Bùi Khắc Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn còn là người có một trái tim nhân hậu và giàu lòng nhân ái.

Ông Đặng Phúc Kim bên đồi quế 10 năm tuổi của gia đình.

YBĐT - Trưởng thôn Đặng Phúc Kim đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen và được bà con kính trọng, quý mến.

YBĐT - Ông Lý Văn Hạt ở thôn 1, xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) được bà con trong vùng biết đến không chỉ là một trưởng thôn gương mẫu, miệng nói tay làm mà còn là ông chủ của những cánh rừng bạt ngàn trị giá hàng trăm triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục