Chủ tịch hội năng động

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/1/2012 | 9:48:11 AM

YBĐT - Hồ Bốn là xã vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Mông,trình độ của chị em phụ nữ không đồng đều. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Phụ nữ, điều chị Sầu luôn trăn trở là làm thế nào để đưa phong trào đi lên và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

“Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở xã Hồ Bốn, chứng kiến cái nghèo đói cứ đeo đẳng gia đình mình và những người dân ở đây, khi được chị em trong xã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, tôi luôn nghĩ phải làm sao để vận động được chị em áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trong chăn nuôi, sản xuất để cải thiện điều kiện sống, bớt đi cái đói cái nghèo” – chị Mùa Thị Sầu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) tâm sự.

Hồ Bốn là xã vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Mông,trình độ của chị em phụ nữ không đồng đều. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Phụ nữ, điều chị Sầu luôn trăn trở là làm thế nào để đưa phong trào đi lên và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Để làm tốt và thúc đẩy phong trào của Hội, chị không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp trên giao. Bản thân chị luôn đi đầu trong mọi công tác, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Hội cấp trên, từ đó tiến hành xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình".

Tham gia công tác Hội, chị được Hội Phụ nữ huyện cho đi thăm quan học tập trao đổi kinh nghiệm ở nhiều nơi, chị đã nhận ra rằng nhà mình, hội viên mình còn đói nghèo là do tập quán sản xuất, chăn nuôi còn lạc hậu, chưa áp dụng kiến thức khoa học, trồng cấy mới chỉ có một vụ, chăn nuôi không có sự chăm sóc, đầu  tư… Chị xác định muốn làm tốt công tác tuyên truyền vận động hội viên thay đổi tập quán sinh hoạt thì bản thân gia đình chị phải làm tiên phong.

Nghĩ sao làm vậy, chị và gia đình tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT được mở tại xã, huyện và áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, thực hiện cấy 2 vụ lúa/năm, đưa các giống lúa năng suất cao vào sản xuất. Năm 2007, gia đình chị được đền bù 80 triệu đồng cho số ruộng phục vụ làm thủy điện, anh chị đã bàn bạc thống nhất sử dụng số tiền đền bù và vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư làm trang trại nhỏ nuôi 20 con lợn thịt, 2 con lợn nái, 250 con gà.

Ngoài ra, chị còn nuôi thêm giống gà đen cung cấp ra thị trường, nuôi thêm 2 con trâu và 3 con bò. Tận dụng nguồn phân bón từ chăn nuôi, chị trồng thêm gần 1ha rau các loại, 1ha lạc, mỗi năm trừ tri phí gia đình chị thu nhập được 40 - 50 triệu đồng. Kinh tế gia đình dần được nâng lên, chị có điều kiện chăm sóc con cái, cải thiện đời sống gia đình.

Từ thành công trong phát triển kinh tế gia đình của chủ tịch hội, các hội viên phụ nữ khác đã tích cực tham gia các lớp chuyển giao KHKT do Hội Phụ nữ xã phối hợp với khuyến nông cơ sở tổ chức nhằm trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh tăng vụ… và áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Hiện nay xã có 5 hộ gia đình hội viên phụ nữ có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, chị còn vận động chị em giúp nhau ngày công lao động, giống lúa cho 54 hội viên nghèo để phát triển sản xuất. Đến nay có 15 hộ gia đình hội viên được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ thoát nghèo.

Bên cạnh đó, chị cùng với Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã đã vận động hội viên phụ nữ tham gia trồng mới 120ha rừng, khoanh nuôi mới 150ha đưa độ che phủ rừng của xã lên 35%. Chị cũng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền phối hợp mở 8 lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ, đến nay cơ bản 100% chị em hội viên từ 18 – 40 tuổi biết chữ. Cùng đó, chị phối hợp với Ban dân số KHHGĐ xã tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện tốt công tác dân số KHHGĐ, không sinh con thứ 3, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tổ chức tập huấn kiến thức về giới cho phụ nữ các thôn bản thu hút hàng ngàn lượt hội viên tham gia.

Sự năng động của Chủ tịch Hội Phụ nữ Mùa Thị Sầu đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào phụ nữ ở xã còn nhiều khó khăn này. Công tác Hội Phụ nữ xã đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội cấp trên đánh giá xuất sắc, nhiều năm liền được tặng Trung ương Hội, Tỉnh Hội, UBND huyện Mù Cang Chải tặng bằng khen, bản thân chị Sầu cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh Hội, Ủy ban MTTQ tỉnh và Công an tỉnh.

T.B

Các tin khác
Nhiều chương trình, phong trào hoạt động của Đội TNTP tỉnh Yên Bái đã được tổ chức và triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh minh họa

YBĐT - Đó là danh hiệu mà nhiều đồng nghiệp, bạn bè yêu quý dành tặng cho cô giáo trẻ Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc khối 3, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Ông Lường Văn Hoa - Bí thư Chi bộ thôn Bản Ngoa, xã Phúc Sơn (Văn Chấn) là người năng động, nhiệt tình với công tác xã hội, đặc biệt là vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Già làng Mùa A Sùng đã vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.

YBĐT - Không chỉ là một trong những hộ có kinh tế khá nhất bản Tấu Giữa mà gia đình già Sùng còn luôn động viên con cháu tích cực học tập, tham gia các hoạt động của thôn, của xã và lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Bệnh binh Lò Văn Kè chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Sau tháng ngày cần mẫn lao động, đất không phụ công người, từ đôi bàn tay trắng giờ anh đã có cả mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Anh là bệnh binh Lò Văn Kè ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục