Người giữ hồn cho ngôi đền cổ

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/2/2012 | 2:55:38 PM

YBĐT - Đền Đông Cuông ở xã Đông Cuông (Văn Yên) là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh biết tới. Nhưng đằng sau vẻ đẹp và sự linh thiêng của ngôi đền, không phải ai cũng biết đến công lao của họ Hà - dòng họ nhiều đời nay giữ trách nhiệm coi sóc, tiếp quản nó.

Ông Giấy giới thiệu sắc phong của 4 đời vua và chiếc khánh cổ của dòng họ Hà.
Ông Giấy giới thiệu sắc phong của 4 đời vua và chiếc khánh cổ của dòng họ Hà.

Từ truyền tích tới đời thực

Câu chuyện về dòng mo họ Hà coi giữ Đền Đông Cuông được nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại. Theo thần tích dòng họ Hà, Đền Đông Cuông sơ khởi là miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, Hoàng (người Tày Khao) sáng lập.

Đông Quang công chúa tên thật là Lê Thị Kiểm, vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày, được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông là hậu duệ của Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương (Trại chủ Quy Hóa). Ông Thiên đã lãnh đạo nhân dân địa phương đánh thắng giặc Nguyên Mông. Khi ông mất, dân lập miếu thờ ở Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng). Bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông và mất tại đây nên được thờ ở Đền Đông Cuông (tả ngạn sông Hồng). Để ghi nhớ công lao của tổ phụ họ Hà, nhân dân đã giao đền cho người họ Hà trông nom, quán xuyến.

Từ khi được họ Hà tiếp nhận đến nay, Đền Đông Cuông luôn là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh của nhân dân trong vùng. Chị  Nguyễn Thị Mai - một người dân sống gần khu vực đền cho biết: “Đền Đông Cuông có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Vào dịp hội đền hay những ngày lễ tết, chúng tôi thường lui tới đền để thắp hương cầu may và tài lộc cho cả gia đình. Đối với tôi và nhiều người khác, ngôi đền này mang ý nghĩa tâm linh rất đặc biệt”. Ông Hà Văn Giấy - thủ từ đời thứ 5 của đền Đông Cuông cho biết: “Dòng họ Hà hơn chục đời trước đã được hưởng lộc làm mo tại đền Đông Cuông nhưng chỉ 5 thế hệ gần đây mới chính thưc tiếp quản ngôi đền. Có được vinh dự đó là do những đóng góp quan trọng của người họ Hà trong các cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước từ xa xưa. Đến nay, vị trí thủ từ vẫn được những người trong họ truyền nối qua nhiều thế hệ”.

Bằng khen Sở Văn hóa Thông tin tỉnh về công lao của ông Giấy.

Trách nhiệm lớn của người thủ từ già

Ông Hà Văn Giấy đảm nhiệm vị trí thủ từ tại Đền Đông Cuông tới nay đã 16 năm có lẻ. Trước đó, ông cũng từng là một người lính Cụ Hồ dũng cảm. Năm 1967, theo tiếng gọi của Đảng, ông Giấy lên đường bảo vệ đất nước. Nhờ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông nhanh chóng được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Kết thúc chiến tranh, ông Giấy trở về tham gia lao động sản xuất tại quê hương. Cũng trong thời gian này, ông được cha (tức thủ từ Hà Văn Cương) chỉ dạy việc tế tự và lễ nghi cần thiết để chuẩn bị kế nhiệm.

Anh Hà Văn Chinh - con trai ông Giấy cho biết: “ Ông nội tôi (ông Hà Văn Cương) là thủ từ cuối cùng của Đền Đông Cuông cũ. Năm 1979, đền bị phá hủy bởi chiến tranh biên giới phía Bắc. Trước khi di tản, ông cùng những người trong họ chỉ kịp mang theo một số cổ vật và sắc phong của các đời vua ban cho. Sau khi ông mất, theo di nguyện của ông, cha tôi đã mang 4 sắc phong này xuống Viện khảo cổ học xác nhận và xin cấp phép xây dựng lại đền. Năm 1995, được sự đồng ý của Cục Di sản văn hóa quốc gia, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định cho phép nhân dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên dựng lại Đền Đông Cuông trên nền đất cũ. Cha tôi cũng chính thức trở thành thủ từ đời thứ 5 thay ông trông nom và đảm nhiệm việc khói nhang cho ngôi đền”.

Ngoài lưu giữ 4 sắc phong của 4 đời vua: Đồng Khánh (năm thứ 2), Tự Đức (năm thứ 33), Duy Tân (năm thứ 3), Khải Định (năm thứ 9); dòng họ Hà nói chung và ông Giấy nói riêng còn có công rất lớn trong việc kế tục và bảo tồn những bản sắc văn hóa dân tộc. Trong mỗi dịp lễ hội, ông là người trực tiếp đảm nhiệm công việc tế tự tại đền Đông Cuông.

 Theo ông, các lễ nghi truyền thống đã được lưu giữ từ nhiều thế kỉ nay nhưng chỉ thầy mo họ Hà mới thuộc các bài khấn cổ và có hèm (bí quyết riêng) để điều hành buổi lễ này. Không chỉ am hiểu về việc điều hành lễ hội, nhiều đồ vật quý giá của đền như lư hương, lô nhang, hạc, đèn đồng… cũng được ông Giấy bảo quản cẩn thận. Hiện nay, gia đình ông còn lưu giữ một số cổ vật của dòng họ từ xa xưa. Trong đó, chiếc khánh đồng là vật mang giá trị lịch sử cao, được nhiều nhà khảo cổ và các cán bộ Phòng Di sản tỉnh quan tâm tìm hiểu.

Theo bà Nông Thị Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, Trưởng ban quản lý đền: “Dòng họ Hà đã có đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền. Từ xưa đến nay, vị trí thủ từ tại Đền Đông Cuông đều do người họ Hà nắm giữ và truyền nối qua các thế hệ. Có thể khẳng định rằng, phần lớn lịch sử của Đền Đông Cuông đều do người họ Hà nói chung và ông Hà Văn Giấy nói riêng giữ gìn, bảo vệ”.

Năm 2009, đền Đông Cuông đã vinh dự được đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cá nhân ông Hà Văn Giấy cũng được Sở văn hóa thông tin tỉnh khen tặng vì đã có thành tích trong việc giữ gìn và hiến tặng di vật cho đền. Hiện tại, ông Giấy vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vừa tiếp tục chỉ dạy cho 2 người con trai các công việc lễ nghi và tế tự của đền.    

 Hoàng Oanh

Các tin khác
Ông Tăng nuôi 3 con trâu, đàn lợn trên 20 con.

Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng đảng viên Trần Xuân Tặng vẫn luôn được chính quyền, nhân dân trong xã, thôn tin tưởng tín nhiệm giữ vị trí Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của xóm và Phó bí thư Chi bộ thôn 4.

Ông Lương Văn Chính bên đồi keo 6 năm tuổi của gia đình.

YBĐT - Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng rừng cùng với chăm chỉ lao động đã giúp ông Lương Văn Chính ở thôn Loan Thượng, xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả, nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Chị Gấm (ngồi giữa mặc áo đỏ) trong buổi sinh hoạt cùng các thành viên câu lạc bộ Hoa Ban Trắng.

YBĐT - 27 tuổi thành goá phụ, con trai mồ côi cha, bản thân chị cũng bị nhiễm HIV từ chồng. Cuộc sống có lúc tưởng như rơi vào vực thẳm nhưng bằng ý chí, nghị lực và tình yêu thương, chia sẻ của cộng đồng, chị đã cởi bỏ được mọi mặc cảm, vươn lên sống có ích cho gia đình và xã hội.

Đại biểu Giàng A Chu phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII.

YBĐT - Gặp ông, các già làng vẫn nhớ gọi ông với cái tên “Bí Chu” trìu mến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục