Giữ trọn lời hứa với cha
- Cập nhật: Thứ tư, 29/2/2012 | 2:48:34 PM
YBĐT - Bà Chỉnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh sỏi thận ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).
|
Năm 1978, sau khi học xong phổ thông, bà đi làm công nhân công tác tại Cung 4, Hạt 6 của ngành giao thông vận tải Yên Bái đóng tại thôn 1, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Đến năm 1981, bà chính thức quay lại với nghề thầy thuốc đông y. Lòng yêu nghề cùng với những kinh nghiệm học được khi ở cùng cha mẹ, bà đã tự đi hái thuốc và chữa cho nhiều người trong thôn, xóm khỏi bệnh.
"Tôi làm nghề thầy thuốc đông y, kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người đến nay đã tròn 31 năm. Nghề thầy thuốc rất cực nhưng cũng thật vui vì luôn đem lại sức khỏe cho mọi người. Mỗi người bệnh ở gần hay ở xa đến đều tin tưởng vào các bài thuốc của tôi. Như vậy, tôi đã thực hiện được lời hứa với cha khi tôi mới 8 tuổi: "Cả đời này, con chỉ gắn bó với nghề thầy thuốc, cha ạ!"" - lương y Nghiêm Thị Chỉnh, 62 tuổi, ở thôn 1, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chia xẻ.
Bà Chỉnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh sỏi thận ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Thuở nhỏ, bà thường theo mẹ lên rừng hái thuốc, khi ở nhà lại phụ giúp cha chế biến và thái thuốc nam. Cũng từ đó bà có điều kiện tiếp xúc, học hỏi được nhiều kinh nghiệm và phương pháp chữa bệnh bằng thuốc nam. Thấy cô con gái tận tâm và yêu nghề làm thuốc nên cha cô đã truyền lại cho các bài thuốc gia truyền của dòng họ.
Năm 1978, sau khi học xong phổ thông, bà đi làm công nhân công tác tại Cung 4, Hạt 6 của ngành giao thông vận tải Yên Bái đóng tại thôn 1, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Đến năm 1981, bà chính thức quay lại với nghề thầy thuốc đông y. Lòng yêu nghề cùng với những kinh nghiệm học được khi ở cùng cha mẹ, bà đã tự đi hái thuốc và chữa cho nhiều người trong thôn, xóm khỏi bệnh.
"Người đầu tiên giúp tôi thử nghiệm bài thuốc chữa viêm loét dạ dày chính là ông xã. Sau một thời gian điều trị thì chồng tôi đã khỏi hẳn và đến nay không có biểu hiện tái phát" - bà Chỉnh chia xẻ. Tiếng lành đồn xa, người bệnh sau khi đến được bà bốc thuốc chữa khỏi đã tự bảo nhau tìm đến lương y. Rất nhiều các trường hợp đã khỏi bệnh.
Anh Đặng Ngọc Cảnh ở thôn 1, xã Đào Thịnh mắc bệnh rối loạn chức năng gan hơn hai năm nay, mặc dù đã đi chữa khắp nơi nhưng vẫn không khỏi. Được bà lang Chỉnh bốc thuốc cho uống, sau 2 tháng anh Cảnh đã khỏi hẳn bệnh. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Tần trên 70 tuổi ở thôn 1, xã Đào thịnh bị viêm thượng vị, viêm thành tá tràng hơn 50 năm, sau những lần uống thuốc của bà Chỉnh, bà Tần đã đi lại bình thường, ăn uống được nhiều hơn thậm chí còn đi bộ được hàng chục cây số.
Không chỉ chữa khỏi bệnh mà hiện nay bà Tần còn được bà lang Chỉnh tạo việc làm giúp bà có thêm thu nhập. Anh Đào Văn Tâm ở thị trấn Trạm Tấu (Trạm Tấu) bị mất ngủ 3 - 4 tháng nay, tuy đã uống nhiều loại thuốc nhưng vẫn không ngủ được, nhờ bạn bè giới thiệu anh Tâm đã đến bà lang Chỉnh để bốc thuốc, giờ thì anh đã ăn uống, ngủ nghỉ tốt hơn...
Không chỉ anh Cảnh, bà Tần, anh Tâm mà rất nhiều người bệnh ở khắp mọi miền tìm đến đều được bà lang Chỉnh chữa khỏi. Ngoài việc bốc thuốc giúp người bệnh, bà lang Chỉnh còn ân cần chăm sóc, hướng dẫn người bệnh điều trị ở nhà, từ chỗ pha thuốc, uống thuốc cho đến sinh hoạt cá nhân, coi họ như người thân trong gia đình.
Dù có vườn thuốc nam rộng khoảng 720 m2 với gần 200 loại cây thuốc quý song bà Chỉnh vẫn chủ động tìm đến các vùng Văn Yên, Trái Hút... để mua cây thuốc hoặc lấy từ Hà Nội về làm nguyên liệu bởi hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng từ gần chục người bệnh đến từ nhiều địa phương Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Quảng Bình, Cà Mau... đến khám và bốc thuốc. Những người ở xa hoặc bận không đến được thì gọi điện đến bảo bệnh, bà lang Chỉnh tự chế thuốc rồi gửi qua đường bưu điện đến tận tay người cần chữa trị. Để có được những bài thuốc hay, thuốc quý, ngoài những kinh nghiệm được bố mẹ truyền lại, bà lang Chỉnh còn tích cực nghiên cứu các loại sách về bộ môn y học cổ truyền như sách nội khoa, sách bào chế đông dược, sách của y học nước ngoài...
Qua những cuốn sách này, bà đã có thêm những cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh như: cây mào gà chữa bệnh gan, cây kiến cồ chữa bệnh khớp, cây bồ công anh chữa u vú, cây đạm trúc chữa say nắng nhẹ, sốt cấp tính, cây dâu tằm chữa chảy máu cam..., đặc trị nhất vẫn là thuốc chữa bệnh sỏi thận.
Giá cả đối với mỗi thang thuốc bà tự tay bốc đều không giá trị bằng những lời cảm ơn chân thành và sâu sắc của người bệnh dành tặng. Với bà Chỉnh đó mới là niềm vui, nguồn động viên giúp bà vượt lên những vất vả của nghề để rồi yêu nghề, quý trọng nghề nhiều hơn. Chẳng thế, các đại hội y học cổ truyền toàn quốc, của tỉnh, huyện và xã, bà luôn nhận được lời mời là đại biểu đại diện cho các ông lang, bà mế tham gia.
Cùng với đó, bà còn được Trạm Y tế xã giao cho phụ trách quầy chẩn trị tại Trạm và làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y của tỉnh, huyện. Đồng thời, bà còn phối hợp với trạm dùng phương pháp đông tây y kết hợp trong điều trị bệnh đem lại hiệu quả cao, đưa tỷ lệ khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền của xã hàng năm đạt trên 30% cũng như góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền. Năm nào, bà lang Chỉnh cũng được UBND xã Đào Thịnh, Hội Đông y tỉnh, huyện khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước suốt đời trị bệnh cứu người, lương y Nghiêm Thị Chỉnh đã giữ trọn lời hứa với người cha.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT – Đền Đông Cuông xưa kia được nhà bác học Lê Quý Đôn đặt tên là Đền Tâm Linh. Dòng họ Hà được ghi nhận là dòng họ có công lao đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ, kế tục và bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá của ngôi đền cổ này ở đất Văn Yên, Yên Bái.
YBĐT - Với cương vị là trưởng khoa, bác sĩ Quyết luôn chú ý đến việc giúp đồng nghiệp nâng cao trình độ nghiệp vụ, động viên, khuyến khích để làm tốt công tác chăm sóc bệnh nhân.
YBĐT - Đền Đông Cuông ở xã Đông Cuông (Văn Yên) là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh biết tới. Nhưng đằng sau vẻ đẹp và sự linh thiêng của ngôi đền, không phải ai cũng biết đến công lao của họ Hà - dòng họ nhiều đời nay giữ trách nhiệm coi sóc, tiếp quản nó.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng đảng viên Trần Xuân Tặng vẫn luôn được chính quyền, nhân dân trong xã, thôn tin tưởng tín nhiệm giữ vị trí Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của xóm và Phó bí thư Chi bộ thôn 4.