Người cựu chiến binh gương mẫu
- Cập nhật: Thứ hai, 12/3/2012 | 10:03:15 AM
YBĐT - Tôi tìm đến ông trong những ngày huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang tưng bừng chuẩn bị cho ngày Kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ. Quê ở làng Khe Đát, xã Tân Đồng, người cựu chiến binh Đặng Hồng Quân được biết đến là một đảng viên, già làng gương mẫu làm nhiều việc tốt cho bản làng.
Trang trại của gia đình ông Đặng Hồng Quân.
|
Năm 1968, người thanh niên Đặng Hồng Quân nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, được huấn luyện làm pháo thủ thuộc Trung đoàn 212, Sư đoàn B61, bảo vệ bầu trời Hà Nội. Do rèn luyện phấn đấu tốt, năm 1971 Đặng Hồng Quân được cử đi đào tạo tại Trường sĩ quan Phòng không; đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 được cử làm Đại đội phó của Trung đoàn 282, Sư đoàn Phòng không B65, cơ động trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Năm 1978, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông được điều ra Bắc giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không H43, Quân khu 1 tại Lạng Sơn rồi liên tục công tác tại các tỉnh biên giới phía Bắc và bây giờ khi rời quân ngũ ông lại về Khe Đát - nơi ông đã sinh ra và lớn lên.
Khe Đát quê ông những năm 2002 về trước rất nghèo. Cả làng có 92 hộ với 400 nhân khẩu, diện tích rừng sản xuất những 137ha mà có tới 74 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo, chỉ có 7 hộ khá và giàu, còn lại là trung bình. “Điện không có, tối đến chỉ có vài ngọn đèn dầu le lói, mỗi đêm về quê, đứng ở xa nhìn về làng ngại lắm. Để dân làng sống mãi cảnh thiếu điện sao được” - ông tâm sự.
Ông đem suy nghĩ của mình bàn với một số già làng, đảng viên, cựu chiến binh trong làng và được ủng hộ rất cao, vợ con ông cũng đồng tình. Ông cho làng vay 10 triệu đồng để mua các loại dây điện, con sứ và phụ kiện. Chi bộ và các đoàn thể vận động đảng viên, hội viên, đoàn viên, già trẻ cùng nhau lên rừng chặt tre gỗ, tham gia ngày công lao động, chỉ trong hai tuần, đường dây dẫn điện dài 2,4km đã hoàn thành. Đêm ấy, cả làng hầu như không ngủ, người lớn ngồi uống nước, kể chuyện xưa, bàn cách gia cố thêm đường điện, trẻ con chạy khắp nhà nọ sang nhà kia reo vui trong ánh điện.
Năm 2004, khi đã về hưu, ông được làng chọn làm Chủ nhiệm làng văn hóa Khe Đát. Thời gian đó cả làng bỗng dưng bị dịch đau mắt đỏ hoành hành. Ông mời cán bộ vệ sinh phòng dịch về làng. Thì ra làng Khe Đát ở hai bên bờ suối, phía trên sườn núi là nơi chăn nuôi trâu bò, dê lợn của dân bản, nước mưa cuốn theo phân gio, cỏ mục xuống suối khiến làng ăn uống tắm giặt mất vệ sinh dẫn đến đau mắt. Ông lại lên rừng trinh sát rồi bàn với vợ con đầu tư 16 triệu đồng mua ống nước nhựa từ phi 90 cho đầu nguồn, rồi nhỏ dần theo các nhánh đến phi 21, hoàn thành một hệ thống dẫn nước 5km từ rừng phòng hộ về các gia đình. Làng chỉ phân công nhau trông nom, khi mưa gió đường ống bị đổ gãy thì khắc phục, nay đã có 30 gia đình học làm theo ông.
Từ việc dẫn nước về làng, ông trăn trở nhiều đến việc sản xuất lương thực của người dân trong bản. Ruộng ít, cái bụng chưa no thì không thể làm việc khác được, vì thế ông tiến hành khai hoang ruộng bậc thang, vận động con cháu cùng làm. Chỉ vài năm sau, những mảnh ruộng bậc thang nối nhau cho những mùa bội thu. Học theo ông, nhiều người dân trong bản cũng bắt đầu khai hoang ruộng nước, từ thiếu đói nay đã ấm bụng và cũng từ đây mở ra một trang mới cho cuộc sống của người dân làng Khe Đát.
Nhờ có điện, nước cho sinh hoạt và sản xuất do ông Quân mang về, làng Khe Đát đã phát triển, bà con đầu tư mua sắm 2 ô tô tải, 4 máy xay xát, 1 xưởng cưa máy, 1 lò chiết xuất dầu quế, hồi, 3 máy sấy ngô, sắn, đàn trâu bò có 143 con, đàn lợn 365 con, đàn gia cầm khoảng 1.800 con, làng có 35ha trồng sắn, 30ha trồng quế và 25ha măng tre Bát Độ…, thu nhập bình quân đầu người đạt 400 ngàn đồng/tháng. Trong những đổi thay của làng Khe Đát hôm nay luôn in đậm dấu ấn của người lính Cụ Hồ năm xưa ông Đặng Hồng Quân.
Hoàng Tuấn Minh
Các tin khác
YBĐT - Đó là biệt danh mà nhiều người dân ở phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái đã tin yêu mến tặng cho chị Phạm Thị Mây - một Chi hội trưởng phụ nữ năng động, một tổ trưởng tổ nhân dân luôn nhiệt tình hết lòng vì công việc trong suốt gần 20 năm qua.
YBĐT - Mọi người dân ở tổ 59, phố Tân Nghĩa, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) và 54 hộ gia đình ở hai phường Đồng Tâm, Minh Tân thuộc “xóm” đoàn kết Quang Trung đều nể phục một người giám đốc kinh doanh giỏi, tích cực tham gia hoạt động từ thiện - xã hội. Ông là Phạm Đình Quý, hội viên Hội Người cao tuổi phường Minh Tân.
YBĐT - Bà Chỉnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh sỏi thận ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).
YBĐT – Đền Đông Cuông xưa kia được nhà bác học Lê Quý Đôn đặt tên là Đền Tâm Linh. Dòng họ Hà được ghi nhận là dòng họ có công lao đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ, kế tục và bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá của ngôi đền cổ này ở đất Văn Yên, Yên Bái.