Tấm gương thanh niên chăn nuôi giỏi
- Cập nhật: Thứ năm, 15/3/2012 | 8:53:53 AM
YBĐT - Nhờ tích cực học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư xây chuồng nuôi nhím và nuôi gà theo hướng bán công nghiệp kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp, gia đình anh Hoàng Kim Dẫn ở thôn 3, xã Khai Trung (Lục Yên) đã dần vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá.
Anh Hoàng Kim Dẫn chăm sóc đàn gà của gia đình.
|
Trước đây, kinh tế gia đình anh Dẫn cũng khó khăn như bao gia đình khác ở trong thôn, làm gì để tăng thêm thu nhập cho gia đình luôn là vấn đề trăn trở đối với anh. Là thế hệ trẻ năng động, không chịu đầu hàng trước khó khăn, anh Dẫn đã tích cực nghiên cứu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi nhím. Từ việc đi thực tế một số mô hình ở trong và ngoài huyện, qua bạn bè, thông tin trên báo, đài, mạng Interrnet... anh đã đầu tư vốn xây dựng chuồng, mua 1 cặp nhím về nuôi gây giống.
Sau một năm đầu nuôi thử, thấy nhím sinh trưởng và phát triển chậm, giá cả bấp bênh, hiệu quả không cao, anh lại tiếp tục mày mò kiến thức rồi chuyển sang nuôi gà theo hướng bán công nghiệp là chính.
Trao đổi với chúng tôi, anh Dẫn cho biết: "Mới đầu mình nuôi ít, chỉ vài trăm con/lứa nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc cũng như chọn giống nên cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: gà chậm lớn, bị một số bệnh về đường tiêu hóa như đi phân lỏng, phân xanh, phân đỏ... đặc biệt, là bệnh tụ huyết trùng, nguyên nhân chủ yếu do chưa tiêm phòng đúng định kỳ và chưa đảm bảo giữ nhiệt độ trong chuồng, giữ vệ sinh, tẩy uế, sát trùng.
Có những lần đàn gà bị bệnh chết một lúc vài chục con, hai vợ chồng phải thức thâu đêm để nhỏ thuốc cho từng con gà một và theo dõi sự biến đổi của triệu chứng bệnh nên cũng rất nản lòng. Những lứa gà sau mình chủ yếu mua giống gà ta lai gà mía chất lượng giống tốt hơn và thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y ở huyện để được tư vấn về cách phòng chống dịch bệnh và chữa trị mỗi khi có biểu hiện bệnh, dần dần tự có thêm kinh nghiệm trong chăm sóc nên công việc chăn nuôi đã thuận lợi hơn nhiều".
Qua những trải nghiệm, anh Dẫn đã tích lũy được thêm kiến thức, mạnh dạn nâng từ 250 con/lứa lên 300 con/lứa, một lứa/năm lên ba lứa/năm và từ chỗ nuôi từng lứa đơn lẻ lên nuôi gối lứa, mỗi lứa chỉ cách nhau từ hai đến ba tháng. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh xuất bán từ 2 đến 3 lứa gà, sau khi trừ chi phí, lãi trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi 3 con trâu để lấy sức cày kéo và 5 con nhím, mỗi năm xuất bán hai lứa lợn, mỗi lứa 4 con cùng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, bình quân tổng thu nhập của gia đình anh Dẫn đạt từ 70 đến 80 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu này anh đã có điều kiện mua sắm các đồ dùng đắt tiền như: xe máy, ti vi... phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, không nản lòng trước khó khăn, anh Dẫn đã nuôi thành công mô hình gà bán công nghiệp kết hợp với nuôi nhím và sản xuất nông nghiệp cho thu nhập ổn định, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Không những chỉ làm giàu cho gia đình, anh Dẫn còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, là địa chỉ tin cậy để tư vấn, chăm sóc gà cho các hộ nghèo trong thôn. Hiện nay, đã có nhiều hộ đang học nuôi gà theo anh với số lượng từ 100 - 200 con/lứa. Đây là tín hiệu vui cho bài toán đổi mới tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo trên bình nguyên xanh Khai Trung.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Tôi tìm đến ông trong những ngày huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang tưng bừng chuẩn bị cho ngày Kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ. Quê ở làng Khe Đát, xã Tân Đồng, người cựu chiến binh Đặng Hồng Quân được biết đến là một đảng viên, già làng gương mẫu làm nhiều việc tốt cho bản làng.
YBĐT - Đó là biệt danh mà nhiều người dân ở phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái đã tin yêu mến tặng cho chị Phạm Thị Mây - một Chi hội trưởng phụ nữ năng động, một tổ trưởng tổ nhân dân luôn nhiệt tình hết lòng vì công việc trong suốt gần 20 năm qua.
YBĐT - Mọi người dân ở tổ 59, phố Tân Nghĩa, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) và 54 hộ gia đình ở hai phường Đồng Tâm, Minh Tân thuộc “xóm” đoàn kết Quang Trung đều nể phục một người giám đốc kinh doanh giỏi, tích cực tham gia hoạt động từ thiện - xã hội. Ông là Phạm Đình Quý, hội viên Hội Người cao tuổi phường Minh Tân.
YBĐT - Bà Chỉnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh sỏi thận ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).