Người thợ điện có đôi tay vàng
- Cập nhật: Thứ tư, 30/5/2012 | 9:36:35 AM
YBĐT - Liên tục từ năm 2006 - 2011, năm nào Hưng cũng có sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động.
Nguyễn Ngọc Hưng (bên phải) đoạt giải Nhất Hội thi Thợ giỏi Công ty Điện lực Yên Bái năm 2011.
|
“Ham học hỏi, chịu khó tìm tòi sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất, mang lại hiệu quả trong sản xuất, Hưng là người thợ có đôi tay vàng" - đó là nhận xét của anh Phạm Văn Sơn - Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa - Thí nghiệm điện, Công ty Điện lực Yên Bái khi nói về Nguyễn Ngọc Hưng - Tổ trưởng Tổ sửa chữa máy biến áp.
Năm 1996, tốt nghiệp Trường Công nhân cơ khí xây lắp điện Việt Trì (Phú Thọ), Nguyễn Ngọc Hưng lên Yên Bái lập nghiệp, được tuyển dụng vào làm công nhân xây dựng đường dây và trạm thuộc Đội Xây lắp điện, Điện lực Yên Bái (nay là Công ty Điện lực Yên Bái). Công việc của người thợ xây dựng đường dây khi ấy vô cùng vất vả vì dụng cụ, vật tư phục vụ thi công rất thiếu thốn; thi công kéo dây, dựng cột qua bãi đầm lầy khó khăn, không có phương tiện vận chuyển. Anh đã bàn với tập thể đề xuất phương án dùng thân cây chuối đóng thành mảng để chuyển vật tư và người.
Ý tưởng được cấp trên đồng ý và thử nghiệm thành công, tuyến đường dây 35KV đưa điện về huyện Văn Yên đã đóng điện kịp thời gian có phần đóng góp của Tổ xây dựng đường dây và cá nhân Hưng.
Năm 2002, anh được phân công về Tổ thí nghiệm điện thuộc Phân xưởng Sửa chữa - Thí nghiệm điện. Công việc hoàn toàn mới, vừa làm vừa tranh thủ học hỏi đồng nghiệp đi trước, chỉ một thời gian ngắn, anh đã làm chủ tất cả các thiết bị. Anh cũng mày mò, đề xuất với lãnh đạo cùng công nhân cải tiến một số thiết bị đo, thử nghiệm cao áp và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.
Trước kia, muốn thử nghiệm các a-tô-mát, máy cắt có dòng điện cắt lớn trên 1.000A đều phải nhờ làm nên Công ty gặp nhiều khó khăn. Hưng cùng tập thể Tổ thí nghiệm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy tạo dòng điện xoay chiều có dòng điện từ 0 - 6.000A, giúp Công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Đề tài này của Hưng và cộng sự đã được Hội đồng Sáng kiến Công ty đánh giá cao và được công nhận sáng kiến, thưởng 5 triệu đồng.
Cuối năm 2009, doanh nghiệp mở thêm dây chuyền sửa chữa máy biến áp, Hưng được giao nhiệm vụ tổ trưởng. Công việc hoàn toàn mới bởi chưa ai có kinh nghiệm sửa chữa, đại tu máy biến áp. Chiếc máy biến áp đầu tiên xuất xưởng khi đưa vào vận hành chưa được bao lâu đã bị cháy. Hưng đề nghị Công ty cho anh em trong tổ về Nhà máy Chế tạo máy biến thế Đông Anh học hỏi kinh nghiệm. Nỗ lực và kiên trì thực hiện, sau đó một thời gian, chiếc máy biến áp thứ hai xuất xưởng được đưa vào vận hành trong niềm vui của cả phân xưởng.
Tiếp tục công việc, Hưng cùng kỹ sư Đỗ Ngọc Cường và Tổ cơ khí, Phân xưởng Xây lắp điện cùng thực hiện chế tạo máy cuốn dây. Từ nguồn vật tư tận dụng mua lại của những cửa hàng đồ cũ và sắt vụn, sau hơn 3 tháng, chiếc máy cuốn dây đã ra đời đúng dự kiến, đáp ứng đủ các tiêu chí của một chiếc máy hiện đại với tổng chi phí chưa đầy 19 triệu đồng, tiết kiệm khoảng 150 triệu đồng so với các máy bán trên thị trường.
Nhờ đó, năng suất lao động tăng 150%, góp phần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa máy biến áp. Công trình này đã được công nhận sáng kiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo động lực và niềm tin cho công nhân.
Trong quá trình sửa chữa máy biến áp, với sự cộng tác của kỹ sư Nguyễn Thanh Hùng, Cù Trung Dũng, anh Hưng đã tìm tòi và bằng những vật liệu tận dụng, sau một thời gian ngắn, chiếc máy hàn thanh cái đồng đã ra đời, thay thế và giúp khắc phục nhược điểm của việc dùng đèn khò để hàn.
Phương pháp này áp giúp tăng độ bền của các mối hàn vào sửa chữa máy biến áp không gây cháy nổ, không làm tổn thương cách điện cuộn dây máy biến áp, tiết kiệm được nguyên liệu và thời gian. Chế tạo thành công máy hàn thanh cái đồng của Hưng và các cộng sự được ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được Hội đồng Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất của Công ty Điện lực Yên Bái đánh giá cao, có tính sáng tạo và được công nhận sáng kiến.
Năm 2011 đánh dấu thành công của Tổ sửa chữa máy biến áp với 13 máy được xuất xưởng. Tất cả các máy đưa vào vận hành đều bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nhất và là tiền đề cho một hướng đi mới của Công ty Điện lực Yên Bái trong kinh doanh đa nghề. Mỗi máy biến áp tiết kiệm được hàng chục triệu đồng chi phí khi phải đưa đi Hà Nội sửa chữa và năm 2011, Tổ sửa chữa máy biến áp đã làm lợi cho doanh nghiệp hơn 100 triệu đồng. Liên tục từ năm 2006 - 2011, năm nào Hưng cũng có sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, Hưng còn có nhiều ý tưởng hợp lý hoá sản xuất được áp dụng như: chỉnh định rơ-le báo tín hiệu chạm đất Trạm trung gian Km6, chỉnh định nhiệt độ cho thiết bị đóng, cắt sấy máy biến áp...
Không chỉ nhiệt tình trong công việc, Hưng cũng hăng hái tham gia các phong trào văn hoá, thể thao, đoàn thể, thi thợ giỏi. Năm 2011, tham gia Hội thi Thợ giỏi Công ty Điện lực Yên Bái, anh đạt giải Nhất nhóm nghề sửa chữa thiết bị điện và được cử tham dự Hội thi Thợ giỏi cấp Tổng công ty Điện lực Miền Bắc.
Tại hội thi này, Hưng đạt giải Nhất môn thực hành nhóm nghề sửa chữa thiết bị điện, được Tổng công ty tặng giấy khen. Tổ sửa chữa máy biến áp năm 2011 được Tổng công ty Điện lực Miền Bắc tặng giấy khen. Bản thân anh Nguyễn Ngọc Hưng nhiều năm liền đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" và vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Yên Bái... Năm 2012 này, mong muốn của người thợ có đôi tay vàng là học lên đại học để tiếp tục cống hiến cho ngành mà mình yêu mến.
Nguyễn Trung Cao
Các tin khác
YBĐT - ông Rùa ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), vui hơn cả là đã giúp nhân dân nhận thức được giá trị của cây sơn tra.
YBĐT - Đến xã Trạm Tấu của huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), nhắc đến chị Thào Thị Dở -Chủ tịch Hội Phụ nữ xã thì tất cả hội viên và chị em phụ nữ đều tỏ lòng yêu mến.
YBĐT - Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đứng vững trên đôi chân của mình, làm giàu cho gia đình và xã hội. Cựu chiến binh Nguyễn Công Nghĩa - Chủ nhiệm HTX sản xuất, kinh doanh mộc dân dụng thủ công mỹ nghệ ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn là một người như thế.
YBĐT - Hiện nay, trang trại nuôi thỏ của ông Vũ Huy Quang, thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có khoảng trên 2 nghìn con thỏ thịt và gần 300 thỏ nái sinh sản. Từ một nông hộ, sự say mê, tâm huyết với nghề nuôi thỏ đã đưa ông trở thành một doanh nhân.