Chủ tịch Hội năng động, nhiệt tình

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/5/2012 | 9:55:55 AM

YBĐT - Đến xã Trạm Tấu của huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), nhắc đến chị Thào Thị Dở -Chủ tịch Hội Phụ nữ xã thì tất cả hội viên và chị em phụ nữ đều tỏ lòng yêu mến.

Chị Thào Thị Dở (giữa) trao đổi kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với hội viên.
Chị Thào Thị Dở (giữa) trao đổi kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với hội viên.

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu và chứng kiến sự nghèo đói của đồng bào, chị Dở nhận thức được rằng, đẻ nhiều con, du canh du cư, mù chữ… là nguyên nhân chính khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị cùng nhau thực hiện kế hoạch hoá gia đình để có thời gian chăm sóc, nuôi dạy con và tập trung làm kinh tế cũng như tham gia công tác xã hội.

Năm 1999, chị Dở đã vận động chị em trong thôn cùng đi học xoá mù chữ. Đến nay, hầu hết các hội viên trong xã đã biết chữ, bản thân chị đang theo học bổ túc văn hoá bậc trung học phổ thông tại thị xã Nghĩa Lộ vào các ngày cuối tuần. Nhận thức đúng đắn, dám nghĩ dám làm, hết lòng vì công việc, năm 2000, chị Thào Thị Dở vinh dự được kết nạp Đảng và là nữ đảng viên đầu tiên của xã Trạm Tấu. Năm 2003, chị được bầu là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã và từ năm 2008 làm Chủ tịch Hội đến nay.

Với cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Dở luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, nắm chắc các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Hội cấp trên để xây dựng kế hoạch hoạt động một cách khoa học, phù hợp thực tế.

Chị cùng tập thể Ban chấp hành Hội quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đoàn kết xây dựng nông thôn mới.

 Chị đến từng nhà vận động đồng bào, chị em trong xã tích cực khai hoang ruộng bậc thang, mở rộng diện tích đất nông nghiệp và sản xuất thêm vụ hai; khuyến khích người dân chuyển đổi cây sắn và lúa nương năng suất thấp sang trồng cây ngô trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao hơn; động viên chị em tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Phụ nữ xã phối hợp với khuyến nông cơ sở tổ chức.

Hội Phụ nữ xã Trạm Tấu đã vận động hội viên tham gia trồng 46ha lúa nương, 180ha ngô, 100ha sắn; trồng thí điểm 2ha đậu tương và áp dụng tốt mô hình phân viên nén dúi sâu trong thâm canh cây lúa cho hiệu  quả kinh tế cao.

Cũng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, Hội đã huy động được trên 2.000 ngày công lao động giúp các hộ phụ nữ nghèo xoá nhà tạm, nhà dột nát. Thực hiện Nghị quyết 06 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về quy hoạch đất đai ở vùng cao, gia đình chị Dở là hộ đầu tiên trong xã nhượng hơn 7.000m2 đất sản xuất cho gia đình chị Sớ, chị Ly ở thôn Tấu Giữa. Từ việc làm đó của chị, phong trào nhượng đất cho các hội viên nghèo trên địa bàn xã đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình và trở thành mô hình tiêu biểu của toàn tỉnh. Xã Trạm Tấu đã vận động được 63 gia đình có nhiều đất sản xuất nhượng cho 86 hộ gia đình nghèo thiếu đất sản xuất với tổng diện tích trên 290.000m2.

Chị cũng phối hợp với Ban Dân số - kế hoạch hoá gia đình xã tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt công tác sinh đẻ có kế hoạch, không sinh con thứ 3, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tình trạng đẻ con thứ 3, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn nhờ thế đã giảm đáng kể.

Không chỉ gương mẫu, tận tâm với công tác hội, chị Dở đã cùng gia đình xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp phát triển trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm. Anh Mùa A Dê, chồng chị Dở hiện là Trưởng thôn Tấu Trên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho vợ công tác đồng thời tích cực tuyên truyền bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư.

Bí thư Đảng uỷ xã Trạm Tấu - đồng chí Giàng A Hành đánh giá: “Chị Thào Thị Dở là một đảng viên năng động, có ý thức trách nhiệm cao trong công tác và có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của phong trào phụ nữ xã, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em noi theo”.

 Q.N

Các tin khác
Năm 2010 ông Nghĩa đầu tư hệ thống ao nuôi ba ba.

YBĐT - Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đứng vững trên đôi chân của mình, làm giàu cho gia đình và xã hội. Cựu chiến binh Nguyễn Công Nghĩa - Chủ nhiệm HTX sản xuất, kinh doanh mộc dân dụng thủ công mỹ nghệ ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn là một người như thế.

Ông Quang chỉ tiếc rằng mình cón có quá ít thời gian để thực hiện được những dự định  về con thỏ còn đang ấp ủ.

YBĐT - Hiện nay, trang trại nuôi thỏ của ông Vũ Huy Quang, thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có khoảng trên 2 nghìn con thỏ thịt và gần 300 thỏ nái sinh sản. Từ một nông hộ, sự say mê, tâm huyết với nghề nuôi thỏ đã đưa ông trở thành một doanh nhân.

Lãnh đạo và Hội Khuyến học huyện Văn Chấn tiếp nhận Quỹ Khuyến học.

YBĐT - Ở thôn Ba Khe 2, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn(Yên Bái) có dòng họ Sa nổi tiếng hiếu học.

Tổ nghiên cứu sáng tạo Kho Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh thực hành bảo quản đạn cối.

YBĐT - Đó là Trung úy Phùng Văn Tiến, nhân viên Kho Kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, một tấm gương yêu nghề, đam mê, sáng tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục