Người có tấm lòng nhân ái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/7/2012 | 9:49:21 AM

YBĐT - Là Chi hội trưởng Chữ thập đỏ thôn 4, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái), từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Đức Tân luôn coi hoạt động nhân đạo là niềm vui trong cuộc sống, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần họ trả ơn mình. Người trong thôn gọi ông là "Người đàn ông có tấm lòng nhân đạo".

Sau mỗi vụ gặt, vợ chồng ông Tân lại đi vận động quyên góp gạo ủng hộ người nghèo trong thôn.
Sau mỗi vụ gặt, vợ chồng ông Tân lại đi vận động quyên góp gạo ủng hộ người nghèo trong thôn.

Tôi được ông Hoàng Đình Tươi -  Phó chủ tịch Hội CTĐ huyện Trấn Yên dẫn tới một ngôi nhà rợp bóng cây xanh. Hai vợ chồng ông Tân đang lau rửa chiếc "hòm nhân đạo" đựng gạo quyên góp của bà con thôn 4.

Ông Tân tâm sự : "Cả thôn thu hoạch lúa chiêm xong rồi. Lúa năm nay được mùa nên gia đình nào cũng phấn khởi. Tôi và bà nhà tôi lại chuẩn bị vận động bà con quyên góp gạo ủng hộ người nghèo trong thôn".

Từ năm 2007 đến nay, ông tham gia tình nguyện viên CTĐ rồi thành lập điểm sơ cấp cứu tại gia đình. Dồn tâm huyết vào nhiều hoạt động nhân đạo, ông vận động gia đình tự nguyện kéo một đường điện và lắp đèn chiếu sáng đoạn đường qua thôn dài hơn 100m để mọi người quan sát khi qua lại, vừa để nhìn rõ số điện thoại liên hệ sơ cấp cứu tai nạn giao thông, cứu chữa người bị cảm nắng, điện giật, đuối nước. Ông Tân còn vận động con cháu gửi quần áo cũ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Tân bên danh sách những cá nhân tham gia quyên góp ủng hộ người nghèo trong thôn.

Ngay dịp tết Nguyên đán năm 2012, ông đã vận động con cháu góp 8 suất quà trị giá trên 800 nghìn đồng cho những hộ gia đình nghèo ăn tết. Ông Tân cho biết: "Làm công tác nhân đạo, thấy người gặp khó khăn mình sẵn sàng giúp đỡ, không kể việc khó hay dễ".

Khu vực thôn 4, thị trấn Cổ Phúc là điểm nóng về tai nạn giao thông trong nhiều năm nay. Dù nắng hay mưa, mọi người đều thấy người đàn ông lặng lẽ, hết lòng giúp đỡ, sơ cứu, băng bó vết thương cho những người không may bị nạn. Gần 7 năm làm công tác sơ cấp cứu, ông Tân đã giúp trên hai chục trường hợp bị tai nạn. Những người được sơ cấp cứu, ông đều ghi chép vào một cuốn sổ với đầy đủ các cột mục như: họ tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng tai nạn để lưu danh sách và khi cần còn là cơ sở pháp lý.

Nhìn vào cuốn sổ theo dõi, ông kể cho tôi nghe về những vụ tai nạn mình sơ cứu. Năm 2010, khi cả gia đình đang ở trong nhà tránh cái nắng oi ả của trưa hè thì nghe tiếng xe máy va đập mạnh. Cách nhà khoảng 50 mét, một chiếc xe máy nằm trên ruộng lúa, nạn nhân đang trong tư thế "chồng cây chuối" đầu cắm thẳng xuống bùn lầy. Nạn nhân đã ngừng thở sau khi được đưa lên mặt đường. Trong khi mọi người tưởng như đã hết hy vọng thì ông Tân miệt mài với những động tác sơ cứu và điều bất ngờ đã xảy ra, nạn nhân đã tỉnh lại.

Sau đó vài ngày, ông đã nhận nạn nhân là con nuôi và đặt tên là "Út". Vào một đêm mưa năm 2011, ông Tân giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng xe máy kèm theo tiếng va chạm mạnh. Một cành cây gãy chắn ngang đường đã làm 10 người đi xe máy bị tai nạn. Ông hô hào bà con trong thôn hỗ trợ sơ cứu và chuyển các nạn nhân lên bệnh xá, bệnh viện huyện cấp cứu. Luôn giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn nên nhiều người rất cảm kích trước việc làm của ông Tân.

Chị Phạm Thị Thanh Tuyên - Người cùng thôn 4 cho biết: "Ở trong thôn ai cũng nể trọng tấm lòng nhân hậu, sự nhiệt tình và tận tụy của ông Tân".

Gắn bó với công việc này đã nhiều năm, ông luôn coi hoạt động nhân đạo là niềm vui trong cuộc sống. Ông giúp đỡ người khác mà không cần họ phải trả ơn. "Người ta gặp hoạn nạn, mình giúp người ta làm phúc chứ cần tiền đâu"- ông Tân chia sẻ. Những lúc như thế, ông Tân lại nhẹ nhàng giải thích để cho người ta hiểu công việc ông làm chỉ để giúp đỡ người gặp nạn.

Ông Hoàng Đình Tươi - Phó chủ tịch Hội CTĐ Trấn Yên chia sẻ: "Bác Tân là thành viên của Đội tình nguyện viên sơ cấp cứu tai nạn giao thông từ tháng 5 năm 2009 đến nay. Mỗi khi cứu giúp người, ông rất tận tình, tâm huyết và hết lòng vì nạn nhân. Mỗi năm có hàng chục người được ông sơ cứu, giúp đỡ ở ngã tư này. Năm 2010, ông Tân đã vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động CTĐ 5 năm (2005-2010)".

P.V

Các tin khác
Thương tật đầy người nhưng ông Lập chưa khi nào cam chịu cuộc sống đói nghèo.

YBĐT - Trần Đình Lập là tên cúng cơm cha mẹ đặt cho ông. Nhưng, biệt danh Trần Quốc Thép mà các bạn tù đảo Phú Quốc yêu mến, khâm phục, tôn vinh lại ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời ông Lập, bệnh binh hạng 2, xã Yên Bình, huyện Yên Bình với tất cả niềm tự hào và kiêu hãnh của một người chiến sỹ cộng sản kiên trung.

YBĐT - Trong tay hiện sở hữu 20 sào lúa, 20ha quế, 15ha bồ đề, keo xen sắn, 1ha ao, hồ nuôi cá và 2.000m2 nuôi ba ba gai giống và thương phẩm... hàng năm cho tổng thu nhập 985 triệu đồng, đó là những con số đáng nể khi nói về ông Nguyễn Ngọc Thắm, thương binh 2/4 ở thôn Làng Chẹo, xã An Thịnh, huyện Văn Yên.

Bà Nguyễn Thị Quỵ (ngồi giữa) trao đổi với lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Mường Lai.

YBĐT - “Bà là tấm gương sáng không chỉ với chị em trong thôn mà toàn bộ phụ nữ ở xã Mường Lai (Lục Yên) noi theo. Một người đã vượt qua muôn vàn khó khăn khi chồng hy sinh. Một mình nuôi 4 người con khôn lớn, thành đạt”, chị Chu Thị Sinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Lai đã nói về bà Nguyễn Thị Quỵ vợ liệt sỹ Hoàng Sỹ Bằng ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên như vậy.

YBĐT - Xuất ngũ trở về địa phương, bệnh binh Vũ Viết Cường, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên nhớ lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, khiêm tốn học hỏi, hăng say lao động tìm ra hướng phát triển kinh tế gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục