Nguyễn Hữu Hưng “Đầu tầu” của tuổi trẻ quân sự tỉnh
- Cập nhật: Thứ ba, 31/7/2012 | 3:01:02 PM
YBĐT - Cảm nhận đầu tiên của bất kỳ ai khi gặp Thiếu tá Nguyễn Hữu Hưng - Trợ lý Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh là sự nhanh nhẹn, năng động của một người làm công tác Đoàn.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hưng triển khai nhiệm vụ công tác Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh.
|
Nhưng trong sự năng động, vui vẻ đó người ta lại có cảm nhận sự kỷ luật của một người lính. Hàng loạt công trình, phần việc được đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Bộ CHQS tỉnh thực hiện dưới “đầu tầu” Nguyễn Hữu Hưng đã khẳng định sức mạnh tập thể của Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh.
20 năm trong quân đội, Thiếu tá Nguyễn Hữu Hưng có tới 18 năm làm công tác Đoàn. Hiện tại anh là Trợ lý Thanh niên Bộ CHQS tỉnh. Các hoạt động của Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh không ồn ào nhưng lại ghi dấu ấn sâu đậm trên những bản làng vùng cao, những nơi khó khăn nhất của tỉnh.
Do đặc thù nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị nên hoạt động của ĐVTN Bộ CHQS tỉnh không chỉ “nở rộ” vào Tháng thanh niên mà được duy trì thường xuyên, đều đặn các tháng trong năm. Điều này đòi hỏi Thiếu tá Hưng ngoài phải xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm còn phải xây dựng kế hoạch hàng tháng, đôi khi là những hoạt động đột xuất. Phần đông ĐVTN của Bộ CHQS tỉnh ở các phân đội trực thuộc và các đơn vị chuyên môn kỹ thuật nên đòi hỏi trợ lý thanh niên phải có khả năng tập hợp, tiên phong gương mẫu, tạo sự đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn.
Những năm qua, phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống đơn vị anh hùng LLVT nhân dân và bản lĩnh thanh niên thời đại mới, thanh niên LLVT tỉnh đã tích cực tu dưỡng, rèn luyện ý thức tự giác góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Cuối năm 2008, thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện, Thiếu tá Hưng cùng Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh phối hợp với một số ban của Bộ CHQS tỉnh tổ chức lên bản Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải cắm bản giúp bà con thay đổi nhận thức, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh cùng đoàn công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật, làm mùa, trồng ngô, phát nương làm rẫy, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở bản như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… đi vào nề nếp. Rồi xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, làm chuồng trâu cho bà con.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ: “Đây là đợt công tác trọng điểm kéo dài hơn 2 năm. Chúng tôi đã huy động trên 100 lượt cán bộ, ĐVTN tham gia. Điều chúng tôi hạnh phúc nhất đó bản Tà Ghênh đã được công nhận là bản văn hóa”. 55 nhà vệ sinh tự hoại, 78 nền chuồng trâu được xây dựng cho bà con là một sự thay đổi to lớn trong suy nghĩ, cách sống ăn sâu vào tiềm thức của người Mông nơi đây.
Anh Hưng cho biết thêm: “Đâu chỉ đơn giản là dựng nhà vệ sinh, làm chuồng trâu mà cái khó khăn và vất vả hơn cả là hướng dẫn bà con sử dụng chúng. Đó là cả một quá trình đòi hỏi anh em phải kiên nhẫn và dồn hết tâm sức mới làm được”. Khi gần kết thúc đợt công tác củng cố cơ sở chính trị tại Tà Ghênh vào giữa năm 2010, nhận thấy sự cấp thiết và được sự đồng ý của cấp trên, anh đã chỉ đạo ĐVTN đơn vị làm 5 km đường từ Tà Ghênh đi Làng Giàng trong suốt 3 tháng.
Anh tâm sự: “Khi chưa làm, đường đi rất khó, không có phương tiện gì có thể đi được ngoại trừ đi bộ. Đi bộ cũng phải đi từ sáng sớm tới quá trưa mới có thể đến nơi”. Bây giờ từ Tà Ghênh đi Làng Giàng đã thuận tiện hơn rất nhiều, ô tô cũng có thể vào tới tận bản nếu trời không mưa. Người dân Yên Bái không thể quên 2 cơn bão liên tiếp là số 4 và số 6 năm 2008, chấp hành nghiêm công điện khẩn của UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên mà nòng cốt là lực lượng ĐVTN tham gia cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra với gần 1.600 ngày công.
Hình ảnh màu áo lính trên những tuyến đường ngập lụt đi phát lương thực, nước uống cho người dân, hay lội dòng nước chảy xiết đưa người từ đoàn tầu bị lật tại ga Văn Phú về nơi an toàn, rồi thu gom bùn lầy sau lũ… Khi được hỏi có khó khăn trong huy động lực lượng tham gia? Anh Hưng cho biết: “Huy động ĐVTN tham gia những công tác đột xuất như vậy không hề khó khăn bởi những người lính luôn tâm niệm “Vì nhân dân phục vụ”.
Với anh, không có khó khăn nào làm anh chùn bước. Với câu hỏi 15 triệu đồng có làm được một ngôi nhà? Thiếu tá Hưng có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn: “Có”. 3 “Nhà nhân ái” đã được xây dựng là minh chứng cho câu trả lời của anh.
Anh chia sẻ: “Theo chủ trương của Ban Thanh niên quân đội sau khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ, Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh được giao kế hoạch thực hiện 3 “Nhà nhân ái” - làm nhà cho thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chỉ với 15 triệu đồng. Ban đầu ai cũng lắc đầu vì với 15 triệu đồng tiền công làm nhà thôi còn chưa đủ chứ nói gì đến làm cả cái nhà. Nhưng tôi nghĩ, việc khó thì mới cần thanh niên và tôi đã nhận, thực hiện theo đúng cách của thanh niên”.
Bên cạnh vận động ĐVTN đóng góp, rồi từ phong trào của thanh niên đã lan tỏa ra tất cả cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị. 3 ngôi “Nhà nhân ái” được hoàn thành đã tạo hiệu ứng tốt ở địa phương, được người dân và các cấp chính quyền đồng tình ủng hộ. Anh Hưng cho biết thêm: “Công trình đã được Quân khu II đánh giá cao và hơn cả chúng tôi đã “an cư” cho thanh niên vùng khó khăn “lạc nghiệp”.
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều dấu ấn sâu đậm của ĐVTN Bộ CHQS tỉnh nơi vùng cao xa xôi, khó khăn của tỉnh. Sẽ còn nhiều hơn nữa những công trình phần việc của ĐVTN Bộ CHQS tỉnh dưới sự dẫn dắt của “đầu tầu” Nguyễn Hữu Hưng .
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Chị Dương Thị Ngọc ở thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh (Trấn Yên) đã được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bí thư chi bộ, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã và là đại biểu HĐND xã.
YBĐT - Là Chi hội trưởng Chữ thập đỏ thôn 4, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái), từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Đức Tân luôn coi hoạt động nhân đạo là niềm vui trong cuộc sống, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần họ trả ơn mình. Người trong thôn gọi ông là "Người đàn ông có tấm lòng nhân đạo".
YBĐT - Trần Đình Lập là tên cúng cơm cha mẹ đặt cho ông. Nhưng, biệt danh Trần Quốc Thép mà các bạn tù đảo Phú Quốc yêu mến, khâm phục, tôn vinh lại ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời ông Lập, bệnh binh hạng 2, xã Yên Bình, huyện Yên Bình với tất cả niềm tự hào và kiêu hãnh của một người chiến sỹ cộng sản kiên trung.
YBĐT - Trong tay hiện sở hữu 20 sào lúa, 20ha quế, 15ha bồ đề, keo xen sắn, 1ha ao, hồ nuôi cá và 2.000m2 nuôi ba ba gai giống và thương phẩm... hàng năm cho tổng thu nhập 985 triệu đồng, đó là những con số đáng nể khi nói về ông Nguyễn Ngọc Thắm, thương binh 2/4 ở thôn Làng Chẹo, xã An Thịnh, huyện Văn Yên.