Làm giàu từ mô hình trang trại
- Cập nhật: Thứ ba, 25/9/2012 | 2:57:34 PM
YBĐT - Phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn ao chuồng và trồng rừng không phải là cách làm mới. Nhưng để đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này thì có lẽ không phải hộ gia đình nào cũng làm được.
Vợ chồng cựu chiến binh Lê Cao Vi và Hoàng Thị Hữu chăm sóc đàn lợn thịt.
|
Câu chuyện về đôi vợ chồng CCB bám đất, bám rừng, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình sẽ là minh chứng cho nghị lực vượt khó, kiên trì bền bỉ của những người lính khi trở về với đời thường.
Cùng xuất ngũ năm 1989, rồi xây dựng gia đình ra ở riêng chỉ với hai bàn tay trắng. Suốt một thời gian dài từ năm 1990 đến 2000 hai vợ chồng CCB Lê Cao Vi và Hoàng Thị Hữu ở xã An Bình, huyện Văn Yên cứ loay hoay với mảnh vườn vạt nương, làm lụng quanh năm vắt đất ra được hạt lúa của sắn củ khoai mà cũng chỉ tạm trang trải cho một mái ấm gia đình cỏn con, nói gì đến làm giàu.
"Phải làm gì để thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình là câu hỏi lớn của cả hai vợ chồng người CCB. Cùng với quyết tâm và ý chí không cam chịu đói nghèo của những con người được rèn luyện, thử thách trong quân ngũ đã giúp anh chị tìm ra hướng phát triển kinh tế gia đình theo mô hình: vườn, ao chuồng rừng.
Cần cù chăm chỉ, hai vợ chồng anh Vi chị Hữu đã dành trọn thời gian để bám đất bám rừng, mới đầu anh chị chủ động đưa các loại cây trồng khác nhau vào gieo trồng từ sắn, rồi bồ đề, keo, rồi quế... vừa lấy nguồn thu vừa tích lũy thêm kinh nghiệm hiểu và biết về đồng đất An Bình.
Kiên trì tìm hiểu qua sách báo và từ các địa phương khác về các loại cây trồng, anh chị đã xác định cây trám là cây trồng mũi nhọn đầu tiên vừa phát triển kinh tế vừa là cây lâu niên cải tạo được môi trường đồi rừng đã cạn kiệt.
Năm 2004, diện tích 4ha trám ghép đầu tiên được anh chị trồng tại xã An Bình. Đây là loại cây trồng mới nhưng với nghị lực và tinh thần chịu khó của cả hai vợ chồng, chỉ sau một thời gian chăm sóc theo đúng qui cách cây trám sinh trưởng và phát triển tốt, 3 tuổi cây trám đã cho thu hoạch, đến nay nguồn thu từ trám mỗi năm cũng đem về cho gia đình anh chị được gần 30 triệu đồng.
Sau cây trám là cây quế, khác với nhiều hộ gia đình khác trong phát triển kinh tế hộ gia đình, với mỗi loại cây trồng, CCB Lê Cao Vi đều học hỏi và tự gieo ủ cây giống. Cách làm này chẳng những giảm chi phí cho việc đầu tư ban đầu mà còn tích lũy thêm được kinh nghiệm và hiểu biết với mỗi loại cây trồng, từ đó có những biện pháp chăm sóc kịp thời.
Hiện tại anh chị đang có trong tay gần chục ha quế trong đó có hơn 4ha quế 6 năm tuổi. Không dừng lại ở phát triển kinh tế từ đồi rừng, sau một thời gian tích lũy đủ nguồn vốn, CCB Lê Cao Vi tiếp tục đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi lợn tập trung, kết hợp với đào ao thả cá.
Đây là một quyết định khá táo bạo bởi nuôi lợn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc và cả kinh nghiệm trong phòng tránh dịch bệnh nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Năm 2008, trong trận lũ lụt lịch sử, cơn lũ quét trong đêm bất ngờ đã cướp đi hầu hết gia sản, nhà cửa, hàng trăm mét vuông chuồng trại mới xây dựng, hàng tấn cá trong ao đã đến kỳ thu hoạch. Không nản lòng, người CCB ấy vừa học hỏi, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm và tiếp tục vay vốn đầu tư mở rộng mô hình trang trại. Từ vài chục mét vuông chuồng nuôi, dần dần anh đã mở rộng trên 700m2 chuồng trại nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản.
Hiện tại gia đình anh nuôi trên 200 con lợn thịt và trên 20 con lợn nái sinh sản không những đáp ứng đủ nhu cầu về giống cho gia đình mà còn phục vụ bà con trong xã, nâng mức thu nhập mỗi năm của gia đình lên 200 triệu đồng.
Hiện nay, trang trại kinh tế của gia đình CCB Lê Cao Vi có diện tích trên 17ha được qui hoạch hợp lý, khoa học, phát triển bền vững, giúp cho nhiều anh em CCB khác tại địa phương cách làm ăn về cây, con giống và chia sẻ kinh nghiệm như gia đình các cựu CCB: Hoàng Văn Thiết, xã Đông Cuông, Nguyễn Văn Trí, xã An Bình...
Ông Vũ Xuân Hải - Chủ tịch Hội CCB huyện Văn Yên cho biết: "CCB Lê Cao Vi và Hoàng Thị Hữu là hình mẫu của những con người chịu thương chịu khó, ham học hỏi nắm bắt khoa học kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm. Mô hình kinh tế của gia đình CCB Lê Cao Vi là một mô hình phát triển kinh tế gia đình tốt để các hội viên CCB trong huyện học tập".
Lại Tấn
Các tin khác
YBĐT - Cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Mai Xuân Thìn ở xã Hoàng Thắng (Văn Yên) rời quân ngũ trở về đời thường với hai bàn tay trắng. Giờ đây, ông đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hoàng Thắng làm ăn có hiệu quả, mỗi năm nộp vào ngân sách hàng trăm triệu đồng.
YBĐT - Đó chị Nguyễn Thị Kim Hoa - một đảng viên, một công đoàn viên thuộc Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái.
YB ĐT- Cùng với tham gia các hoạt động chung, cán bộ, hội viên CCB Khai Trung, huyện Lục Yên (Yên Bái) thường xuyên nêu cao ý chí tự lực tự cường, động viên con cháu khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Tuổi ngoài 80 nhưng cái chất bộ đội Cụ Hồ nơi cựu chiến binh Nguyễn Văn Hứ ở thị trấn Mù Cang Chải (Mù Cang Chải) vẫn toát lên vẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn.