Chuyện lập nghiệp của “giám đốc cá”

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/1/2013 | 8:55:23 AM

YBĐT - Câu chuyện lập nghiệp của anh Trần Văn Bình ở xã Phúc An (Yên Bình) khiến nhiều hộ dân “an cư” lâu năm ở các xã vùng đông hồ phải khâm phục.

Trần Văn Bình kiểm tra giống cá nheo trước khi nuôi.
Trần Văn Bình kiểm tra giống cá nheo trước khi nuôi.

Cuối năm 1979, anh Bình mới gần 6 tuổi cùng bố mẹ, anh chị em từ Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam ngược lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Những năm đó, hàng trăm hộ dân lên lập nghiệp ở vùng đông hồ gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, Bình phải cùng các bạn ra hồ đánh bắt cá.

Lớn lên, hai chị của Bình xây dựng gia đình riêng tại xã Vũ Linh, còn Bình sau khi xây dựng gia đình được một vài năm đã quyết định chuyển đến xã Phúc An, giáp ranh với Vũ Linh để lập nghiệp tại đây. Ngồi trong căn nhà sàn, cột bê tông trên đảo hồ ngắm nhìn những lồng cá nheo và cả khu mặt nước rộng mênh mông gần 3ha được vây kín bằng lưới và cọc tre nuôi cá trắm, chép, rô phi đơn tính…, Bình nhấp chén nước chè nóng nhớ lại chuyện lập nghiệp của hai vợ chồng.

Anh kể: “Lúc còn nhỏ, sống chung với bố mẹ và hai chị, hầu như ngày nào mình cũng cùng bạn bè ra hồ khai thác, đánh bắt cá vừa để sinh hoạt vừa bán kiếm tiền trang trải mọi chi tiêu của gia đình. Hồi đó, cá trên hồ nhiều lắm, đủ các loại như cá lăng, cá dưng, cá măng, cá thiểu, cá ngạnh, chép, trôi… Cá mè có con to như cánh cửa, nặng trên 50kg thường xuyên thấy dân đánh bắt được. Do nhiều người khai thác, đánh bắt làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, mình quyết định bỏ nghề lên bờ tìm hướng phát triển kinh tế mới”.

Bình ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, hồ Thác Bà rộng như vậy, không phải thuê mặt nước mà lại rất ít người phát huy thế mạnh này để nuôi trồng thủy sản. Anh đã bàn với vợ và quyết định đầu tư nuôi trồng thủy sản trên hồ.

 Chị Nguyễn Thị Kim Dung - vợ anh đã ủng hộ và giúp chồng mọi thủ tục xin chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước cho mượn một số diện tích mặt nước để nuôi cá lồng. Bình mải miết ngày đêm sưu tầm tài liệu ở Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, các hiệu sách, trên mạng Internet và đi thăm một số mô hình nuôi cá lồng trong và ngoài tỉnh học tập, nghiên cứu, đầu tư nuôi các loại cá.     

Lập dự án xong, Bình mang đến nhờ Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình xem xét, phê duyệt cho mượn trên 2ha mặt nước để nuôi cá lâu năm. Dự án được phê duyệt, Bình mừng lắm nhưng cũng rất lo vì thiếu vốn. Thật may cho anh, những năm đó, tỉnh Yên Bái có chính sách hỗ trợ tiền để khuyến khích các hộ dân nuôi cá lồng, hạn chế đánh bắt cá trên hồ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

 

Khu vực nuôi cá lồng của Công ty cổ phần Đầu tư Thủy sản và Du lịch Thác Bà.

Đầu năm 2010,  Bình vay vốn ngân hàng đầu tư đóng 20 lồng cá và được hỗ trợ 13 lồng bằng tiền mặt 39 triệu đồng, sau đó mua giống cá nheo, cá trắm cỏ, trắm đen về nuôi. Anh tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương như tôm, cá vụn do nhân dân đánh bắt bán rẻ và bã sắn của các cơ sở chế biến tinh bột sắn của các hộ dân trong vùng nên chi phí không cao. Được ăn thức ăn sạch, cá trong lồng lớn khá nhanh, chắc thịt. Cuối năm thu hoạch, bán ra thị trường mỗi lồng từ 100 - 120 con cá nheo, trọng lượng bình quân 2,5kg/con, trừ chi phí và thuê 3 lao động hàng tháng, gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.

Có thêm vốn, năm 2011, Bình tiếp tục đầu tư thêm 16 lồng cá để nuôi cá nheo. Năm đó, sản lượng cá lồng đạt khá cao. Tuy giá cả không ổn định nhưng sau khi bán cá, trừ các khoản chi phí, gia đình anh vẫn lãi trên 130 triệu đồng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Bình thấy diện tích mặt nước hồ được giao vẫn chưa phát huy hết, anh tiếp tục suy nghĩ mở rộng, tận dụng hết mặt nước được giao nuôi cá nhưng e làm một mình không đủ sức. Đầu năm 2012, anh về quê Hà Nam, về thành phố Hà Nội tìm gặp anh em, bạn bè để bàn bạc, vận động góp cổ phần đầu tư nuôi cá. Đề xuất của Bình đã được mọi người ủng hộ.

Tháng 6/2012, Công ty cổ phần Đầu tư Thủy sản và Du lịch Thác Bà được thành lập do Trần Văn Bình làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ngay sau khi thành lập, doanh nghiệp đã đầu tư 1,9 tỷ đồng mua lưới, tre, lồng cá, cá giống, thuê lao động rào quây diện tích gần 3ha để nuôi các loại cá thương phẩm như trắm cỏ, rô phi đơn tính, chép… và 19 lồng cá nheo, nuôi các loại cá giống cung ứng cho nhân dân trong vùng. Dự kiến, sản lượng cá thương phẩm năm nay của Công ty sẽ đạt trên 50 tấn cá các loại, trong đó cá nheo khoảng trên 7 tấn.

Khi hỏi về đầu ra của cá thương phẩm, Bình cười: “Không lo đâu, Công ty đã ký kết với một số khách hàng trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm rồi, chỉ lo giá cả giảm thì lãi không được nhiều thôi”. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Bình cho biết: “Năm 2013, anh em trong Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư  khai thác mảng du lịch trên hồ Thác Bà, mở nhà hàng phục vụ khách du lịch các món ăn dân tộc, nhất là cá đặc sản do Công ty nuôi”.

Xin chúc cho những dự định của Bình và các thành viên Công ty cổ phần Đầu tư Thủy sản và Du lịch Thác Bà sẽ sớm hoàn thành, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành du lịch và đưa khách du lịch đến với Yên Bái ngày càng nhiều hơn!

Minh Hằng

Các tin khác

YBĐT - Có một chàng trai người Mông ngồi ngay bàn học đầu, đôi mắt sáng, tự tin, ngồi trong lớp chú ý theo dõi bài giảng và hăng hái phát biểu ý kiến. Những ý kiến của anh khúc triết, ngắn gọn, chứa đựng nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

YBĐT - Mùa A Mềnh sinh năm 1989, tham gia dân quân được hơn 3 mùa huấn luyện. Nhiều năm liền nhận giấy khen của UBND huyện, năm qua, Mùa A Mềnh được UBND tỉnh tặng danh hiệu "Chiến sỹ thi đua quyết thắng".

Anh Khánh và mô hình chăn nuôi 1.000 con gà.

YBĐT - Cùng với 300 nhà nông trẻ khác trên khắp mọi miền Tổ quốc, tháng 11/2012, anh Nguyễn Minh Khánh - Bí thư Đoàn thanh niên xã Vũ Linh (Yên Bình) đã vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Chị Hoàng Thị Tùy (áo đỏ ở giữa) tư vấn phòng lây nhiễm HIV cho các thành viên nhóm Hoa Hướng Dương.

YBĐT - 31 năm gắn bó với ngành y tế, 6 năm làm chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS thị xã Nghĩa Lộ, chị Hoàng Thị Tuỳ - y sĩ Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho một tương lai sáng hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục