Gương sáng ở Sùng Đô

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2013 | 8:57:15 AM

YBĐT - Sống ở nơi non cao, người Mông xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vượt qua được đói nghèo đã khó, làm giàu được trên mảnh đất ấy lại càng khó hơn. Câu chuyện về đảng viên Giàng A Vư ở thôn Nà Nọi giúp bao người thoát khỏi cảnh nghèo đã đưa tôi đến với Sùng Đô...

Ông Giàng A Vư chăm sóc đàn trâu.
Ông Giàng A Vư chăm sóc đàn trâu.

Hành trình vượt khó

Sinh ra và lớn lên ở Sùng Đô, với sự năng động và tư tưởng tiến bộ, ông Giàng A Vư tham gia công tác ở xã khi mới mười tám tuổi. Bắt đầu từ Bí thư Đoàn xã và đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau, bây giờ ông là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc và học hỏi được nhiều điều từ bên ngoài, ông luôn nung nấu quyết tâm làm giàu cho gia đình, cho quê hương.

Ông Vư cho biết:  "Trong một lần đi thăm bạn ở thị trấn Nông trường Liên Sơn, thấy bạn nuôi được một đàn bò đến năm, bảy chục con, mình thích lắm và bắt đầu nuôi mơ ước từ đó".

Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế địa phương, ông Vư nhận thấy, việc phát triển chăn nuôi đại gia súc là phù hợp nhất. Năm 1997, ông quyết tâm vay 20 triệu đồng của ngân hàng mua 7 con bò, 5 con trâu cái. Ông tích cực sưu tầm tài liệu, sách báo, học hỏi kinh nghiệm cách chăm sóc, phòng chống bệnh cho đàn gia súc.

Sau 3 năm, đàn trâu, bò ngày càng sinh sôi phát triển. Bình quân, một năm, đàn trâu, bò của gia đình ông tăng lên 6 con. Thế là ông có trâu, bò để bán, trả được hết nợ và có thêm vốn mở rộng quy mô chuồng trại. Cùng với chăn nuôi trâu, bò, gia đình ông khai phá đất để trồng quế, trồng thảo quả và khai hoang ruộng nước. Nhờ vậy, nhà ông có thu nhập ổn định, có điều kiện nuôi 7 người con ăn học.

 Giúp nhau thoát nghèo 

Kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình ông Vư không còn khó khăn. Thấy nhiều hộ trong vùng không có trâu, bò để cày kéo, thời gian đầu, ông cho họ mượn trâu, bò nhưng ông nghĩ đó cũng chỉ là tạm thời. Ông đã nảy ra sáng kiến giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn bằng cách đầu tư con giống để nuôi chia. Nhà nào có nhu cầu xin trâu, bò về nuôi thì ông chia cho một con trâu hoặc một con bò cái, gia đình nào đủ khả năng thì cho nuôi cả trâu lẫn bò. Khi nào trâu, bò đẻ được 2 con, ông lấy một con, cho họ một con bán lấy vốn làm ăn, con mẹ họ vẫn tiếp tục nuôi đến khi nào khá giả trả ông cũng được. Khi giao trâu, bò cho từng nhà, ông nhiệt tình đến tận nơi hướng dẫn cách nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng chống bệnh.

"Mỗi năm, mình cho khoảng 4 nhà nhận nuôi nên đến giờ, số trâu, bò của nhà gửi nuôi không nhớ nổi, chỉ biết hiện giờ ở trại của mình còn khoảng hơn 40 con. Sang năm mới này, mình đang định cho thêm 3 nhà nuôi nữa là Giàng A Giang ở Nà Nọi, Vàng A Páo ở Giàng Pằng, Mùa A Chu ở Làng Mảnh", ông Vư nói.

Nhiều hộ đông con, làm chẳng đủ ăn, trước đây cũng vay vốn người nghèo nhưng không biết cách làm ăn nên nợ nần, thiếu đói nhưng được ông Vư giúp đỡ giờ đã trả hết nợ, kinh tế khấm khá hơn, nuôi con học hành tốt như gia đình ông Giàng A Sà, anh Giàng A Phử ở thôn Giàng Pằng; anh Giàng A Lầu ở thôn Ngã Ba; vợ chồng anh chị Vàng A Nhà và Giàng Thị Sa ở thôn Nà Nọi…

Anh Vàng A Nhà cho biết: "Lúc hai vợ chồng lấy nhau, cơm không có mà ăn, bát không có mà dùng. Nhờ ông Vư cho nuôi một con trâu, một con bò nên vợ chồng mình mới được thế này. Cái nhà này làm hồi đầu năm là từ tiền bán trâu, bò đấy. Chỉ mong sau này phát triển đàn trâu, bò, mình sẽ làm theo ông Vư để giúp đỡ những người nghèo hơn mình".

Những dự định

Ngoài số trâu, bò giúp đỡ các hộ gia đình trong xã, hiện nay, trang trại của gia đình ông Giàng A Vư có trên 40 con trâu, bò. Năm 2012, gia đình ông bán 8 con trâu, thu về khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thu hơn 50 triệu đồng từ thảo quả và quế ; thóc lúa và chăn nuôi gia cầm chỉ để phục vụ sinh hoạt gia đình. Tổng thu nhập của gia đình ông Vư trong năm cũng ngót 200 triệu đồng. Dự định trong năm 2013 này, ông sẽ tiếp tục đầu tư nuôi nhím, trồng thử nghiệm cây sơn tra. Đến khi thành công, ông sẽ tiếp tục vận động bà con trong xã cùng làm theo.

Bằng sự tự tin và lòng quyết tâm của mình, ông Giàng A Vư không chỉ vượt khó làm giàu từ bàn tay và sức lao động của mình mà  còn giúp nhiều hộ gia đình ở Sùng Đô vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

"Giàng A Vư là người có nhận thức tiến bộ, ông ấy nghĩ ra được mà cũng làm được nên ai cũng muốn làm theo. Ông là người đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế và cũng có thể nói chính là người góp phần làm thay đổi diện mạo của Sùng Đô", ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô tự hào nói về ông Giàng A Vư.

Tiến Lập

Các tin khác
Chị Phạm Thị Bảo đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

YBĐT - “Không ai xứng đáng hơn chị” - đó là câu nói của rất nhiều đồng nghiệp khi chị Phạm Thị Bảo bước lên bục danh dự nhận Huân chương. Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho chị hôm nay thật xứng đáng với những cống hiến và đóng góp của chị suốt cuộc đời công tác trong ngành ngân hàng.

Trần Văn Bình kiểm tra giống cá nheo trước khi nuôi.

YBĐT - Câu chuyện lập nghiệp của anh Trần Văn Bình ở xã Phúc An (Yên Bình) khiến nhiều hộ dân “an cư” lâu năm ở các xã vùng đông hồ phải khâm phục.

YBĐT - Có một chàng trai người Mông ngồi ngay bàn học đầu, đôi mắt sáng, tự tin, ngồi trong lớp chú ý theo dõi bài giảng và hăng hái phát biểu ý kiến. Những ý kiến của anh khúc triết, ngắn gọn, chứa đựng nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

YBĐT - Mùa A Mềnh sinh năm 1989, tham gia dân quân được hơn 3 mùa huấn luyện. Nhiều năm liền nhận giấy khen của UBND huyện, năm qua, Mùa A Mềnh được UBND tỉnh tặng danh hiệu "Chiến sỹ thi đua quyết thắng".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục