Nữ bác sĩ nhiệt huyết

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2013 | 2:10:27 PM

YBĐT - Đó là bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái. Ở cương vị công tác nào, chị cũng luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và những cám dỗ vật chất để tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học. Chị luôn được đồng nghiệp coi là tấm gương để noi theo.

Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân trong giờ làm việc tại phòng xét nghiệm.
Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân trong giờ làm việc tại phòng xét nghiệm.

Gặp nữ thạc sĩ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân trong lúc chị đang miệt mài, say sưa cùng cán bộ trong khoa xét nghiệm để phân tích từng số liệu mới, thấy chị nhiệt tình, ân cần hướng dẫn từng con số, từng công thức trong việc nuôi cấy tìm vi khuẩn mang bệnh. Sinh ra và lớn lên ở miền đất ngọc Lục Yên với ước mơ từ thời thơ ấu là làm bác sỹ để góp phần vào công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân, cùng với ước mơ và sự nỗ lực học tập, chị đã thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Năm 1999, tốt nghiệp ra trường, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân nhận công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái và gắn bó với đơn vị từ đó đến nay. Là một cán bộ có năng lực chuyên môn và lòng đam mê nghiên cứu, chị  đã quyết tâm thi đỗ và theo học thạc sỹ khoa Vi sinh tại Trường Đại học Y Hà Nội với một mong muốn là được đóng góp thật nhiều cho công tác y tế dự phòng của tỉnh.

Năm 2005, chị được cơ quan cử đi Pháp học và thực tập tại phòng xét nghiệm đạt chuẩn của nước bạn, được tìm hiểu ý nghĩa khi có phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành y tế tỉnh nhà, niềm mong ước thôi thúc đã giúp chị hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo.
 Năm 2008, kinh tế, xã hội trên đà phát triển, khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là đối với Yên Bái - một tỉnh miền núi nghèo, công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì việc phát triển khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Được sự quan tâm của Bộ Y tế, UBND tỉnh, lãnh đạo ngành y tế tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu thành lập phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO.

Trên con đường thực hiện chuẩn quốc gia và ước mơ được đem khoa học công nghệ vào chăm sóc sức khỏe cho người dân đã thôi thúc chị nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu để xây dựng phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO. Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia Pháp, chị đã bắt đầu thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu.

Trong thời gian từ năm 2008- 2010, với sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía ngành y tế, từ lãnh đạo cơ quan và các đồng nghiệp trong đơn vị, chị đã liên tục liên lạc với các chuyên gia Pháp để bắt đầu hình thành quy trình, thủ tục xây dựng phòng xét nghiệm nước và thực phẩm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005.

Năm 2011, qua hơn 20 thủ tục và được sự giúp đỡ của Dự án Hỗ trợ phát triển y tế dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái đã xây dựng, sửa chữa phòng xét nghiệm và được đánh giá lại, công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Khi phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005, phiếu kết quả xét nghiệm sẽ được đóng dấu VILAS, khi có con dấu này kết quả xét nghiệm được công nhận trên toàn thế giới.

Năng động, nhiệt tình, luôn tình nguyện cống hiến sức trẻ của mình vì sức khỏe của nhân dân là nhận xét chung của người dân và đồng nghiệp dành cho chị.

Bác sỹ Trần Viết Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng nhận xét: “Thạc sĩ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân là một cán bộ có năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, tạo được niềm tin đối với cấp trên và toàn thể cán bộ trong cơ quan. Đối với cơ sở, bác sỹ Vân luôn thể hiện sự nhiệt tình, cởi mở với một phong cách làm việc rất khoa học và hết lòng tận tuỵ với công việc. Khi có dịch bệnh xảy ra, chị đã cùng với đồng nghiệp không quản khó khăn, vất vả đến tận vùng dịch để lấy mẫu bệnh nghiên cứu, tranh thủ vận động và hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch, vệ sinh môi trường sạch sẽ để đảm bảo sức khoẻ cho mọi người”.

Ngoài chức năng nhiệm vụ của một phó giám đốc, chị còn được phân công phụ trách chuyên môn khoa Xét nghiệm và khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm. Ở cương vị công tác nào, chị cũng luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và những cám dỗ vật chất để tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học. Chị luôn được đồng nghiệp coi là tấm gương để noi theo.

Với bản thân mình, chị luôn tâm niệm: “Hơn ai hết, người thầy thuốc cần phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”, luôn ghi nhớ lời Bác dặn: “Cán bộ y tế phải thương yêu bệnh nhân như anh em ruột thịt của mình”, tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân. Bản thân mình càng cố gắng rèn luyện và thực hiện đúng 12 điều quy định về y đức và quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, có thái độ tôn trọng và yêu thương bệnh nhân như chính bản thân và người nhà của mình. Có như vậy mới làm tốt được vai trò của người thầy thuốc”.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai và duy trì phòng xét nghiệm phân tử đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005, đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong những năm qua luôn ổn định, đó là công sức của cả tập thể, trong đó có một phần công lao đóng góp không nhỏ của chị.

Điều chị cũng như các đồng nghiệp luôn trăn trở, day dứt hơn cả là những khó khăn của người dân vùng sâu, vùng xa mà chị tận mắt chứng kiến mỗi lần đi công tác, để rồi chị lại tự hứa với lòng mình, sẽ đi công tác nhiều hơn, đến với bà con nhiều hơn để làm tốt hơn nữa bổn phận của một người thầy thuốc.

Có lẽ chính lòng yêu thương con người của một cán bộ y tế và hơn hết là tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ đã giúp chị vững bước trên hành trình đem kiến thức của mình để bảo vệ sức khoẻ cho người dân vùng sâu vùng xa. Đó cũng chính là động lực để chị thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Quỳnh Thi

Các tin khác
Anh Hà Sông Thao hướng dẫn nông dân cách làm đất.

YBĐT - Sự nhiệt tình, nhanh nhạy và đầy nhiệt huyết với dân bản của Hà Sông Thao xứng đáng là khuyến nông viên cơ sở được dân mến, dân yêu.

Máy bừa mini có thể vừa cày bừa ruộng vừa cày bừa vườn đồi.

YBĐT - Vốn là một nông dân cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Đinh Công Khánh ở thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) không khỏi trăn trở khi thấy mỗi mùa vụ, gia đình phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để thuê máy cày, bừa về cày ruộng. Chính từ trăn trở đó, ông Khánh đã tìm tòi và sáng tạo ra máy cày, bừa mini phù hợp với đồng đất địa phương.

Ông Tiến chăm sóc đàn lợn rừng.

YBĐT - Vốn là một người lính biên phòng, năm 2010 nghỉ chế độ, ông Lê Đình Tiến về với gia đình ở tổ 46, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái). Niềm đam mê với cây cỏ, động vật, thiên nhiên đã khiến ông Tiến quyết định rời phố vào xã Tân Thịnh mua đất xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Máy băm sắn Đức Hương được sử dụng rộng rãi trên địa bàn huyện Văn Yên.

YBĐT - Từ nhiều năm nay, người nông dân ở huyện Văn Yên đã biết đến anh Cấn Trọng Đức ở thị trấn Mậu A - cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người đã sáng chế ra máy băm sắn, giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, tăng năng suất lao động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây sắn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục