Cán bộ của bản

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/2/2013 | 2:53:34 PM

YBĐT - Không chỉ là cán bộ tín dụng giỏi chuyên môn, Lê Đức Thắng còn là cán bộ công đoàn tâm huyết của Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải. Nhiều năm liền, Thắng được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tặng giấy khen.

Anh Lê Đức Thắng làm công tác giải ngân tại cơ sở.
Anh Lê Đức Thắng làm công tác giải ngân tại cơ sở.

Lê Đức Thắng quê Thanh Hóa, sinh năm 1983, trong gia đình nông dân nghèo, Thắng hiểu được cái khó của người nông dân có tư liệu sản xuất (đất đai) nhưng lại không có nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế.

Năm 2003 qua thông tin đại chúng, Thắng biết được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải được thành lập và đang cần tuyển dụng cán bộ trẻ, có năng lực, tâm huyết về giúp người nghèo vùng cao này được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để vươn lên thoát nghèo.

Lúc đó, Thắng đang học năm cuối Trường Trung cấp kế toán. Năm 2004 ra trường, Thắng tình nguyện lên vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải và đã vượt qua được vòng thi tuyển, được làm cán bộ tín dụng như hằng ao ước.

Khi đã quen được với công việc chuyên môn, Thắng lại muốn làm thế nào để “níu” được chân cán bộ, công chức, lao động ở các địa phương đến yên tâm công tác lâu dài trên huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, cùng anh giúp người nghèo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Và rồi Thắng đã tìm hiểu được tổ chức công đoàn chính là nơi để anh giải đáp được câu hỏi canh cánh trong lòng. Thắng biết được hoạt động công đoàn là góp phần tạo nên sự hài hòa, gắn kết giữa người lao động và người sử dụng lao động, anh đã cố gắng từng bước cụ thể hóa các phong trào hoạt động thành những việc làm cụ thể, gắn với lợi ích thiết thực của người lao động, luôn gần gũi, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn.

Từ đó, đã tạo được niềm tin cho cán bộ, công chức lao động trong đơn vị, giúp họ “vững lòng” cống hiến, giúp người dân vùng cao được tiếp cận với các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo trên địa bàn, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo. Sự tâm huyết với nghề, sự nhiệt tình của tuổi trẻ, năm 2006 Thắng đã được bầu làm chủ tịch công đoàn bộ phận.

Với đặc thù của huyện có nhiều khó khăn: trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, tỷ lệ đói nghèo cao (trên 80% theo tiêu chí mới), giao thông đi lại khó khăn như Mù Cang Chải thì việc tập hợp, động viên được đoàn viên “bám bản, bám dân” không phải ai cũng làm được.

Nói về công việc của người cán bộ công đoàn, anh cho hay: Cán bộ công đoàn cần nhất sự chuyên tâm và nhiệt tình. Nếu không gần gũi với người lao động, thì không thể làm công tác công đoàn. Chính vì vậy cần khơi dậy phong trào thi đua của đoàn viên và đảm bảo họ được hưởng những lợi ích thiết thực của mình.

Có dịp xuống cơ sở với Thắng trong một chuyến đi công tác ở bản Dề Thàng xã Chế Cu Nha, được chứng kiến cảnh bà con gặp Thắng tay bắt mặt mừng. Họ cảm ơn Thắng đã “Mang tiền của Chính phủ cho bản làng vay đủ”.

Nhờ đó mà cuộc sống của họ đã thoát dần được đói nghèo, lạc hậu. Ông Khang A Trù, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha đang gùi một bó cỏ voi to ngất đầu mà vẫn rảo bước trên đường cùng cán bộ Thắng để trò chuyện về con bò nhà ông có được nhờ được vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Ông vui vì con bò đó đã đẻ được bê con. Ông đang đi cắt cỏ về phục vụ nó.

Ông cho biết: Tôi thấy cán bộ ngân hàng tuy còn trẻ nhưng nhiều người đã nói được tiếng Mông, nhất là cán bộ Thắng nên rất dễ hòa nhập. Đi đến đâu anh cũng chào hỏi rất gần gũi, thân tình như những người đi xa về. Chính từ cách làm việc hiệu quả của Thắng đã giúp đồng nghiệp thấy yêu nghề của mình hơn, tạo động lực cho họ hăng say công tác.

Trung bình mỗi năm Mù Cang Chải giảm được 5% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của những cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện.

Đến nay, 100% xã, thị trấn trong toàn huyện đã có điểm giao dịch với 189 tổ tiết kiệm và vay vốn tín dụng, gần 11.400 lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước với tổng vốn lên tới 63,8 tỷ đồng; 100% thôn, bản, tổ dân phố được tiếp cận với vốn vay ưu đãi đối với các hộ nghèo và các đối tượng khác.

Từ nguồn vốn vay, người nghèo đã mua được hàng ngàn con trâu, bò làm sức cày kéo và phát triển đàn gia súc, hàng ngàn con lợn giống về phát triển chăn nuôi, khai hoang hàng chục ha ruộng nước để phát triển sản xuất…

Thực tế đồng vốn ưu đãi đã phát huy được hiệu quả ở Mù Cang Chải, góp phần thực hiện nhiệm vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở địa phương, giảm tỷ lệ đói nghèo nhanh và bền vững.

Đồng chí Bùi Văn Hóa – Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết thêm: Thắng là một trong những cán bộ đầu tiên của Ngân hàng. Anh có ý thức trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề nghề nghiệp, hăng say nhiệt tình trong công tác cũng như trong hoạt động công đoàn.

Còn ông Nguyễn Minh Hưng - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh nhận xét: Mặc dù ở miền xuôi lên, song với sức trẻ, khỏe và nhiệt huyết, Thắng đã khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng hòa nhập với phong tục tập quán và học tiếng của người bản địa, bám trụ với mảnh đất này, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của huyện vùng cao. Thắng luôn tham gia tích cực  hoạt động công đoàn các cấp phát động và luôn đạt thành tích cao...

7 năm làm công tác công đoàn, anh thường xuyên học tập nghiệp vụ công tác công đoàn, tạo ra mối quan hệ hài hòa, thân thiện, cùng nhau xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, tiến bộ trong cơ quan. Chính vì thế, đoàn viên công đoàn trong cơ quan đặt niềm tin ở anh, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào, đóng góp đầy đủ quỹ công đoàn, tham gia các hoạt động xã hội khác…

Bản thân Thắng đã góp phần cùng đơn vị làm tốt chức năng huy động nguồn vốn, thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vùng cao Mù Cang Chải, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương và đóng góp tích cực trong công tác xây dựng tổ chức công đoàn ngày một phát triển.

 Thanh Xuân

Các tin khác
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hà Văn Hưng bước đầu đem lại hiệu quả.

YBĐT - Đó là anh Hà Văn Hưng - Bí thư Đoàn xã Sơn Lương (Văn Chấn). Không chỉ đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, anh còn có nhiều sáng kiến tập hợp thanh niên xã làm nhiều mô hình kinh tế, đem lại việc làm, xóa nghèo cho thanh niên nông thôn.

Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân trong giờ làm việc tại phòng xét nghiệm.

YBĐT - Đó là bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái. Ở cương vị công tác nào, chị cũng luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và những cám dỗ vật chất để tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học. Chị luôn được đồng nghiệp coi là tấm gương để noi theo.

Anh Hà Sông Thao hướng dẫn nông dân cách làm đất.

YBĐT - Sự nhiệt tình, nhanh nhạy và đầy nhiệt huyết với dân bản của Hà Sông Thao xứng đáng là khuyến nông viên cơ sở được dân mến, dân yêu.

Máy bừa mini có thể vừa cày bừa ruộng vừa cày bừa vườn đồi.

YBĐT - Vốn là một nông dân cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Đinh Công Khánh ở thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) không khỏi trăn trở khi thấy mỗi mùa vụ, gia đình phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để thuê máy cày, bừa về cày ruộng. Chính từ trăn trở đó, ông Khánh đã tìm tòi và sáng tạo ra máy cày, bừa mini phù hợp với đồng đất địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục