Người mang nấm về bản
- Cập nhật: Thứ hai, 4/3/2013 | 2:04:29 PM
YBĐT - Với mong muốn giúp cho những người nông dân trong bản có việc làm, thêm thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, bà Hà Thị Nghiên ở thôn 6, xã Minh Xuân (Lục Yên) đã mày mò, nghiên cứu, trồng thử nghiệm nấm rơm và vận động nhiều hộ dân tham gia, bước đầu mang lại kết quả tốt.
|
Bà Hà Thị Nghiên vẫn rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh dù năm nay đã 60 tuổi. Là một giáo viên nghỉ hưu, hiện nay, các con đã trưởng thành và có việc làm ổn định nên bà không còn phải bận tâm nhiều đến kinh tế.
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhìn những người thân, những người hàng xóm quanh năm bận rộn với đồng áng mà vẫn đói ăn, qua đọc sách báo, xem ti vi về những mô hình kinh tế mới cho thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, bà đã bị thuyết phục với bản tin giới thiệu mô hình trồng nấm rơm ở một số tỉnh đồng bằng. Bà đã quyết định đi học tập tại Trung tâm Sinh học Hà Nội. Với mong muốn mang nghề về bản, về với bà con nghèo, bà đã tận dụng hết thời gian nghiên cứu sách vở, trao đổi với các kỹ sư, các giảng viên về phương pháp, kỹ năng và các quy trình kỹ thuật trồng nấm hiệu quả.
Sau khi học xong, tháng 5/2012, bà trồng thử nghiệm trên sân với 15 mô nấm. Quyết tâm thực hiện thành công để nhân rộng, bà đã dành hết thời gian, tâm huyết, áp dụng vốn kiến thức học được để chăm sóc mô hình nấm. Sau 20 ngày, 15 mô nấm cho thu 25kg nấm thương phẩm, giá bán 50.000 đồng/kg. Vậy là chưa đầy một tháng, chỉ với 15 mô nấm, trừ mọi chi phí, bà thu lãi 500.000 - 600.000 đồng.
Từ thành công ban đầu, bà tiếp tục trồng 50 mô nấm và vận động các hộ dân trong xã cùng thực hiện. Bà trực tiếp xuống từng hộ gia đình hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn. Giúp bà con mạnh dạn làm theo, bà đã tự bỏ vốn cho các hộ làm chung và đã có 5 hộ tham gia phát triển mô hình này, trong số đó có những hộ là hộ nghèo. Bà Nghiên cho biết, trồng nấm rơm tương đối thuận lợi bởi nguồn rơm rất dễ kiếm, thời gian cho thu ngắn, đầu tư ít, quan trọng nhất là áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và nấm rơm rất dễ bán, thương lái đến tận nhà thu mua thuận tiện.
Bà Nghiên nói: “Trồng nấm quan trọng nhất là biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chịu khó học hỏi kinh nghiệm. Tôi thấy, trồng nấm rất thuận lợi và phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. Tôi mong muốn, mọi người sẽ thực hiện thành công, từng bước xóa đói giảm nghèo”.
Một trong những hộ được bà Nghiên giúp đỡ phát triển mô hình trồng nấm rơm là gia đình chị Hoàng Thị Thảo ở thôn 6. Nhà có con nhỏ, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, làm thuê nên khó khăn. Được bà Nghiên tuyên truyền, vận động và đến tận gia đình hướng dẫn, tháng 9/2012, chị Thảo quyết định thực hiện mô hình với 8 mô nấm, sau khi thu hoạch bán được 1 triệu đồng. Đặc biệt, để giúp gia đình chị mở rộng mô hình, bà Nghiên đã tạo điều kiện cho gia đình chị chung vốn để làm 44 mô nấm sò phát triển tốt.
Chị Thảo tâm sự: “Gia đình tôi rất khó khăn vì không có việc làm tạo thu nhập ổn định. Được bà Nghiên vận động và cho chung vốn, sau một thời gian trồng nấm, tôi thấy hiệu quả rất rõ rệt, tạo nguồn thu cho gia đình. Tôi sẽ tiếp tục học hỏi và mở rộng mô hình trồng nấm để từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Mô hình trồng nấm rơm của bà Nghiên tuy không lớn nhưng đã tạo được việc làm cho lao động nông thôn, phù hợp với điều kiện canh tác và lao động của người dân. Từ mô hình này, xã Minh Xuân cũng đã có hướng mở rộng, vận động nhiều hộ dân tham gia, tạo đà phát triển kinh tế.
Ông Nông Mạnh Tường - Phó chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Qua thực tế tham quan các mô hình trồng nấm trên địa bàn, có thể thấy và mô hình này rất phù hợp với địa phương, tạo việc làm, thu nhập có khả năng mở rộng. Vì thế, trong thời gian tới, xã sẽ kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc nấm đạt hiệu quả cao”.
Tuy mới đưa vào sản xuất trên địa bàn nhưng mô hình trồng nấm rơm đã được nhiều người dân hưởng ứng. Để phát triển rộng hơn nữa mô hình này, Minh Xuân cần có kế hoạch tuyên truyền và tập huấn, hướng dẫn người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Triệu Huấn
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ là cán bộ tín dụng giỏi chuyên môn, Lê Đức Thắng còn là cán bộ công đoàn tâm huyết của Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải. Nhiều năm liền, Thắng được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tặng giấy khen.
YBĐT - Đó là anh Hà Văn Hưng - Bí thư Đoàn xã Sơn Lương (Văn Chấn). Không chỉ đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, anh còn có nhiều sáng kiến tập hợp thanh niên xã làm nhiều mô hình kinh tế, đem lại việc làm, xóa nghèo cho thanh niên nông thôn.
YBĐT - Đó là bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái. Ở cương vị công tác nào, chị cũng luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và những cám dỗ vật chất để tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học. Chị luôn được đồng nghiệp coi là tấm gương để noi theo.
YBĐT - Sự nhiệt tình, nhanh nhạy và đầy nhiệt huyết với dân bản của Hà Sông Thao xứng đáng là khuyến nông viên cơ sở được dân mến, dân yêu.