Tiếng khèn “mãi mãi tuổi hai mươi”
- Cập nhật: Thứ hai, 4/3/2013 | 2:12:07 PM
YBĐT - Nhắc đến ông Cứ A Sang ở thôn Km 21, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) là mọi người biết đến một lão nông đam mê cây sáo và chiếc khèn Mông, ông đã vinh dự được làm chiếc khèn tặng đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí lên thăm Trạm Tấu những ngày đầu năm 2013.
Chiếc khèn, cây sáo ông làm mộc mạc, giản dị, âm thanh trong sáng làm say đắm lòng người như chính cuộc sống đồng bào dân tộc Mông của ông vậy. Ông Sang kể rằng, thời còn niên thiếu, cuộc sống khó khăn nên việc mua một chiếc Rađio hay ti vi đều là quá xa xỉ. Ông lớn lên theo tiếng khèn, tiếng sáo, rồi có niềm đam mê làm sáo lúc nào không hay. Ông tự học từ những thế hệ trước và tự mày mò làm nên cây sáo, chiếc khèn Mông.
Mỗi cây sáo ông làm thường dài 50cm, có 7 lỗ bấm và một chiếc lá đồng mỏng, gắn ở nút thổi, một mặt sáo có 1 lỗ, mặt kia có 6 lỗ để điều chỉnh âm thanh. Ông Sang làm sáo tặng khách nơi xa đến, tặng bạn bè người thân, tặng cho chính con cháu và niềm đam mê của mình, đôi khi bán cho khách thập phương. Làm khèn, vật liệu từ cây tre, cây trúc, cây nứa quanh nhà, vất vả hơn cả là những lá đồng ông kỳ công mài mỏng và tự mình thử âm thanh trên những cây khèn ấy.
Ông Cứ A Sang chia sẻ: "Tôi làm khèn, làm sáo không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của mình, mà quan trọng hơn là muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, muốn sau này con cháu mình biết đến nhạc cụ người Mông. Bây giờ, nhiều người yêu văn hóa Mông đã lên đây tìm đến tôi mua khèn với giá từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/cây. Tôi không mong muốn mình giàu lên từ làm những nhạc cụ này mà chỉ muốn tất cả mọi người yêu nhạc cụ người Mông và con trẻ biết sử dụng nhạc cụ Mông".
Tâm huyết với nhạc cụ của đồng bào Mông, những lúc rảnh rỗi, ông Cứ A Sang vẫn tranh thủ dạy lại cho thế hệ trẻ. Cậu con trai Cứ A Chua của ông nay đã biết truyền tâm tư tình cảm của mình qua cây sáo Mông.
Cứ A Chua tâm sự: "Từ nhỏ em lớn lên bên tiếng khèn, tiếng sáo của bố, có lúc nghe tiếng sáo mà ngủ nên em cũng thấy yêu tiếng sáo, tiếng khèn, cho dù bây giờ có nhiều loại nhạc nhưng với em vẫn thấy tiếng sáo, tiếng khèn không thể thiếu trong mỗi dịp xuân về nên khi đi chơi xuân em vẫn thường mang cây sáo bên mình".
Đã hơn 15 năm gắn bó với cây sáo và chiếc khèn Mông, chính ông Cứ A Sang cũng không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu cây sáo, chiếc khèn... Giờ đây người dân Trạm Tấu đã biết đến ông như một "nghệ nhân" của dân tộc Mông, để mỗi dịp tết đến xuân về họ lại tìm đến ông mua một cây sáo hay mượn một chiếc khèn về thổi cho không khí xuân thêm ấm áp, thanh bình, để chia sẻ nỗi niềm của lòng mình cho những người thân yêu.
Mặc dù đã ở tuổi 50 nhưng mỗi khi ông cất tiếng sáo, những thanh âm trong sáng, dìu dặt vẫn vang khắp núi rừng, điệu khèn vẫn uyển chuyển, dẻo dai như một chàng trai đôi mươi. Những câu hát thân quen của đồng bào Mông trong dịp xuân mới, những câu hát mộc mạc, những lời chúc đơn sơ nhưng sâu đậm nghĩa tình và lòng mến khách của đồng bào Mông được ông truyền tải qua tiếng sáo du dương, lắng đọng vào hồn người nghe.
Mặc dù chưa được công nhận một danh hiệu nào nhưng với chúng tôi hay những người dân Trạm Tấu thì ông Cứ A Sang giống như người đang nhen lên ngọn lửa truyền thống của văn hóa người Mông trong thế hệ trẻ hôm nay.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - Với mong muốn giúp cho những người nông dân trong bản có việc làm, thêm thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, bà Hà Thị Nghiên ở thôn 6, xã Minh Xuân (Lục Yên) đã mày mò, nghiên cứu, trồng thử nghiệm nấm rơm và vận động nhiều hộ dân tham gia, bước đầu mang lại kết quả tốt.
YBĐT - Không chỉ là cán bộ tín dụng giỏi chuyên môn, Lê Đức Thắng còn là cán bộ công đoàn tâm huyết của Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải. Nhiều năm liền, Thắng được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tặng giấy khen.
YBĐT - Đó là anh Hà Văn Hưng - Bí thư Đoàn xã Sơn Lương (Văn Chấn). Không chỉ đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, anh còn có nhiều sáng kiến tập hợp thanh niên xã làm nhiều mô hình kinh tế, đem lại việc làm, xóa nghèo cho thanh niên nông thôn.
YBĐT - Đó là bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái. Ở cương vị công tác nào, chị cũng luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và những cám dỗ vật chất để tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học. Chị luôn được đồng nghiệp coi là tấm gương để noi theo.