"Chăn nuôi trở thành niềm vui lớn của tôi"

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/3/2013 | 8:50:24 AM

YBĐT - Với quyết tâm vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, anh Nguyễn Chí Hướng ở thôn Long Chu, xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Anh Hướng chăm sóc đàn lợn.
(Ảnh: Thanh Hà)
Anh Hướng chăm sóc đàn lợn. (Ảnh: Thanh Hà)

Lao động chăm chỉ, mô hình của anh cho năng suất và hiệu quả cao, đời sống vật chất đã được cải thiện đáng kể. Chính vì thế, năm 2012, anh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của vinh danh những thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi.

Tháng 8/2008, khi nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ không thể mang lại lợi nhuận kinh tế cao nên anh Hướng quyết định đầu tư vốn phát triển mô hình VAC với chăn nuôi là chính. Sau khi tham gia lớp học tập huấn về kỹ thuật  chăn nuôi lợn, tham khảo một số mô hình của bạn bè cùng với sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ Dự án chăn nuôi lợn thương phẩm tại địa phương, anh mạnh dạn thuyết phục bố mẹ cung cấp thêm vốn và bắt tay xây dựng chuồng trại, thu mua con giống. Tổng số vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng, trong đó chi phí xây dựng chuồng trại với hệ thống uống nước tự động là 70 triệu đồng và chi phí mua con giống khoảng 80 triệu đồng.

Thời gian đầu, anh Hướng gặp không ít khó khăn, nhất là khó khăn về vốn khi giá con giống trên thị trường thường xuyên biến động trong khi giá bán ra lại không cao. Thêm vào đó, dịch bệnh cùng sự thay đổi của điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng xấu đến đàn lợn. Có lần, khi mua phải con giống đã nhiễm bệnh, anh nhận thấy, việc thu mua con giống từ bên ngoài khó kiểm soát được chất lượng nên anh quyết định nuôi thêm lợn nái để tự cung cấp và quản lý con giống. Hiện nay, tổng số lợn nái và lợn bột của anh có khoảng 150 con.

Anh Hướng chia sẻ: "Nhiều lần gặp khó khăn về vốn để mua thức ăn cho lợn lại thêm giá cả thị trường xuống thấp, dịch bệnh có thể đe dọa bất cứ lúc nào nên tôi cũng có ý định bỏ cuộc. Nhưng nhìn đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, lợn con lớn nhanh như thổi, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc. Giờ đây, chăn nuôi đã trở thành niềm vui lớn của tôi".

Do được tập huấn kỹ càng về chăn nuôi nên anh Hướng rất quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc đàn lợn. Anh liên tục theo dõi sự tăng trưởng của chúng để kịp thời xử lý nếu có biểu hiện của dịch bệnh. Các dịch bệnh thường gặp ở lợn như tụ huyết trùng, phó thương hàn… đều được ngăn chặn.

Anh Hướng chủ động theo dõi đàn lợn, cách ly những con bị bệnh để tránh lây lan và chăm sóc, vệ sinh chuồng trại hàng ngày, áp dụng kiến thức thú y. Trong nhà, lúc nào anh cũng chuẩn bị các loại thuốc, nếu phát hiện lợn có biểu hiện của dịch bệnh là có thể kịp thời phòng chống. Chính vì thế mà đàn lợn của anh luôn khỏe mạnh, lớn nhanh.

Đồng thời, anh cũng thường xuyên theo dõi thị trường tiêu thụ qua sách báo, tin tức để có hướng phát triển đàn lợn thích hợp, tránh tối đa khả năng thua lỗ. Trung bình, mỗi đợt xuất chuồng, anh xuất khoảng 3 tấn lợn hơi và trừ chi phí thức ăn, con giống, mỗi năm thu nhập khoảng 60 đến 80 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh được cải thiện đáng kể, nhà cửa khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ hơn.

Với thành tích ấy, tháng 10 năm 2012, anh Nguyễn Chí Hướng vinh dự là một trong bốn thanh niên của tỉnh Yên Bái được nhận Giải thưởng Lương Định Của của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành cho những thanh niên nông thôn điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Anh Hướng tâm sự: "Tôi thực sự rất sung sướng và cảm thấy vinh dự khi mình được đại diện cho các thanh niên nông thôn của quê hương trong phong trào phát triển nông nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đây cũng chính là động lực giúp tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa!".

Không chỉ chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi gia đình mà anh Hướng còn rất tích cực và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho những người xung quanh. Những ai có ý định hoặc đang chăn nuôi theo mô hình giống như của anh, anh đều hướng dẫn rất tỉ mỉ, chu đáo. Anh cũng động viên mọi người cùng làm kinh tế để cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

Không chỉ sở hữu một đàn lợn khỏe mạnh, cho năng suất cao, anh Hướng còn tận dụng diện tích ao hồ vốn có để phát triển thêm. Hiện nay, anh đang tiến hành nuôi thả cá với các loại cá thông thường như trắm, chép, trôi… đồng thời nuôi thí điểm loại cá quất có giá thành cao. Ngoài ra, với diện tích rừng của mình, anh Hướng cũng trồng keo, trồng quế, không lãng phí đất để tăng thêm thu nhập.

Trong năm 2013 này, anh Hướng cho biết sẽ nuôi thí điểm chim bồ câu Pháp, phát triển hơn nữa mô hình chăn nuôi. Anh đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần lao động và ý chí vươn lên.

Hồng Phương

Các tin khác

YBĐT - Nhắc đến ông Cứ A Sang ở thôn Km 21, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) là mọi người biết đến một lão nông đam mê cây sáo và chiếc khèn Mông, ông đã vinh dự được làm chiếc khèn tặng đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí lên thăm Trạm Tấu những ngày đầu năm 2013.

YBĐT - Với mong muốn giúp cho những người nông dân trong bản có việc làm, thêm thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, bà Hà Thị Nghiên ở thôn 6, xã Minh Xuân (Lục Yên) đã mày mò, nghiên cứu, trồng thử nghiệm nấm rơm và vận động nhiều hộ dân tham gia, bước đầu mang lại kết quả tốt.

Anh Lê Đức Thắng làm công tác giải ngân tại cơ sở.

YBĐT - Không chỉ là cán bộ tín dụng giỏi chuyên môn, Lê Đức Thắng còn là cán bộ công đoàn tâm huyết của Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải. Nhiều năm liền, Thắng được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tặng giấy khen.

Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hà Văn Hưng bước đầu đem lại hiệu quả.

YBĐT - Đó là anh Hà Văn Hưng - Bí thư Đoàn xã Sơn Lương (Văn Chấn). Không chỉ đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, anh còn có nhiều sáng kiến tập hợp thanh niên xã làm nhiều mô hình kinh tế, đem lại việc làm, xóa nghèo cho thanh niên nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục