Cụ Phú và chiếc ví 21 triệu đồng
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/3/2013 | 9:47:40 AM
YBĐT - Không lương hưu chỉ có 180 ngàn đồng tiền trợ cấp người cao tuổi hàng tháng, song cụ Phú vẫn sống thanh bạch như cuộc đời cụ vậy.
Cụ Phú vẫn lặng lẽ với công việc hàng ngày.
|
Không khó để tìm ra ngôi nhà của cụ Phạm Thị Phú, 84 tuổi, tổ 26B trong một ngõ nhỏ tại khu dân cư Lê Hồng Phong I, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm song cụ Phú vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Biết chúng tôi có ý định viết bài về việc cụ trả lại chiếc ví với 21 triệu đồng cho người đánh rơi, cụ chỉ cười và cho rằng đó chỉ là hành động bình thường của một con người khi nhặt được của rơi.
Hàng ngày vào các buổi sáng cụ Phú thường đi bộ ra chợ mua thức ăn, cũng như những ngày bình thường khác, ngày 8/2 (tức 28 tháng Chạp năm Nhâm Thìn), khi đi đến cột đèn ngã tư Nam Cường, cụ Phú thấy có một chiếc ví rơi bên đường nhưng nghĩ là chiếc ví rách ai đó bỏ đi nên không để ý.
Song cụ nghĩ, nhỡ ai đó đánh rơi nên cụ nhặt chiếc ví lên và tiếp tục đi chợ. Về nhà, vì gia đình đang có việc nên cụ cũng chưa tiện nói ra, đến chiều, cụ gọi các con cháu lại nhờ kiểm tra xem có thứ gì quan trọng trong chiếc ví nhặt được thì thấy trong đó có một tập tiền mệnh giá 200 ngàn đồng và 100 ngàn đồng, tổng trị giá 21 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng khác.
Trên chứng minh nhân dân, chủ nhân của chiếc ví là chị Lê Thị Hoàn, cư trú tổ 22, phường Nguyễn Thái Học. Sau khi biết đích thực tên, tuổi người mất ví, cụ Phú cùng các con cháu đều rất băn khoăn, lo ngại cho chị Hoàn.
Nếu không tìm được ví chắc tết này gia đình chị sẽ mất vui. 21 triệu đồng với cụ quả là món tiền không nhỏ nhất là lúc tết đến, song không tham, cụ cùng các con cháu thống nhất và nhờ tổ trưởng tổ dân phố tìm cách liên lạc với người mất ví để trả lại cho họ.
Đến 15 giờ cùng ngày, chị Lê Thị Hoàn đã tìm đến nhà cụ Phú để xin nhận lại chiếc ví của mình đã đánh rơi và hết lòng cảm ơn cụ cùng gia đình. Trước hành động cao đẹp của cụ, ngày 25/2, UBND phường Nguyễn Thái Học đã quyết định khen thưởng đột xuất gương người tốt việc tốt cho cụ và gia đình.
Cụ Phú cho biết: "Sau khi mọi người biết tin tôi nhặt được chiếc ví có số tiền tương đối lớn đã trả lại cho người đánh rơi, người hiểu thì cảm kích trước việc làm của tôi, người không hiểu nghĩ chắc tôi đã già lẩm cẩm nên đầu óc có vấn đề, song mặc cho ai nghĩ thế nào cũng được, với tôi, đồng tiền là mồ hôi nước mắt của mỗi người, nếu mình nhặt được thì nên trả lại cho người đánh mất".
Gia đình cụ là một gia đình trí thức nghèo, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Hiện cụ có bốn người con, hai trai, hai gái. Trước đây cụ ở với anh con trai cả song mấy năm trước anh con trai cụ đã chuyển về Hà Nội, hiện cụ ở một mình.
Đã nhiều lần con trai cụ có ý định đón cụ về Hà Nội để tiện bề chăm sóc nhưng vì đã quen với bà con lối xóm, các con cháu cụ cũng còn bên cạnh nên cụ không về. Không lương hưu chỉ có 180 ngàn đồng tiền trợ cấp người cao tuổi hàng tháng, song cụ Phú vẫn sống thanh bạch như cuộc đời cụ vậy.
Chia tay gia đình cụ Phạm Thị Phú, trong tôi vẫn nhớ như in câu nói của cụ: "Cả đời tôi sống thanh bạch, lúc nào tôi cũng tâm niệm câu nói: "Đói cho sạch, rách cho thơm", nhặt được của rơi trả người đánh mất, nhờ đó mà con cháu ngoan ngoãn thảo hiền và tôi còn khỏe mạnh như ngày hôm nay. Không phải riêng tôi, mà người khác cũng vậy thôi, nếu trong hoàn cảnh tương tự chắc họ sẽ làm như tôi".
Lệ Thanh
Các tin khác
YBĐT - Phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và duy trì từ nhiều năm nay.
YBĐT - Với quyết tâm vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, anh Nguyễn Chí Hướng ở thôn Long Chu, xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp.
YBĐT - Nhắc đến ông Cứ A Sang ở thôn Km 21, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) là mọi người biết đến một lão nông đam mê cây sáo và chiếc khèn Mông, ông đã vinh dự được làm chiếc khèn tặng đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí lên thăm Trạm Tấu những ngày đầu năm 2013.
YBĐT - Với mong muốn giúp cho những người nông dân trong bản có việc làm, thêm thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, bà Hà Thị Nghiên ở thôn 6, xã Minh Xuân (Lục Yên) đã mày mò, nghiên cứu, trồng thử nghiệm nấm rơm và vận động nhiều hộ dân tham gia, bước đầu mang lại kết quả tốt.