Vượt khó làm giàu
- Cập nhật: Thứ ba, 16/4/2013 | 8:45:07 AM
YBĐT - Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong trào làm kinh tế giỏi của địa phương, ông Đường Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) không ngần ngại dẫn chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế dịch vụ của hội viên Hà Văn Lẳn, Chi hội Hát 1.
Ông Lẳn chăm sóc đàn lợn nái.
|
Trên con đường bê tông uốn lượn dẫn vào thôn Hát 1, ngôi nhà sàn khang trang nép mình bên vườn cây ao cá, đang mải với lứa lợn háu ăn, thấy có khách đến, ông Lẳn dừng tay, lau vội những giọt mồ hôi trên mặt và mời chúng tôi lên nhà. Nhẹ nhàng mồi lửa châm cho mình điếu thuốc lào, ông Lẳn kể cho chúng tôi nghe về quá trình khởi nghiệp của gia đình.
Cũng như bao gia đình người Thái trong xã, ngày đầu lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống thật vô cùng khó khăn. Nhà đông con, không ngành nghề phụ, xoay xở đủ nghề để kiếm sống từ làm thuê, phu hồ mà cuộc sống vẫn không khá giả hơn là mấy. Những lúc bình thường không sao nhưng khi có việc lớn hoặc đau ốm, ông lại chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền nong để trang trải.
Năm 2009, thông qua Hội Nông dân xã, ông Lẳn được vay 30 triệu đồng lãi suất ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Với số tiền được vay cộng thêm số vốn tích cóp nhiều năm của gia đình, ông Lẳn mua một con trâu làm giống, đôi lợn nái và mua máy xay xát làm dịch vụ.
Do chưa có vốn và thiếu kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, ông đã mày mò học tập qua sách báo và làm từ từ từng bước với phương châm chậm nhưng phải chắc. Vậy là những lứa lợn con đầu tiên xuất chuồng giúp gia đình ông trả được chút ít phần lãi vay. Lấy ngắn nuôi dài, khi đã có thêm đồng vốn, gia đình ông mua thêm lợn nái để cung cấp con giống cho nhân dân. Bằng cách nuôi gối, cứ đàn lợn bột này xuất bán, gia đình ông lại có đàn lợn giống khác.
Từ 2 con lợn nái ban đầu, đến nay, gia đình ông đã có 7 con lợn nái, bình quân mỗi năm xuất bán 4 - 5 lứa lợn giống, thu về gần 10 triệu đồng tiền lãi. Máy xay xát ngoài việc làm dịch vụ phục vụ nhân dân trong thôn, trong xã, vào dịp mùa màng, gia đình ông lại mua thêm thóc, ngô, sắn để phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường kiếm chút chênh lệch.
Chưa bằng lòng với những gì đã có, gia đình ông tiếp tục nấu rượu và đào ao thả cá. Bình quân mỗi ngày, gia đình ông nấu 2 nồi rượu, nhiều khi nấu không kịp bán bởi nấu rượu theo phương pháp truyền thống vừa giữ uy tín vừa tạo cho rượu đặc trưng riêng không thể lẫn. Ao cá ngoài việc cải thiện nhu cầu sinh hoạt cho gia đình, mỗi năm ông cũng thu về 5 - 7 triệu đồng từ tiền bán cá.
Sau 3 năm vay vốn phát triển kinh tế, gia đình ông đã trả được cả vốn lẫn lãi đúng thời hạn và tiếp tục vay thêm để mở rộng quy mô chăn nuôi. Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên chăn nuôi của gia đình, ông Lẳn cho biết, trước đây, khi mới về định cư, nơi này còn khá hoang sơ, vậy mà cứ làm dần dần, mỗi ngày một tý, giờ nhìn không nghĩ mình lại có thể làm được. Chỉ vào đống cột gỗ dưới sàn nhà, ông Lẳn cho biết, cuối năm nay, gia đình sẽ làm lại căn nhà sàn cho khang trang hơn. Ngôi nhà cũ vẫn tốt nhưng diện tích sử dụng ít, nhiều khi có công to việc lớn cũng rất bất tiện, dự định làm ngôi nhà mới cũng khoảng 400 triệu đồng.
Bằng ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, gia đình ông Lẳn đã trở thành một trong những hộ khá giả nhất nhì bản Hát 1 với mô hình kinh tế tổng hợp, tổng thu nhập mỗi năm trên 70 triệu đồng. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, ông Lẳn còn giúp nhiều hội viên nông dân trong Chi hội, trong xã vươn lên thoát nghèo bằng cách hỗ trợ vốn, con giống. Bình quân mỗi năm, gia đình ông hỗ trợ 5 - 10 con lợn giống cho các gia đình hội viên nghèo nuôi chia, nhờ đó đã có thêm nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo.
Phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên thoát nghèo, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình ông được nhiều người học tập và làm theo. Nhiều năm liền, gia đình ông được UBND tỉnh, các ban, ngành tặng bằng khen với thành tích trong phong trào phát triển kinh tế.
Lệ Thanh
Các tin khác
YBĐT - Thôn Luất, xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) có trên 116 hộ với hơn 460 khẩu, 50% dân số là đồng bào dân tộc Tày, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Với trách nhiệm là Trưởng thôn, anh Hoàng Đình Toản đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
YBĐT - Mô hình chăn nuôi lợn của nhà anh Cược là một trong những mô hình điển hình trong thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái), được nhiều hộ gia đình đến học hỏi kinh nghiệm. Họ là tấm gương cho những người trẻ trong thôn học tập
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Tày có truyền thống hiếu học tại thị xã Nghĩa Lộ, năm 2009, Lò Thị Hồng Vân thi đỗ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Với kết quả xuất sắc, sau khi kết thúc năm học thứ nhất, Vân vinh dự được nhận học bổng toàn phần du học tại Liên bang Nga.
YBĐT - Ông Nguyễn Văn Chỉnh ở tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên là hộ nông sản xuất kinh doanh giỏi đã được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen năm 2012.