Ngọc Bái với “Vầng trăng và cánh rừng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2013 | 8:31:36 AM

YBĐT - Nhà thơ Ngọc Bái cho ra mắt bạn đọc trường ca "Vầng trăng và cánh rừng" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành vào đúng dịp nhà thơ vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012, tạo thêm nốt nhấn trong sự nghiệp thi ca của nhà thơ người lính này.

Bản trường ca là liên khúc 3 chương với gần 1.400 câu, mang tính biểu tượng về tầm vóc, tâm hồn vị lãnh tụ kính yêu từ khi Người trở về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước đến khi toàn thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954. Tầm vóc của lãnh tụ cuộc kháng chiến gắn với cái nôi của cuộc kháng chiến kiến quốc: chiến khu kháng chiến, căn cứ địa cách mạng Việt Bắc và mốc son lịch sử của dân tộc mang chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điểm tựa cho từng khúc ca làm nền từ câu thơ chính tay Người viết: "Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là" (Ngôi sao trên đỉnh núi - khúc I); "Cúi đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai"(Trăng thề, khúc II). Còn ở khúc cuối: "Cánh rừng không nguôi gió", hình ảnh ánh trăng vàng với âm thanh đồng vọng, hòa quyện, giao cảm giữa thiên nhiên với con người: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa".

Cảm thức về tầm vóc lịch sử của dân tộc và thời đại với đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" - tinh hoa của dân tộc, linh hồn của ý chí cách mạng giải phóng dân tộc được thể hiện khá thành công, có nét độc đáo trong Vầng trăng và cánh rừng. Ngợi ca Bác là tìm ra thần cốt của người chiến sỹ cộng sản, nhà yêu nước chân chính và trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới.

Với Ngọc Bái, khúc ca trong bản trường ca đồng điệu và góp thêm những giai điệu, cung bậc mới để hòa thanh cùng nhiều nhà thơ lớn của đất nước. Cốt cách nền móng đồng thời tạo phông nền cho bản trường ca với không gian lịch sử văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tạo độ sâu về sự hóa thân, sự kết tinh ở lãnh tụ kính yêu: "Nén hương thờ phụng ông bà/ thần linh, thổ địa, ngày giỗ, ngày tết không quên/ Rau dưa muối cà không quên ông Táo/ xá tội vong nhân nhớ thập loại chúng sinh/ Có công với nước thì hiển thánh/ Có nghĩa với  dân thì hóa thần.../ Trải đao binh thờ đức Thánh Trần/ vết chân ngựa không quên ông Gióng..../Đồng bào/ khi loạn có lau cờ xung trận/ khi lâm nguy cây lá cũng hùng văn/ hàng ngàn năm chống ngoại xâm/ mới có Chi Lăng - Bạch  Đằng - Đống Đa - Vạn Kiếp...".

Vầng trăng linh diệu - sự hoàn thiện về cốt cách thi nhân ở Bác: "Người đã thức cùng trăng thao thức/ lọt qua tán lá/ ánh trăng dịu hiền.../ Trăng lay động rặng tre làng/ Trăng thơm những đêm ao sen nở ngát/ Trăng tung tăng rồng rắn trẻ thơ/ Trăng thuần khiết cùng thi nhân ngẫu hứng/ Vầng trăng thơ.../ Những vần thơ xung kích một thời/ thỏa sức ngắm trăng/ thỏa sức nghe chim rừng hót".

Hình ảnh "Già Thu" quen thuộc bên "Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng" được thể hiện bằng tầm vóc, cốt cách, tình cảm lớn ở Người: "Già Thu/ trầm ngâm/ bàn đá/ viết những lời hiệu triệu/ bằng thơ/ bằng nỗi đau/ bằng nỗi cực nhọc của người dân/ bằng lịch sử cha ông thấm vào đất/". "Cánh rừng" tràn đầy nhựa sống cho cuộc khởi sinh - thi liệu đầy sự biểu cảm được nhà thơ sử dụng thật đắc địa với "Lán Nà Lừa" - biểu trưng sự trường tồn của lịch sử và sức sống: "Như bàn tay/ nâng tất cả tiếng chim mồi xây tổ/ sàn nứa/ ống bương/ chiếc quạt lá/ có chi đáng kể/ nuôi sống con người bất tử/ lặng lẽ như rừng". Cảm ơn nhà thơ đã phác thảo chân dung Bác Hồ vừa tràn đầy hào khí của đất nước trong niềm hân hoan chiến thắng, vừa lắng đọng đau đáu nỗi niềm của lãnh tụ kính yêu:

“Toàn thắng
chiến khu reo hò
cả nước reo hò
nghẹn giọng

Trên sàn Cụ Hồ ngồi yên lặng
nhìn vách nứa
lặng im”

Phần kết của bản trường ca với khúc III  - “Cánh rừng chưa nguôi gió” - hình ảnh lãnh tụ hiện lên thật đẹp với trở thành đức tin trong cõi nhân sinh, đẹp ở hành xử, ứng xử đầy ắp tình người và kết tinh đạo lý sống giàu chất nhân văn.

Bằng sự am tường lịch sử, chiều sâu tầm văn hóa cùng sự trải nghiệm của một thời áo lính và tài năng, hứng khởi viết trường thiên về thi ca, Ngọc Bái đã đóng góp vào dòng chảy thi ca của đất nước đề tài có tầm vóc lịch sử của dân tộc và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tư tưởng, tình cảm, nhận thức mới trên nền tảng tôn trọng tính chân thực của lịch sử đã tạo nên xúc cảm mang tính nghệ thuật có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao.

Vầng trăng và cánh rừng sẽ còn ngân vọng, bền lâu: "Anh đã nghe người dân kể Cụ Hồ vui đùa cùng trẻ nhỏ/ cuốc đất bắt sâu/ hát kết đoàn đêm trăng cùng dân bản/ vui reo ca dân cày có ruộng/ vui reo ca ai cũng được học hành/ rét cùng hơ tay trên bếp lửa/ chăm từng bữa ăn, giấc ngủ chiến sỹ/ Và anh nghĩ/ lãnh tụ là vậy/ làm gì dân không tin/ làm gì kháng chiến chẳng thắng lợi".

   Lê Văn Lộc

Các tin khác

YBĐT - Ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải), ai cũng biết và thán phục anh Mùa Chồng Chua, bản Nả Háng A. Anh không chỉ là một nông dân gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn là người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Huê với trang trại gà quy mô 5.000 con/lứa.

YBĐT - Từ hai bàn tay trắng, năm 2011, chị Nguyễn Thị Huê, sinh năm 1975, ở thị trấn Nông trường Trần phú, Văn Chấn nay đã là chủ của hai trại gà với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Hảng A Tủa (phải) với tấm bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất.

YBĐT - Trong vườn hoa làm theo lời Bác đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương, điển hình trên mọi lĩnh vực của đời sống, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ và tác dụng tích cực của cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác...

YBĐT - Giải thưởng Lý Tự Trọng là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành tặng học sinh THPT có thành tích xuất sắc trong học tập, tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Cô học trò Đặng Minh Châu (Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) đã vinh dự nhận giải thưởng đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục