Sản xuất giỏi, dịch vụ hay
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 9:01:23 AM
YBĐT - Anh Đỗ Xuân Trường, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) được nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến không chỉ là một người nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn có nhiều ý tưởng làm dịch vụ hay. Sở hữu hơn 1 mẫu đất trồng rau màu, cộng thêm 1 chiếc máy tuốt lúa và máy tách hạt ngô, mỗi năm đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.
Máy tách hạt ngô giúp tiết kiệm thời gian, giảm công lao động.
|
Năm 1982, anh Trường xuất ngũ về địa phương, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống nhà nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bao khó khăn chất chồng, đất hẹp người đông, thiếu trước hụt sau, cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Quyết tâm làm giàu trên đồng đất của quê hương mình, anh đã tận dụng lợi thế đất đai sẵn có của gia đình, xác định cây trồng chính là rau màu các loại và kết hợp phát triển chăn nuôi.
Diện tích 1 mẫu đất bãi, trồng luân phiên các loại rau cải ăn lá, cà chua, dưa leo, mướp, đậu đỗ các loại... tùy theo mùa vụ và nhu cầu thị trường từng thời điểm. Giỏi thâm canh, biết áp dụng các quy trình trồng rau an toàn, anh vừa giảm chi phí vừa nâng cao năng suất, sản lượng đồng thời bảo đảm sức khỏe cũng như vệ sinh môi trường. Mỗi năm, bình quân gia đình xuất bán khoảng 80 tấn rau, giá bán trung bình 2.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu 160 triệu đồng, trừ mọi chi phí cũng lãi gần 80 triệu đồng.
Những năm đầu, do vốn ít lại chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi vài con lợn thịt. Để nắm được kỹ thuật trong chăn nuôi, anh đã không ngừng học hỏi thêm qua sách, báo, tạp chí cộng với tham gia các lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức. Quá trình chăn nuôi, anh nhận thấy, để có được lứa lợn thịt khỏe mạnh, nhanh lớn, tỷ lệ nạc cao thì việc lựa chọn con giống đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm lợn nái để vừa chủ động con giống vừa đảm bảo chất lượng đàn lợn thịt.
Anh Trường chia sẻ: “Trong chăn nuôi, quan trọng nhất là phải tiêm phòng, tẩy giun đầy đủ cho đàn lợn, làm tốt khâu chăm sóc, nuôi dưỡng. Chính vì vậy, gia đình tôi đã chủ động tìm hiểu qua sách, báo cộng với sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho lợn đúng thời điểm, liều lượng, đảm bảo đàn lợn phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh”.
Năm 2012, gia đình anh xuất chuồng 60 con lợn thịt, trọng lượng trung bình mỗi con từ 90 - 100kg, giá bán 35.000 đồng/kg đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi gần 100 triệu đồng. Hiện tại, gia đình luôn duy trì nuôi 2 con lợn nái sinh sản và gần 20 con lợn thịt.
Nhạy bén nắm bắt và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, năm 1999, anh lại bàn với vợ mua máy tuốt lúa vừa để phục vụ nhu cầu của gia đình vừa làm dịch vụ, góp phần giúp người dân giảm bớt công lao động, canh tác kịp thời vụ. Mỗi năm 2 vụ, làm dịch vụ tuốt lúa lãi gần 8 triệu đồng. Anh nhận thấy, mỗi khi đến vụ thu hoạch ngô, nông dân thường tốn nhiều công sức và thời gian để bảo quản cũng như tách hạt ngô, ảnh hưởng đến thời gian xuống giống cho vụ sau.
Năm 2005, thông qua chương trình truyền hình, anh biết hiện nay trên thị trường đã có máy tách hạt ngô nên quyết định xuống Hà Nội tìm hiểu, mua máy về sử dụng. Công suất hoạt động đạt hơn 3 tấn hạt/giờ, máy tách hạt ngô của gia đình anh đã phần nào giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, giảm công lao động và được đông đảo mọi người trong và ngoài xã biết đến, tin dùng. Trung bình mỗi năm, máy hoạt động 50 giờ, tách được 150 tấn ngô, mỗi giờ cho thu nhập 300.000 đồng, anh có lãi hơn 10 triệu đồng.
Bí quyết của anh là khi trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải tìm hiểu kỹ càng tập quán, cách chăm sóc khoa học theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cũng như tài liệu nhằm mục đích đạt năng suất, sản lượng cao và hiệu quả kinh tế lớn cho nông hộ. 3 năm liền, gia đình anh Đỗ Xuân Trường đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Minh Phượng -Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Ông Đàm Văn Phùng, 77 tuổi, đảng viên, thương binh hạng 3/4 ở thôn 7, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên (Yên Bái) là người nổi bật trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ông là người đã hiến 2.000m2 đất rừng kinh tế của gia đình để làm đường giao thông, giúp cho nhân dân thôn 6, thôn 7 đi lại được thuận tiện hơn.
YBĐT - Biết nắm lấy cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội, chị Lường Thị Hồng Chung - Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là một điển hình của người phụ nữ dân tộc năng động.
YBĐT - Theo chân chủ tịch Công đoàn Đỗ Thị Oanh - Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị, tôi đến tận nơi cô công nhân Nguyễn Thị Mai làm việc.
YBĐT - Những năm gần đây, phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển rộng khắp, trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.