Gương sáng Ngọn Lành
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 2:46:42 PM
YBĐT - Sau 5 năm chiến đấu trên đất bạn Lào, trở về tham gia công tác tại địa phương đến nay đã gần 40 năm, 18 năm liền, cựu chiến binh (CCB) Mùa A Sử được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Ông là trung tâm đoàn kết, là tấm gương vượt khó, luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần đem lại đổi thay cho thôn Ngọn Lành, xã Nậm Lành (Văn Chấn).
Ông Mùa A Sử (thứ 3 trái sang) giới thiệu mô hình trồng rừng, phát triển kinh tế của gia đình.
|
Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hoàn cảnh kinh tế cả nước nói chung vô cùng khó khăn, đặc biệt là đồng bào vùng cao. Vì miếng cơm manh áo cùng với tập tục canh tác lạc hậu, du canh du cư, 14 hộ đồng bào Mông xã Túc Đán (Trạm Tấu) đã di cư sang đầu nguồn con suối xã Nậm Lành (Văn Chấn) nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động số hộ này hạ sơn, định cư cùng đồng bào Dao thôn dưới Tà Lành, lập thôn mới có tên Ngọn Lành. Cũng từ đây, ông Mùa A Sử, dân tộc Mông, một CCB có uy tín với cộng đồng đã được bầu làm Trưởng thôn. Những ngày đầu định cư, dân bản nghèo lắm, chưa biết cách trồng cấy lúa nước.
Nguồn hỗ trợ ban đầu của các cấp chính quyền không thể thay đổi được cuộc sống của các hộ mới định cư, một số hộ đi nơi khác, số ở lại vẫn vào rừng chặt phá, thả rông gia súc, để gia súc phá hoại hoa màu, rừng sặt khoanh nuôi của đồng bào Dao, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa bản người Dao và bản người Mông. Làm thế nào để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho bà con, động viên các hộ bỏ đi quay trở lại, gạt bỏ những mâu thuẫn do tập quán sinh hoạt khác nhau để xây dựng mối đoàn kết cộng đồng… là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương và của cả Trưởng thôn Mùa A Sử cần nhanh chóng tìm ra lời giải.
Nằm trong số hộ định cư, hoàn cảnh của gia đình ông Sử cũng không khác gì bà con thôn bản. Để mọi người hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trước hết, bản thân và gia đình ông đi đầu thực hiện. Muốn định cư phải thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, phải trồng cây lúa nước để cho năng suất cao hơn, ổn định hơn, giải quyết cái đói trước mắt. Ông Sử đã vận động các gia đình đổi công tập trung khai hoang, đào mương dẫn nước, đắp bờ làm ruộng bậc thang trồng lúa nước. Có sự giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, ngay từ vụ lúa đầu tiên đã cho năng suất khá cao, ai cũng vui mừng, tin tưởng, làm theo cách ông Sử làm.
Từ mô hình trồng lúa nước của gia đình ông, đến nay, nhân dân Ngọn Lành đã khai phá đất hoang hóa mở rộng được gần 10ha lúa nước cho thu nhập ổn định. Từ thành công bước đầu, ông đã vận động mọi người không thả rông trâu, bò, lợn, gà để tránh ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Ông kiên trì đến từng gia đình chuyện trò, hòa giải, phân tích có lý có tình, bà con hai thôn Tà Lành, Ngọn Lành đã xóa bỏ hiềm khích để thông cảm, hiểu biết nhau hơn, giúp đỡ nhau, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó.
Cùng với chuyển đổi trồng lúa nương sang trồng lúa nước cho hiệu quả cao, người dân không còn lo cái đói. Muốn Ngọn Lành cũng khá giả như người Dao thôn Tà Lành vì họ có rừng trồng, ông là người đầu tiên sang Tà Lành học cách của người Dao trồng quế. Có chính sách của Nhà nước giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, ông đã tận dụng đồi hoang hóa, bắt tay vào trồng quế.
Hiện nay, rừng quế của gia đình ông đã trên 10 năm tuổi, cho thu hoạch không kém gì những rừng quế bên thôn Tà Lành. Học cách làm của ông, dân bản không còn phải ngày ngày chui lủi vào rừng chặt cây, xẻ gỗ vụng trộm đem bán kiếm sống mà giờ đây nhà nào cũng trồng quế, trồng chè, cho thu nhập ổn định, cuộc sống đi lên từ rừng trồng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Ngọn Lành hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Đường giao thông được bê tông hóa đến tận trung tâm xã và đang tỏa đi các thôn bản. Màu xanh của rừng đã trở lại. Đời sống của người dân đã bớt khó khăn hơn. Đó là niềm vui lớn của ông. Gần cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ở ông vẫn nguyên vẹn bản chất người lính Cụ Hồ năm xưa, tận tụy với công việc. Tuy trình độ còn hạn chế nhưng trời lại phú cho ông một trí nhớ tốt. Ông là nhịp cầu nối, chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến bà con thôn bản rất có hiệu quả. Mọi người tin tưởng nghe ông nói, làm theo ông.
Ông Lý Hữu An - Chủ tịch Hội CCB xã Nậm Lành đánh giá về ông Mùa A Sử -Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Ngọn Lành: "Đổi thay của thôn Ngọn Lành hôm nay là có công không nhỏ của ông Mùa A Sử. Ông luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông cũng là gương điển hình của Hội CCB xã Nậm Lành trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh những năm qua".
Lại Tấn
Các tin khác
YBĐT - Anh Đỗ Xuân Trường, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) được nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến không chỉ là một người nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn có nhiều ý tưởng làm dịch vụ hay. Sở hữu hơn 1 mẫu đất trồng rau màu, cộng thêm 1 chiếc máy tuốt lúa và máy tách hạt ngô, mỗi năm đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.
YBĐT - Ông Đàm Văn Phùng, 77 tuổi, đảng viên, thương binh hạng 3/4 ở thôn 7, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên (Yên Bái) là người nổi bật trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ông là người đã hiến 2.000m2 đất rừng kinh tế của gia đình để làm đường giao thông, giúp cho nhân dân thôn 6, thôn 7 đi lại được thuận tiện hơn.
YBĐT - Biết nắm lấy cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội, chị Lường Thị Hồng Chung - Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là một điển hình của người phụ nữ dân tộc năng động.
YBĐT - Theo chân chủ tịch Công đoàn Đỗ Thị Oanh - Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị, tôi đến tận nơi cô công nhân Nguyễn Thị Mai làm việc.