Nhà báo ấy vẫn cần mẫn
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/6/2013 | 9:39:54 AM
YBĐT - Ấy là anh Bội Đông, nguyên phóng viên Đài phát thanh khu tự trị Tây Bắc. Anh đã có nhiều bài ký hay, được anh em khen ngợi, còn được thưởng bài viết hay. Dù đã nghỉ hưu gần hai mươi năm, điều kiện đi cơ sở có hạn anh vẫn viết, viết khá đều đặn, nội dung vẫn mới, sâu sắc.
Nhà báo Bội Đông cần mẫn viết.
|
Thời ấy, đất nước còn giặc, còn đạn bom. Tôi là anh bộ đội tình nguyện Lào. Năm 1968, sau giải phóng Pa Thí ở tỉnh Hua Phằn, đơn vị tôi thu được chiếc đài chiến lợi phẩm, chưa kịp đem nộp giao cho bạn. Vốn là phóng viên, từ ngày ra chiến trường, không có báo đọc, không có đài nghe, thấy cái đài chiến lợi phẩm tôi thèm nghe vô cùng.
Trưa hôm ấy, trên nơi cảnh giới về, thấy cái đài còn đó, tôi nghĩ đến mấy đôi pin trong đèn của anh em trong tiểu đội. Tôi vừa hé ra nguyện vọng, mọi người đều đồng tình. Tôi lắp pin vào đài, bật mở máy, lần sóng. Tiếng phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên gần gũi, thân thương, tôi cảm thấy như được sống ngay tại Tổ quốc mình. Vui mừng hơn, tôi còn được nghe bài viết về quê hương Nghĩa Lộ. Đó là người công nhân sản xuất gạch Văn Hà, làm việc bằng hai vì tiền tuyến. Nghe mà tôi tự hào với anh em và nhập tâm luôn cả tác giả bài viết. Ấy là anh Bội Đông, phóng viên Đài phát thanh khu tự trị Tây Bắc. Tôi ngưỡng vọng, quý anh từ đó.
Năm 1971, tôi trở lại cơ quan cũ là Đài Truyền thanh tỉnh Nghĩa Lộ công tác. Một hôm, tôi đem chuyện nghe đài ở chiến trường và tác giả bài viết. Nghe nói đến anh Bội Đông, mọi người đều khen ngợi một cây bút vững vàng, còn viết cả ký, nhiều bài văn nghệ, văn phong mượt mà sâu sắc. Rồi đồng nghiệp nói với tôi: “Muốn gặp anh Bội Đông có khó gì. Anh ấy đang thường trú bên Báo Nghĩa Lộ đấy!”.
Thế là tôi phóng xe đạp sang, biết anh Bội Đông từ đấy. Anh là tổ trưởng phóng viên thường trú của Đài khu, có tuổi nghề, tuổi đời, lại có kinh nghiệm hơn tôi nhưng thật dễ gần gũi, thân tình. Tôi với anh gắn bó, thân thiết từ đấy. Sau này, tôi hay đi họp, đi cơ sở cùng anh. Tôi còn cùng anh đạp xe ra Cát Thịnh, ra cả Nghĩa Tâm, nơi dân mới lên khai hoang còn nhiều khó khăn, khó đi. Phải nói, anh là một phóng viên có năng lực, cần mẫn với nghề. Anh viết nhiều, đều đặn. Ngoài viết bài, tin gửi về Đài khu Tây Bắc, anh còn viết gửi cộng tác với đài, báo tỉnh, báo đài Trung ương.
Sau này, khi thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn, anh Bội Đông chuyển về báo tỉnh, rồi làm cán bộ lãnh đạo, anh vẫn cần mẫn viết. Anh vẫn coi việc viết tác phẩm báo chí là trách nhiệm, là nghĩa vụ của nhà báo.
Sau này khi đã ở tuổi nghỉ hưu, mến mộ tài năng, đức độ của anh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh mời anh tham gia. Anh đã có nhiều bài ký hay, được anh em khen ngợi, còn được thưởng bài viết hay. Dù đã nghỉ hưu gần hai mươi năm, điều kiện đi cơ sở có hạn anh vẫn viết, viết khá đều đặn, nội dung vẫn mới, sâu sắc. Anh viết về nghề nuôi ong, viết về chợ quê, về thầy giáo xưa… và nhiều bài sinh hoạt tư tưởng.
Tính từ ngày tôi nghe bài anh viết ở chiến trường, tới nay đã gần 50 năm, nhà báo ấy vẫn cần mẫn viết.
Trần Cao Đàm
Các tin khác
YBĐT - Sau 5 năm chiến đấu trên đất bạn Lào, trở về tham gia công tác tại địa phương đến nay đã gần 40 năm, 18 năm liền, cựu chiến binh (CCB) Mùa A Sử được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Ông là trung tâm đoàn kết, là tấm gương vượt khó, luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần đem lại đổi thay cho thôn Ngọn Lành, xã Nậm Lành (Văn Chấn).
YBĐT - Anh Đỗ Xuân Trường, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) được nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến không chỉ là một người nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn có nhiều ý tưởng làm dịch vụ hay. Sở hữu hơn 1 mẫu đất trồng rau màu, cộng thêm 1 chiếc máy tuốt lúa và máy tách hạt ngô, mỗi năm đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.
YBĐT - Ông Đàm Văn Phùng, 77 tuổi, đảng viên, thương binh hạng 3/4 ở thôn 7, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên (Yên Bái) là người nổi bật trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ông là người đã hiến 2.000m2 đất rừng kinh tế của gia đình để làm đường giao thông, giúp cho nhân dân thôn 6, thôn 7 đi lại được thuận tiện hơn.
YBĐT - Biết nắm lấy cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội, chị Lường Thị Hồng Chung - Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là một điển hình của người phụ nữ dân tộc năng động.