Còn sức còn cống hiến

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/7/2013 | 9:30:52 AM

YBĐT - Cứ nhắc đến ông Bùi Đức Hải - thương binh hạng 4/4 ở thôn Đồng Danh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là người ta nhớ ngay đến người thanh niên xin thêm tuổi, thêm cân để vào Nam đánh Mỹ năm 1971. Còn hôm nay, không cam chịu đói nghèo ông luôn nghĩ "Còn sức còn cống hiến" vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.

Ông Bùi Đức Hải chăm sóc đàn ong mật.
Ông Bùi Đức Hải chăm sóc đàn ong mật.

Chiến đấu trên chiến trường miền Nam, trong một lần bom Mỹ rải sập hầm trú ẩn, ông bị mảnh bom gây chấn thương sọ não cùng nhiều mảnh nhỏ găm trên tay, chân buộc phải xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1977, chuyển ngành về công tác ở UBND huyện Trấn Yên, rồi chuyển sang Xí nghiệp Nhựa thuộc Sở Công nghiệp Hoàng Liên Sơn. Ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào ông cũng vượt lên thương tật hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1993, ông về nghỉ chế độ tại thị trấn Cổ Phúc, sau đó, chuyển về sinh sống ở quê (xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên).

Cuộc sống gia đình khó khăn, vết thương cũ thường xuyên tái phát khi trái gió trở trời nhưng không vì thế mà kìm được ý chí làm giàu của người thương binh. Thấy Yên Bái là miền rừng có nhiều hoa trái, ông quyết chí chọn nghề nuôi ong lấy mật.

Chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, cần mẫn siêng năng, nhiều khi đưa ong lên tận huyện Văn Yên hay vào huyện Văn Chấn để lấy mật đã giúp ông có được thành công. Hàng năm, từ việc nuôi và tách đàn ong có từ 40 đến 45 đõ ong. Sau khi bán một nửa số đõ với giá từ 800 đến 1 triệu đồng/đõ cho thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên, số ong còn lại bình quân mỗi đõ cho 15 đến 20 lít mật, giúp gia đình thu về gần 80 triệu đồng/năm từ ong. Nhưng thu nhập trên dưới 100 triệu đồng từ nghề nuôi ong chưa làm ông thỏa chí.

Với 1.200 m2 đất vườn, ông trồng vải thiều lấy bóng mát đầu tư nuôi lợn rừng đặc sản với ý nghĩ làm cái gì mới, ít người làm sẽ dễ thành công hơn. Ngày đầu ông chỉ đầu tư mua được một đôi lợn rừng ở xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) về nuôi. Sau đó, lợn đẻ 3 đến 5 con, rồi 7 con... chủ yếu bán lợn giống cho anh em đồng ngũ và khách hàng ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sơn Tây (Hà Nội) và xã Đại Minh, huyện Yên Bình...

Thời điểm này, lợn rừng giống đắt có giá 300 nghìn đồng/kg, ông tích cực phát triển và cung cấp cho thị trường. Sau đó do nhiều người nuôi, giá lợn giống giảm dần xuống 200 nghìn, 150 nghìn, rồi 100 nghìn đồng/kg, ông quyết định thôi nuôi lợn rừng. Thành công của ông trong phát triển kinh tế là sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và biết dừng đúng lúc. Cũng thời điểm này, ông đã đầu tư xây nhà, mua xe máy và toàn bộ các vật dụng đắt tiền trong gia đình.

Rồi làng xã lại ngạc nhiên khi ông Hải cho bà con trong xóm tới phá bỏ vườn vải thiều đang tươi tốt về làm củi để lấy đất trồng ngô nuôi chim bồ câu Pháp. Đầu năm 2012, ông mua nuôi 11 đôi bồ câu Pháp ở Bắc Giang và Yên Bái để phát triển. Nhờ chịu khó nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, đàn bồ câu Pháp của ông phát triển nhanh. Đây là giống chim có trọng lượng khoảng 8 lạng/con, đẻ nhanh (45 ngày/lứa) nên có thời điểm đàn bồ câu của ông lên tới 150 đôi.

Kể từ đó đến nay, ông đã xuất 100 đôi, trong đó 40 đôi xuất cho người chăn nuôi ở thành phố Yên Bái với giá bình quân 250 nghìn đồng/đôi thu gần 40 triệu đồng. Không chỉ nghĩ đến mình, là một thương binh, Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi thôn, ông không nề hà, luôn sẵn sàng mở lòng giúp đỡ đồng đội, hội viên nghèo về kỹ thuật nuôi ong, nuôi chim cũng như vật chất.

Sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong phát triển kinh tế đã giúp ông có được thu nhập mỗi năm trên trăm triệu đồng. Cả 3 người con được học hành đầy đủ, trưởng thành đều nhờ vào nguồn thu nhập chính đáng ấy. Nhưng cái đáng quí và trân trọng hơn là những tình cảm của ông dành cho đồng đội, hội viên, bà con làng xã được mọi người ghi nhận.

Một ngày mới lại đến, người thương binh đã gửi một phần máu thịt trên chiến trường năm xưa vẫn nỗ lực vươn lên, tiếp tục cống hiến cho đời. Ngày ngày, ông vẫn cần mẫn chăm chút cho cây sưa cảnh mà ông gọi là "mảnh đời còn lại" của mình luôn xanh lá, tươi cành! 

Minh Đức

Các tin khác
Ông Thành cùng gia đình thu hoạch chè.

YBĐT - Đến thăm mô hình làm kinh tế của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành - thương binh hạng 2/4 ở thôn 4, xã Minh Quán (Trấn Yên) chúng tôi mới thấy hết ý chí và nghị lực vươn lên của ông khi chỉ còn một bàn tay.

Ông Hà Lát (trái) trao đổi cách xây dựng tổ nhân dân văn hóa.

YBĐT - Tham gia 46 trận chiến đấu, 5 lần bị thương, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng giờ ông lại làm Tổ trưởng tổ nhân dân số 13B, phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) không chút do dự dù đã mất 61% sức khỏe cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Người dân trong khu phố quen gọi ông với tên thân mật: ông tổ trưởng 50 năm tuổi Đảng. Ông tên đầy đủ là Hà Lát, người dân tộc Tày xã Kiên Thành (Trấn Yên).

YBĐT - Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Chăm lo cho thân nhân liệt sỹ, quan tâm đến thương bệnh binh và người có công đã trở thành đạo lý của cả dân tộc.

Ông Nguyễn Ngọc Mai chuẩn bị nội dung cho cuộc sinh hoạt tháng tới.

YBĐT - Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mùng 5 Tết Mậu Thân năm 1968, khi ấy, ông Nguyễn Ngọc Mai, 19 tuổi lên đường nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn Yên Ninh 2 vào miền Nam chiến đấu. Năm 1972, ông bị thương trong một trận đánh tại Thừa Thiên - Huế. Hồi phục sức khỏe, ông tiếp tục trở lại mặt trận tham gia chiến đấu và phục vụ trong quân đội. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu tại thôn Hương Lý, xã Đại Đồng là thương binh hạng 4/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục