Thầy thuốc của bản
- Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2013 | 10:27:18 AM
YBĐT - Từ những suy nghĩ trong đáy lòng mình, y sỹ Giàng A Hờ đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng tuyên truyền, trong đó, đội ngũ cán bộ của Trạm Y tế làm nòng cốt đến từng thôn, bản phổ biến cho bà con hiểu về các triệu chứng bệnh tật, không phải do trúng tà ma.
Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải được chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã.
|
Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, từng chứng kiến những hủ tục lạc hậu, khi có người bị ốm đau gia đình bệnh nhân thường mời thầy cúng, thầy mo đến chữa tại nhà, bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện. Nếu có đến cơ sở y tế thì cũng là lúc bệnh đã rất nặng, khó chữa, trong đó đã có những trường hợp tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Những cảnh thương tâm này đã làm cho cậu bé người Mông Giàng A Hờ có mơ ước sẽ trở thành người thầy thuốc trị bệnh cứu người.
Sau khi học xong THPT, Giàng A Hờ quyết tâm theo học Trường Trung cấp Y tế Yên Bái (nay là Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái). Sau những ngày miệt mài học tập, đến tháng 7/1999, y sỹ đa khoa Giàng A Hờ về nhận công tác tại Trạm Y tế xã La Pán Tẩn quê hương mình. Ban đầu mới nhận công tác, anh gặp không ít khó khăn, do người dân nơi đây còn mang nặng những hủ tục lạc hậu như: khi có người mắc bệnh người nhà tổ chức cúng đuổi tà ma, không chịu đưa đến trạm y tế hay bệnh viện để khám, đặc biệt với các cháu nhỏ và trường hợp sinh đẻ.
Với nghiệp vụ đã được trang bị, anh quyết tâm giúp người dân quê mình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy. Nhưng bắt đầu từ đâu để nâng cao được nhận thức cho trên 4.000 người dân sống định cư tại 7 thôn, bản này? Làm cách nào để thay đổi được nếp sống và tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân? Đây thực sự là bài toán khó nhưng “mưa dầm sẽ thấm lâu”, Hờ đã kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức.
Từ những suy nghĩ trong đáy lòng mình, y sỹ Giàng A Hờ đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng tuyên truyền, trong đó, đội ngũ cán bộ của Trạm Y tế làm nòng cốt đến từng thôn, bản phổ biến cho bà con hiểu về các triệu chứng bệnh tật, không phải do trúng tà ma. Khi có người bị mắc bệnh cần phải đưa đi trạm y tế khám để tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh. Các bà mẹ mang thai cũng nên đi khám thai định kỳ và lúc trở dạ cũng nên vào trạm hoặc bệnh viện để sinh nở an toàn. Chuồng trại gia súc, gia cầm phải làm cách ly nhà ở để tránh ruồi, muỗi truyền nhiễm bệnh dịch.
Ngoài ra, cần ăn chín, uống sôi và vệ sinh nơi ở để phòng tránh các loại dịch bệnh như: kiết lỵ, sốt rét, đậu mùa, đau mắt đỏ… Từ những việc làm đó, người dân đã hiểu và dần dần có ý thức giữ gìn vệ sinh, tự giác đến trạm y tế khám chữa bệnh khi ốm đau, từng bước đẩy lùi các tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Bằng sự nhiệt huyết với công việc, có lòng thương dân bản, Giàng A Hờ đã được tín nhiệm làm Trạm phó rồi Trạm trưởng Trạm Y tế xã La Pán Tẩn. Dưới sự quản lý của anh, 6 cán bộ, trong đó có 3 y sỹ, 2 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà con.
Bằng sự tận tâm của Trạm trưởng Giàng A Hờ và đồng nghiệp, từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế xã La Pán Tẩn đã khám và điều trị cho trên 1.400 lượt bệnh nhân. Anh Hờ tâm sự: “Sau quá trình được tuyên truyền, vận động từ đội ngũ cán bộ y tế, hiện nay, khi có người ốm đau là bà con đồng bào Mông nơi đây đã biết tìm đến trạm y tế xã để khám bệnh và lấy thuốc về uống, không còn tình trạng mê tín dị đoan như trước kia nữa”.
Để duy trì tốt công tác khám chữa bệnh cho dân, hàng tháng Trạm đều tổ chức họp giao ban định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động trong tháng, đồng thời có định hướng làm việc cho tháng tới. Với sự nỗ lực không mệt mỏi của anh, hiện nay người dân xã La Pán Tẩn đã yên tâm trong việc đến chăm sóc sức khỏe tại trạm. Người dân ở đây đều gọi anh Giàng A Hờ với cái tên trìu mến là “Người thầy thuốc của bản”.
Vàng Mai
Các tin khác
YBĐT - Cứ nhắc đến ông Bùi Đức Hải - thương binh hạng 4/4 ở thôn Đồng Danh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là người ta nhớ ngay đến người thanh niên xin thêm tuổi, thêm cân để vào Nam đánh Mỹ năm 1971. Còn hôm nay, không cam chịu đói nghèo ông luôn nghĩ "Còn sức còn cống hiến" vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.
YBĐT - Đến thăm mô hình làm kinh tế của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành - thương binh hạng 2/4 ở thôn 4, xã Minh Quán (Trấn Yên) chúng tôi mới thấy hết ý chí và nghị lực vươn lên của ông khi chỉ còn một bàn tay.
YBĐT - Tham gia 46 trận chiến đấu, 5 lần bị thương, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng giờ ông lại làm Tổ trưởng tổ nhân dân số 13B, phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) không chút do dự dù đã mất 61% sức khỏe cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Người dân trong khu phố quen gọi ông với tên thân mật: ông tổ trưởng 50 năm tuổi Đảng. Ông tên đầy đủ là Hà Lát, người dân tộc Tày xã Kiên Thành (Trấn Yên).
YBĐT - Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Chăm lo cho thân nhân liệt sỹ, quan tâm đến thương bệnh binh và người có công đã trở thành đạo lý của cả dân tộc.