Chào nhé công nông
- Cập nhật: Thứ năm, 6/12/2007 | 12:00:00 AM
Từ ngày 1.1.2008 tới, quyết định của Chính phủ về đình chỉ lưu hành xe công nông chính thức có hiệu lực. Trên đường sẽ không còn bóng dáng công nông, có nghĩa là sẽ bớt đi những nguy cơ tai nạn giao thông, cũng có nghĩa, rất nhiều người phải chuyển nghề, tìm kế mưu sinh mới...
|
Vang bóng một thời
Không biết chiếc xe công nông xuất hiện ở Yên Bái từ bao giờ, chỉ biết khi tôi còn bé lắm đã thấy mấy bác ở hợp tác xã lái cái xe này chở máy bơm đi chống hạn, chở phân đạm từ kho vật tư nông nghiệp huyện về phát cho xã viên. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, với cơ chế kinh tế mới, mọi loại hình dịch vụ ra đời, nhu cầu chuyên chở cũng lắm, giống như các địa phương khác, trên địa bàn Yên Bái "bùng phát" xe công nông. Nào chở cát, chở gạch, chở nông-lâm sản... Xe công nông chạy suốt từ mờ sáng đến tối đêm, khắp các vùng nông thôn đến thị xã, thành phố tỉnh lỵ.
Ông Lâm Văn Dũng, ở thị trấn Cổ Phúc, là bộ đội phục viên, vợ cũng thuộc diện tinh giản biên chế, lại nuôi hai con nhỏ, hoàn cảnh như vậy nên cuộc sống rất khó khăn. Giữa lúc bức bách thì có người mách: "Kiếm cái công nông mà chạy!". Thế là ông tậu ngay một "con" cũ nát về sang sửa lại. Thế là "bành... bạch" lên đường. Ưu thế của công nông, là đầu tư thấp, ít tiêu hao nhiên liệu, thân hình nhỏ, vào được tất cả các ngõ xóm nên chạy xe công nông rất nhiều việc.
Tại Yên Bái, do là tỉnh miền núi, nhưng có thời điểm số lượng công nông cũng tới gần 1.000 chiếc, đó là loại có đăng ký, đăng kiểm đàng hoàng. Lượng xe phát triển ồ ạt cộng với tư tưởng "xe thô sơ", "làm dịch vụ nhỏ, người lái nhọ nhem dầu mỡ, ướt đầm mồ hôi nên không ai quan tâm" nên những chiếc công nông luôn quá khổ, quá tải, chạy băng băng trên đường, nhả khói đen ngòm, các thiết bị an toàn như: phanh, đèn pha, đèn xi- nhan... đều không có, hoặc có mà hoạt động kém, người lái công nông phần lớn là không có giấy phép... |
Một chiếc công nông vào thời điểm những năm 1996 - 1997 kiếm được trăm ngàn đồng mỗi ngày, chính vì thế, mà ông Dũng nuôi được vợ và hai con đi học. Giống như hoàn cảnh ông Dũng ở Trấn Yên, hàng trăm người khác có việc làm và thu nhập khá nhờ chiếc xe công nông, có người còn trở nên giầu có vì đầu tư loại công nông đầu ngang (loại xe to) nên đã có những hợp đồng lớn hoặc lái công nông kiêm luôn dịch vụ nung vôi, bán cát, sỏi... Tóm lại, chiếc công nông thực sự là kế sinh nhai của không ít người lao động và là nguồn thu chủ yếu của hàng trăm hộ gia đình...
Nhưng với công nông thì rất nhiều chuyện. Ngoài lĩnh vực kinh tế mà công nông đem lại như đã nói ở trên thì nó đã phát sinh bao vấn đề xã hội khác. Phát triển một cách ồ ạt, có những tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang số công nông lên đến gần một vạn chiếc; thôn Cà Ngo, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có tới gần 100 chiếc công nông, xe nhiều đến thế mà ông Chủ tịch Hội Nông dân xã vẫn khẳng định lượng công nông ở xã mình chưa ăn thua gì vì xã bên có mỏ than nên lượng công nông còn gấp 2, 3 lần.
Trong muôn vàn chuyện về công nông, không thể không nhắc tới là phần lớn những chiếc công nông là xe tự chế. Với một động cơ diezel, một chiếc xe GAT 69 hay RUMANI cũ nát nằm bẹp ở đâu đó, cộng thêm một ít vật liệu, thế là một thợ cơ khí khéo tay đã cho ra đời một chiếc công nông nổ bành bạch, chạy băng băng trên đường phố và cõng theo cả tấn hàng. Tình trạng xe công nông tự chế phổ biến đến mức không ai có thể định nghĩa được hình thù chiếc xe công nông là như thế nào vì chẳng cái nào giống cái nào cả về màu sắc, kiểu dáng và tải trọng...
Xe cộ chắp vá, ý thức người lái thấp kém, hệ thống an toàn không bảo đảm... thì việc gây tai nạn là điều tất yếu. Hàng chục cái chết thương tâm, hàng trăm vụ tai nạn liên quan đến những chiếc xe công nông và nó là một trong những thủ phạm gây ra mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn ở những khu đông dân cư. Cái câu, "Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì", kể ra so sánh hơi khập khiễng, nhưng mà cũng sâu sắc lắm. Những phiền phức và tai họa do công nông gây ra vẫn cứ thế tồn tại nhiều năm và nghênh ngang trong sự "nín nhịn" của bao người. Lợi nhưng bất cập hại!...
Không ít người đã chọn ô-tô thay thế cho những chiếc công nông một thời gắn bó. |
"Sứ mạng" chấm dứt
Cách đây hơn 3 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định, từ ngày 1/1/2008 sẽ chấm dứt hoạt động của xe công nông trên toàn quốc. Vậy là, hình ảnh những chiếc xe "năng động", "sáng tạo" chạy bành bạch, nhả khói đen ngòm, tạo công ăn, việc làm, nuôi sống biết bao gia đình nhưng cũng là nguyên nhân gây ra những tai nạn thương tâm giờ đã hết.
Thay thế vào đó, là những chiếc xe vận tải nhỏ, đẹp và an toàn hơn. Đón đầu chủ trương của Chính phủ, mấy năm qua, những người có nhu cầu làm nghề vận tải đều mua sắm những chiếc ô tô chất lượng; nhiều người đã loại bỏ những chiếc công nông cũ nát của mình để mua xe ô tô chất lượng và giá thành cao hơn.
Trường hợp của ông Lâm Văn Dũng ở Cổ Phúc - Trấn Yên là một ví dụ. Biết công nông sắp đến "ngày tàn", ông đã bán chiếc xe của mình cho hàng phế liệu và chuyển nghề khác; mấy người bạn đồng nghiệp công nông ở Cổ Phúc như ông Hậu - Giang, ông Tuyến - Hoa, ông Chính - Hằng... vẫn say nghề vận tải nhưng đã tích cóp và mua được những chiếc xe ô tô vận tải nhỏ do Việt Nam chế tạo để thay thế những chiếc công nông cũ nát.
Không được may mắn và thành công để có một khoản tiền lớn đầu tư mua ô tô, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện vẫn còn gần 100 chiếc xe công nông (loại có đăng ký), gắn liền với nó là số phận, là cuộc sống của gần 100 hộ gia đình. Để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ mỗi trường hợp đổi xe công nông sang xe ô tô là 9 triệu đồng và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho người dân đổi xe vay tiền với lãi suất ưu đãi.
Ông Đào Huy Bình - Giám đốc công ty TNHH Hữu Nghị, làm đại lý bán xe cho Tập đoàn TMT với hiệu ô tô Cửu Long cho biết: "Hiện chúng tôi đang cung cấp đầy đủ các loại xe ô tô với giá cả từ 115 triệu đến hơn 600 triệu đồng. Ngoài các chương trình khuyến mãi của hãng, chúng tôi luôn áp dụng việc bán trả góp, thế chấp bằng đúng chiếc xe mua và lãi suất thấp cho các khách hàng. Được biết TMT được Chính phủ chọn làm đối tác để hỗ trợ người dân đổi xe công nông sang xe ô tô Cửu Long, khi có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng, vì quyền lợi của người dân".
Lời kết
Một vấn đề cần quan tâm, là ngoài số công nông đang lưu hành được kiểm soát thì vẫn có không ít xe không đăng ký, đăng kiểm đang hoạt động; bên cạnh đó, là tình trạng di chuyển xe công nông từ thành phố, thị xã, thị trấn về nông thôn tiếp tục hoạt động, tránh sự kiểm soát. Hy vọng rằng với sự nỗ lực của người dân, sự đa dạng về chủng loại và các chính sách bán hàng của các hãng sản xuất ô tô, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, việc loại bỏ xe công nông để thay thế loại phương tiện mới, tốt hơn, an toàn hơn sẽ được người dân đồng tình đón nhận.
Chào nhé - công nông! Tất cả, rồi sẽ chỉ còn trong tiềm thức.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Người ta bảo, sao ông giáo già ấy lại tham việc đến vậy? Gần 40 năm cống hiến chưa mệt hay sao mà nay đã ở tuổi 65, cái tuổi người ta cần được nghỉ ngơi, thanh thản thì ông lại tự vơ lấy cái sự “lao tâm khổ tứ” cho mình?
YBĐT - Tháng 8 năm 2007, cá tiểu bạc đã xuất hiện rất nhiều trên hồ Thác Bà thuộc khu vực hai xã Mông Sơn và Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Thế nhưng, loài cá này đang đứng trước nguy cơ bị đánh bắt cạn kiệt khi hàng trăm hộ dân ở ven hồ, thuộc huyện Yên Bình và Lục Yên đầu tư mua sắm vó đèn để đánh bắt...
YBĐT - Ao Ếch là 1 thôn của xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) nằm trên dải núi cao, có rừng thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và là đầu nguồn, có 57 hộ gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Kinh chung sống. 5 tháng nay, lâm tặc đã đến quấy nhiễu bà con dân bản, khai thác gỗ rừng trái phép.
YBĐT - Đã có rất nhiều nhà báo ví nghề làm báo là “nghề nguy hiểm”, “nghề nghiệt ngã”, “nghề lang bang”... Sau hơn 10 năm công tác tại Báo Yên Bái, được “thả mình” vào thực tiễn, tôi càng thấm thía với điều các nhà báo thế hệ trước đã tâm sự qua những câu chuyện vui, buồn của nghề làm báo mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu và cùng chia sẻ.