“Ngồi tù” 14 giờ trên đèo khau phạ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã có rất nhiều nhà báo ví nghề làm báo là “nghề nguy hiểm”, “nghề nghiệt ngã”, “nghề lang bang”... Sau hơn 10 năm công tác tại Báo Yên Bái, được “thả mình” vào thực tiễn, tôi càng thấm thía với điều các nhà báo thế hệ trước đã tâm sự qua những câu chuyện vui, buồn của nghề làm báo mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu và cùng chia sẻ.

Khách nước ngoài thăm quan và tìm hiểu báo chí Yên Bái tại Hội báo Xuân năm 2005.
Khách nước ngoài thăm quan và tìm hiểu báo chí Yên Bái tại Hội báo Xuân năm 2005.

Tôi xin kể lại câu chuyện về chuyến đi công tác của các nhà báo Báo Yên Bái tại huyện vùng cao Mù Cang Chải hồi đầu tháng 10/2007 vừa qua. Chúng tôi vừa lên xe thì nghe tin bão số 5 đã sắp vào đến đất liền, khu vực tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An.

Vẫn biết hoàn lưu của bão sẽ gây mưa to có thể làm sạt lở, tắc đường, lũ cục bộ ở các huyện, thị xã phía Tây của tỉnh, nhưng do tính chất công việc không thể chậm trễ được, chúng tôi vẫn phải đi. Anh Hoài Nam, Phó Tổng biên tập động viên anh em: “Các chú cứ yên tâm, đường sạt, lũ quét đã có cán bộ giao thông lo rồi. Cứ đi, nếu xảy ra lũ quét, sạt lở, tắc đường, anh em mình lại là những người đưa thông tin sớm nhất về Tòa soạn”.

Xe ô tô qua đèo Khau Phạ, nắng vàng cuối thu làm cho những thửa ruộng bậc thang của đồng bào Mông ở xã Nậm Có, Cao Phạ đang vào mùa thu hoạch thêm sức sống. Đoàn chúng tôi dừng lại trên đèo Khau Phạ để chụp ảnh, quay phim những hình ảnh sinh động của đồng bào Mông thu hoạch lúa mùa và cũng là đề phòng hôm sau mưa kéo dài cũng không lo.

Quả là dự báo thời tiết đúng thật! Ngay chiều hôm đó, trời bắt đầu mưa. Rồi 3 ngày tiếp theo ở Mù Cang Chải, mưa vẫn không lúc nào ngớt. Mưa suốt ngày đêm. Nhưng anh em chúng tôi vẫn phải chia ra thành 2 nhóm đi xã Mồ Dề và Dế Xu Phình, La Pán Tẩn... để hoạt động nghiệp vụ. Ngày thứ tư ở cao nguyên, mưa vẫn không ngớt, cả đoàn ai cũng đã hoàn thành bước đầu công việc được giao, chỉ còn phần “chế biến” nữa là xong.

Đoàn chia tay với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và khoảng hơn 9 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu “đổ đèo” Khau Phạ. Nhưng vừa mới đi được hơn 5 km thì thấy đất đá ở trên cao cứ thi nhau rơi xuống mặt đường quốc lộ 32 làm tắc đường. Chờ mãi rồi cũng thấy cán bộ giao thông đến đo đếm khối lượng và cho xe tới xúc gạt đất để thông đường.

Đến hơn 12 giờ trưa, đường cũng thông, đoàn xe lại nối đuôi nhau xuống đèo. Nhưng thật đen đủi, đến đoạn giữa đèo lại gặp một chỗ sạt lở mới, đất đá từ độ cao 50 - 70m sạt xuống làm “bay” khoảng 70m hộ lan mềm xuống vực sâu trông thật khủng khiếp! Lại sạt đường. Lại tắc đường rồi. Những viên đá nặng khoảng 5 - 10 kg cứ thỉnh thoảng lại rơi từ độ cao 60 - 70 m... bụp... bụp... xuống mặt đường.

Anh Thành - “cán bộ đường lối” tiến lên, lùi lại mà chẳng tìm được chỗ nào an toàn để đỗ xe. Oái oăm nhất là trời không hề ngớt mưa, mọi người muốn xuống xe giải quyết “việc riêng” hay thư giãn một chút cũng khó. Cả 7 anh em “ngồi tù” trên chiếc xe đau nhừ cả người, bụng thì đói meo. Thanh Phúc bật chai mật ong ra chia cho mọi người dùng thay bữa trưa. Sau 2 giờ “ngồi tù”, mới thấy cán bộ giao thông đi nghiệm thu, cắt cây gỗ đổ ngang đường để cho máy xúc gạt đất đá đi.

Sau gần 3 giờ, đường đã thông, chiếc xe tải đi trước bắt đầu chuyển bánh thì có tiếng bụp... bụp... bụp. Giật mình nhìn qua cửa kính thì thấy chiếc xe tải bị 4 - 5 hòn đá to hơn nồi cơm điện từ độ cao 70m rơi thẳng vào nắp ca-bin và thùng xe, làm méo nắp ca-bin và thủng bạt phủ trên thùng xe. Rùng mình, nghĩ dại, nếu hòn đá đó mà rơi vào xe mình thì... Thật nguy hiểm, nhưng tiến chẳng tiến được, lùi cũng chẳng lùi được vì phía sau có xe bám sát. Cả đoàn nhìn nhau không nói, nhưng ai cũng tự hiểu, thôi thì số phận phó mặc cho trời định đoạt, bởi có lo cũng chẳng giải quyết được gì!

Thoát khỏi “cửa tử” được khoảng gần 10km thì lại tắc đường tại địa phận xã Cao Phạ. Anh Quynh - Trưởng phòng Vùng cao - Bạn đọc thở dài “Kiểu này lại bị “ngồi tù” cả đêm trên đèo mất!”. Lúc này khoảng 17 giờ chiều, đoàn xe bị tắc có cả xe khách. Chờ mãi, đợi mãi chẳng thấy cán bộ giao thông đến kiểm tra, khắc phục tắc đường.

Trời bắt đầu tối. Anh Hoài Nam quyết định cho anh em đi bộ qua đoạn sạt xuống xã Tú Lệ tìm đồ ăn mang lên cho anh em ở lại trông xe. Trời vẫn mưa tầm tã không ngớt. Thật may, bốn anh em chúng tôi đều vận động được mấy thanh niên người Mông ở xã Cao Phạ làm “xe ôm” đưa xuống Tú Lệ, mua mấy thứ ăn tạm chuyển lên cho mọi người ở lại trông xe.

Bữa cơm tối đạm bạc xong xuôi, chúng tôi lại lo đến chỗ ngủ nghỉ. Các nhà nghỉ ở Tú Lệ không còn 1 phòng nào trống vì xe ngược cũng bị tắc ở đây rất đông. Nghĩ mãi, anh em quyết định đến “làm phiền” nhà anh Đàm - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã xin ngủ nhờ một tối. Biết anh em báo chí đi công tác về bị kẹt lại, anh Đàm vui vẻ đồng ý ngay và nói với vợ chuẩn bị chăn đệm. Năm anh em nằm trên nhà sàn, đệm êm, chăn ấm nhưng không ai ngủ được, vì thấy máy xúc đã lên mấy tiếng rồi mà đường vẫn chưa thông để đón Thành Trung và Văn Thành về ngủ.

Thao thức mãi, đến hơn 12 giờ đêm. Thế rồi đường cũng thông cả đoàn xe ùn ùn đổ về Tú Lệ. Thế là chúng tôi đều đã thoát cảnh “ngồi tù”.

Đúng là không gì khổ bằng “ngồi tù” trong xe tới hơn 14 giờ đồng hồ trước sự đe dọa của tử thần: trên cao thì đá, đất có thể rơi xuống và đẩy cả chiếc xe xuống vực bất kỳ lúc nào; bên dưới thì vực sâu thẳm, nếu không may thì không biết sẽ ra sao... Quả là nghề làm báo đầy nguy hiểm, gian truân, nhưng chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn để có được những tác phẩm báo chí chuyển tải thông tin kịp thời tới độc giả.

Nguyễn Giang

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục