Lâm tặc "thịt" rừng Ao Ếch
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ao Ếch là 1 thôn của xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) nằm trên dải núi cao, có rừng thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và là đầu nguồn, có 57 hộ gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Kinh chung sống. 5 tháng nay, lâm tặc đã đến quấy nhiễu bà con dân bản, khai thác gỗ rừng trái phép.
Những gốc cây bị lâm tặc đốn đổ.
|
Sau gần một tiếng đồng hồ ngồi trên xe máy, lọc khọc như đi ngựa từ trung tâm xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) ngược lên núi theo con đường mới mở còn gồ ghề, chúng tôi mới tới được thôn Ao Ếch. Thoạt nhìn, tưởng như cuộc sống ở nơi này bình yên. Nhưng trên con đường mới, từ đầu thôn đến cuối thôn, đâu đâu cũng thấy những đống gỗ có đường kính từ 30 cm đến 50 cm phân và dài từ 3 đến 6 mét đã tập kết - đó là gỗ khai thác trái phép của lâm tặc. Những người dân cho biết, nếu trời không mưa thì mỗi tuần ít nhất có từ 2 đến 3 chuyến xe lên đây chở gỗ, thậm chí, 3 đến 4 chuyến xe trong một ngày.
Ông Tráng A Lềnh - Trưởng thôn cho biết, công tác bảo vệ rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn, sau khi Nhà nước đầu tư mở con đường dài trên 10 km từ trung tâm xã về đây thì lâm tặc đã lên đây khai thác gỗ trái phép. Việc này khi mới diễn ra, ông Lềnh đã báo cáo với lãnh đạo xã, nhưng lâm tặc chỉ dừng lại được một thời gian ngắn, sau đó lại lên khai thác. Khi thôn ngăn chặn thì những người khai thác gỗ trái phép nói rằng họ đã làm việc với xã rồi (?).
Thấy lâm tặc khai thác gỗ nhiều quá, không ngăn được, ông Tráng A Lềnh phải đóng tấm bảng cấm khai thác để giữ lại 30 ha rừng nguyên sinh ngay sau nhà ông. Cùng trưởng thôn dạo một vòng qua khu rừng, chúng tôi đã thấy những cây to, nhỏ ngổn ngang giữa rừng và tiếng búa bập vào thân cây ở khu rừng bên cạnh vẫn vang lên.
Tại UBND xã Châu Quế Thượng, ông Đặng Văn Lả - Chủ tịch UBND xã, khi trả lời những câu hỏi của chúng tôi về việc lâm tặc khai thác gỗ trái phép ở thôn Ao Ếch đã nói: “Tôi chưa biết, vì thời gian này tôi đang đi học ở huyện. Rồi tôi sẽ hỏi lại các đồng chí trong xã".
Thôn ngăn chặn thì "lâm tặc" nói đã làm việc với xã rồi!?
Chúng tôi băn khoăn, đường rẽ lên Ao ếch chỉ cách trung tâm xã khoảng chừng 1 cây số, chẳng lẽ lãnh đạo xã không biết và cả việc trưởng thôn của thôn Ao Ếch đã báo cáo lãnh đạo xã, cũng không biết thật sao?
Nhớ cách đây hai năm về trước, chúng tôi đã đến Ao Ếch, diện tích nương chưa được mở rộng, những cây gỗ lớn chưa bị khai thác, suối Ao Ếch còn dư nước cho bà con chạy máy thuỷ điện nhỏ và tưới tiêu. Nhưng hiện nay, diện tích rừng tự nhiên đã bị chặt phá lấy đất làm nương rẫy, bà con chưa kịp trồng bù lại.
Việc cần làm lúc này là chính quyền xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên ngăn chặn ngay tình trạng chặt, phá rừng bừa bãi trên đỉnh núi Ao Ếch, không để lâm tặc "thịt" nốt những cánh rừng còn lại ở đây!
Cần ngăn chặn tình trạng rừng "Ao Ếch" tiếp tục bị ăn thịt.
Đ.H
Các tin khác
YBĐT - Đã có rất nhiều nhà báo ví nghề làm báo là “nghề nguy hiểm”, “nghề nghiệt ngã”, “nghề lang bang”... Sau hơn 10 năm công tác tại Báo Yên Bái, được “thả mình” vào thực tiễn, tôi càng thấm thía với điều các nhà báo thế hệ trước đã tâm sự qua những câu chuyện vui, buồn của nghề làm báo mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu và cùng chia sẻ.
YBĐT - Mang cái bụng to sắp đến kỳ sinh nở, hai tay ôm chặt đứa con gái đầu lòng gần ba tuổi, mắt Len nhòa lệ, nhìn theo chiếc xe phủ đầy lá ngụy trang, trên thùng xe chật ních thanh niên nhập ngũ và những bàn tay vẫy vẫy.
YBĐT - Là một trạm kép, có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu về khí tượng, thuỷ văn để giúp cho việc dự báo thời tiết, lũ các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đối mặt với nước và trời, đã mấy ai biết đến gian truân của nghề “lặng lẽ” khí tượng - thuỷ văn ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
YBĐT - Để đưa một xã vùng cao đi lên quả không không phải dễ. Toàn xã có tới 99% là dân tộc Mông sinh sống, chịu ảnh hưởng của nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, địa bàn cách xa trung tâm huyện... Nhưng rồi, cả xã Phình Hồ cùng xắn tay vào cuộc với sự chỉ đạo, trợ giúp của huyện, tỉnh.