Hồ Thác Bà: Có giữ được nguồn cá tiểu bạc

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tháng 8 năm 2007, cá tiểu bạc đã xuất hiện rất nhiều trên hồ Thác Bà thuộc khu vực hai xã Mông Sơn và Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Thế nhưng, loài cá này đang đứng trước nguy cơ bị đánh bắt cạn kiệt khi hàng trăm hộ dân ở ven hồ, thuộc huyện Yên Bình và Lục Yên đầu tư mua sắm vó đèn để đánh bắt...

Ngư dân kéo vó đêm đánh bắt cá tiểu bạc tại khu vực xã Phúc Ninh (Yên Bình).
Ngư dân kéo vó đêm đánh bắt cá tiểu bạc tại khu vực xã Phúc Ninh (Yên Bình).

Đi hồ xem ngư dân đánh cá

 Dự án nuôi cá tiểu bạc trên hồ Thác Bà do Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái liên doanh với Công ty TNHH Công Mậu, Gia Phong, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được thực hiện từ năm 2002. Dự án đã đầu tư trên 3 tỷ 457 triệu đồng để ươm nuôi trứng cá tại xã Mông Sơn và Phúc An (Yên Bình).

19 giờ ngày 10/11/2007, chúng tôi rời cảng Mông Sơn lên tầu của anh Quân - một ngư dân ở xã Mông Sơn (Yên Bình), ra khơi xem dân ta đánh bắt cá tiểu bạc. Trời đầu đông đã lạnh. Các chủ tầu đã cập bến Mông Sơn về nghỉ để hôm sau đi thu gom tôm, cá. Đáng ra, anh Quân đã được nghỉ ngơi như các chủ tầu khác, nhưng vì chúng tôi  và một chủ mua tôm, cá ở thị trấn Yên Bình có lời nhờ nên anh vẫn ra khơi khi trời tối đen như mực.

 

Kinh nghiệm nhiều năm lái tầu trên hồ đã giúp anh có được kỹ năng đi đêm hàng chục ki-lô- mét không cần đèn. Tầu rời cảng Mông Sơn được khoảng 20 phút, bỗng nhiên, vùng hồ phía sau mỏ đá Mông Sơn xuất hiện những ánh đèn xanh, vàng nhạt...

- Có phải vó đèn không? Tôi hỏi.

- Đúng. Vó đèn đấy - anh Quân đáp.

- Tôi nghe nói gần sáng mới cất cá, sao lại bật đèn sớm thế?

- Trời bắt đầu tối họ đã bật đèn rồi, họ bật thế để cá tiểu bạc thấy ánh sáng tụ về.

 

Anh Quân dứt lời, tôi đếm xung quanh có khoảng trên 20 đèn, mỗi đèn là một vó đặt cách nhau từ 200- 500 m. Nếu như đi ban ngày khó có thể đếm được số lượng vó đèn ở khu vực này! Vượt qua dãy núi đá thuộc mỏ đá Mông Sơn, trời lại tối đen như mực. Tốc độ của tầu vẫn đều đều khoảng 5 km/h. Khu vực này bắt đầu có một số tầu đi lại, anh Oanh - chủ thu mua cá đi cùng tầu phải lên trước mũi để dùng đèn pin xi-nhan.

 

 

Cá tiểu bạc được đánh bắt cùng các loại cá khác

Đi thêm khoảng 30 phút, chúng tôi bỗng lạc vào giữa một “thành phố nổi”. Ánh đèn lung linh toả sáng khắp một vùng dễ đến vài héc ta... Trời đang tối đen, nhờ có ánh sáng của vó đèn từ khu vực Cửa Kẹm, Cửa Biệt, Gò Miếu, hang Dơi (địa phận xã Mông Sơn) lên đến khu vực núi Chàng Rể (xã Phúc Ninh) nên đi đến đâu chúng tôi cũng đều có thể quan sát được.

 

Anh bạn đồng nghiệp cùng đi đếm sơ qua ở khu vực này cũng có gần 40 vó đèn. Các vó đèn của ngư dân ở đây cũng chủ yếu thắp bằng bóng nê-ông. Chủ vó nào có tiền thì đầu tư máy nổ phát điện để thắp bóng từ 300- 500W, ít tiền hơn thì dùng ắc quy và một bộ “kích” điện để thắp đèn 100- 200W, “dỗ” cá tiểu bạc vào vó.

 

Dừng lại quan sát ở khu vực Gò Miếu, Cửa Biệt, Cửa Kẹm một hồi, chúng tôi tiếp tục ngược lên khu vực núi Chàng Rể (xã Phúc Ninh) để cùng ngư dân cất cá tiểu bạc. Hai khu này cách nhau khoảng 3 km nhưng “thành phố nổi” ở khu núi Chàng Rể đẹp và lung linh hơn nhiều! Anh em chúng tôi nhìn ra bốn phía để đếm vó đèn: 70 vó đèn cả thảy!

 

 Hiện nay mỗi ngày gia đình anh Oanh thu mua từ 70 - 80kg các tiểu bạc đem đi Hà Nội tiêu thụ.

Ghé tầu vào bè vó đèn của anh Vũ Hồng Chung - một ngư dân ở thị trấn Yên Bình chuyên tìm đánh cá tiểu bạc, anh “hồn nhiên” mở nhật ký đánh bắt của mình cho chúng tôi xem. Anh tâm sự: “Trước đây, em chỉ cất cá tép dầu tại gần cảng Mông Sơn, đến đầu tháng 6/2007, thấy cá tiểu bạc vào lẫn cá tép dầu, bọn em không biết là cá gì nên loại ra cho gà, ngan, vịt ăn. Khoảng giữa tháng 8/2007, thấy nhiều người đánh vó đèn được khá nhiều cá tiểu bạc, có mẻ cất được 20-30 kg, bán với giá 20.000 đồng/kg. Thấy vậy, em bỏ cất cá tép dầu chuyển vó ra khơi để cất cá tiểu bạc. Lúc đầu cũng chỉ được 5-7 kg/mẻ vó, bán với giá từ 35-40.000 đồng/kg ngay tại bè vó. Mẻ vó em trúng nhất là đêm hôm 5/9/2007, trời mưa mặt hồ tối đen nên em cất 1 mẻ được 152 kg. Hôm tiếp theo, 1 mẻ được 70kg và những hôm sau nữa giảm dần xuống 30 kg- 20 kg rồi 7- 10 kg. Cất không được nhiều nữa là do các hộ dân đánh cá ở Mông Sơn, Mỹ Gia, Phúc Ninh, Xuân Lai, Yên Thành, thị trấn Yên Bình kéo lên đánh bắt nhiều quá!”.

 

Ngồi trò chuyện với anh Chung đến 22 giờ 30, các ngư dân bắt đầu cất mẻ vó đầu tiên. Thật buồn, mẻ lưới đầu tiên chỉ được hơn 4 kg cá, trong đó, cá tiểu bạc chỉ hơn 0,6 kg. Anh Chung bảo, đêm qua anh cất còn được 8 kg, nhưng không hiểu sao hôm nay lại được ít thế! Thông thường, các chủ vó đèn chỉ cất từ 1-2 mẻ/ đêm. Mẻ thứ nhất, cất vào khoảng 22- 23 giờ; mẻ thứ hai cất vào 4-5 giờ sáng.

 

Mỗi vó bè đầu tư từ 10-13 triệu đồng. Nếu dùng máy nổ phát điện như bè vó của anh Chung thì mất 13 triệu đồng, còn dùng ắc quy thì phải đầu tư từ 8-10 triệu đồng và tuỳ vào kích cỡ vó rộng 18x20, hay là 25x25. Nhưng, tất cả các bè đều có một điểm chung là đều dùng từ 60-70 cây lộc ngộc và cây diễn (tre) và dùng tời kéo 4 góc vó lên khỏi mặt nước 2 m thì dùng thuyền nan dồn cá về một phía, sau đó đổ cá vào thuyền. Cất xong mẻ vó của anh Chung, chúng tôi quay lại khu vực Cửa Kẹm, Cửa Biệt, Gò Miếu (Mông Sơn) để quan sát ngư dân cất vó. Tại khu vực này mẻ đầu tiên của anh Công và anh Tuyền cất cũng chỉ được  4-5 kg cá, chủ yếu là cá tép dầu, còn cá tiểu bạc chỉ được trên 1 kg.

 

Tạm chia tay với các ngư dân ở khu vực này, chúng tôi quay lại bè vó của anh Chung để neo tầu chờ anh cất mẻ vó vào lúc 4 giờ sáng. Đêm trên hồ thật buồn tẻ, gió thổi vù vù, tiếng máy nổ đều đều, nhạt nhẽo. Những cơn gió lạnh người, tưởng chợp mắt được nhưng cứ 15 phút lại nghe tiếng “bụp, bụp...” của ai đó đánh mìn.

 

4 giờ sáng, chúng tôi vục dậy, đi tầu xuống khu vực Cửa Kẹm, Gò Miếu tìm đến bè vó của anh Hai ở thị trấn Yên Bình mới đầu tư để xem anh cất mẻ thứ hai. Mẻ cá của bè vó anh Hai cũng chỉ được trên 4 kg cá tiểu bạc, cộng cả hai mẻ được trên 7 kg. Nhưng cũng may cho anh Hai, là từ hôm 9/11, do trời nhiều sao, sản lượng đánh bắt giảm nên một số chủ thu gom cá tiểu bạc đã tăng giá thu mua lên 50.000 đồng/kg tại bè vó. Ngay cả anh Oanh - cùng đi với chúng tôi, cũng phải chấp nhận mua với giá đó do các chủ khác tăng giá.

 

Cất xong mẻ vó của anh Hai, tầu chúng tôi lại về cất tiếp mẻ vó của anh Chung ở gần núi Chàng Rể. Mẻ vó thứ hai của anh Chung cũng chỉ được trên 1 kg. Anh Chung buồn rầu nói: “Có lẽ, hôm qua tầu Trung tâm Thuỷ sản đưa các bác ở Bộ Nông nghiệp và PTNT đi khảo sát làm động, nên cá không vào”... Chắc là không phải thế - chúng tôi nghĩ vậy.

 

Đừng “bạc”với cá tiểu bạc!

Ngày 15/10/2007, UBND tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 2036/UBND- NLN “Về việc đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cử chuyên gia kỹ thuật về thuỷ sản giúp tỉnh Yên Bái đánh giá tình hình và giải pháp khai thác cá tiểu bạc trên hồ Thác Bà”; ngày 23/10/2007, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 2109/UBND- NLH chỉ đạo về việc “Quản lý tình hình khai thác, tiêu thụ sản phẩm cá tiểu bạc trên hồ Thác Bà”.

 

Ai cũng biết, không bỗng dưng mà cá tiểu bạc tự sinh sôi, phát triển nhiều như hiện nay trên hồ Thác Bà. Nhưng hàng trăm hộ dân đang tự ý đánh bắt loài cá này thì không cần biết đến việc chúng sẽ tồn tại bao lâu dưới lòng hồ. 

 

Anh Bùi Văn Oanh - chủ hộ có thâm niên thu mua tôm, cá ở hồ Thác Bà cho biết: “Tôi làm nghề thu mua tôm, cá hồ đã trên 10 năm rồi. Từ tháng 9/2007, thấy ngư dân đánh bắt được nhiều cá tiểu bạc, tôi cũng thu mua thử vài chục kg về Hà Nội bán, tiêu thụ được, lại thu mua cho ngư dân. Những hôm sáng trăng, hoặc trời nhiều sao, chỉ mua được 70-120 kg; hôm nào mưa trời tối đánh bắt được nhiều thì cũng thu mua được 170-180 kg. Nhưng đấy mới chỉ được khoảng 1/3 sản lượng đánh bắt được vì còn một số chủ khác cũng thu mua như tôi. Thời gian đầu mua giá 35-40.000 đồng/kg, bán được từ 50-60 ngàn đồng/kg, nhưng mấy hôm nay giá lên 50 ngàn đồng/kg cũng vẫn phải mua cho dân”.

 

Như vậy, sản lượng đánh bắt cá tiểu bạc mỗi ngày có thể đạt từ 300-500 kg.

 

Ngày 2/11/2007, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn về các biện pháp quản lý nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác Bà, nhất là việc quản lý, bảo vệ, khai thác cá tiểu bạc. Tỉnh đã yêu cầu Trung tâm Thuỷ sản và chính quyền địa phương ở hai huyện Yên Bình, Lục Yên phối hợp với các cơ quan chức năng cấm triệt để việc dùng lưới mắt dày, vó đèn để đánh bắt cá, trong đó có cá tiểu bạc. Nhưng, ngày nối ngày, người dân vùng ven hồ vẫn đầu tư thêm vó đèn để đánh bắt, làm cho loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế khá cao này đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

 

Đã đến lúc, Trung tâm Thuỷ sản và các ngành chức năng của tỉnh, huyện Yên Bình, Lục Yên thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, ngăn chặn ngay việc dùng máy kích điện, vó đèn, lưới mắt dày để khai thác thuỷ sản, nhất là cá tiểu bạc. Cũng cần thiết có sự đánh giá đúng đắn về trữ lượng, khả năng sinh sản của cá tiểu bạc ở hồ Thác Bà để khẳng định một hướng đi mới trong khai thác tiềm năng nuôi, trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao trên hồ Thác Bà. 

Đừng bạc với cá tiểu bạc 

Nguyễn Giang - Phong Sơn

Các tin khác
Những gốc cây bị lâm tặc đốn đổ.

YBĐT - Ao Ếch là 1 thôn của xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) nằm trên dải núi cao, có rừng thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và là đầu nguồn, có 57 hộ gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Kinh chung sống. 5 tháng nay, lâm tặc đã đến quấy nhiễu bà con dân bản, khai thác gỗ rừng trái phép.

Khách nước ngoài thăm quan và tìm hiểu báo chí Yên Bái tại Hội báo Xuân năm 2005.

YBĐT - Đã có rất nhiều nhà báo ví nghề làm báo là “nghề nguy hiểm”, “nghề nghiệt ngã”, “nghề lang bang”... Sau hơn 10 năm công tác tại Báo Yên Bái, được “thả mình” vào thực tiễn, tôi càng thấm thía với điều các nhà báo thế hệ trước đã tâm sự qua những câu chuyện vui, buồn của nghề làm báo mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu và cùng chia sẻ.

YBĐT - Mang cái bụng to sắp đến kỳ sinh nở, hai tay ôm chặt đứa con gái đầu lòng gần ba tuổi, mắt Len nhòa lệ, nhìn theo chiếc xe phủ đầy lá ngụy trang, trên thùng xe chật ních thanh niên nhập ngũ và những bàn tay vẫy vẫy.

Quan trắc khí tượng ở Trạm khí tượng - thuỷ văn Mù Cang Chải.

YBĐT - Là một trạm kép, có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu về khí tượng, thuỷ văn để giúp cho việc dự báo thời tiết, lũ các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đối mặt với nước và trời, đã mấy ai biết đến gian truân của nghề “lặng lẽ” khí tượng - thuỷ văn ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục