Trở lại Púng Luông

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Lâu rồi, tôi mới có dịp trở lại Mù Cang Chải. Mọi thứ đã đổi thay nhiều quá. Con đường lên huyện, giờ trải nhựa phẳng lỳ. Xe chạy từ thành phố Yên Bái tới trung tâm huyện chỉ mất 4 giờ đồng hồ. Ước mơ về một con đường đẹp lên xứ Mù Cang, xưa nghe viển vông, nay đã là hiện thực.

Ngày hội mở đường của đồng bào Mông bản Nả Háng A, xã Púng Luông, (Mù Cang Chải).
Ngày hội mở đường của đồng bào Mông bản Nả Háng A, xã Púng Luông, (Mù Cang Chải).

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 20km, ngã ba Kim nhỏ bé ngày nào, giờ đã tấp nập đông vui, nhà xây mọc lên san sát. Đồng bào Mông đã có người xuống phố mở hàng, mở quán cùng giao lưu, buôn bán. Con gà, mớ rau nương, quả Sơn Tra hái lúc cuối mùa, đầu vụ cũng được người dân mang xuống chợ.

Mải mê với ngã ba Kim của ngày mới, gần trưa, chúng tôi mới vào đến trụ sở UBND xã Púng Luông. Phó chủ tịch UBND xã Mùa A Tồng đang bận rộn giải quyết công việc.

Púng Luông có 525 hộ, trên 3.000 dân, gần như 100% dân số của xã là đồng bào dân tộc Mông. Hôm nay, Púng Luông không còn cái cảnh du canh du cư phá rừng làm nương rẫy liên miên, thay vào đó, đồng bào tích cực khai hoang ruộng nước, trồng cấy ổn định, nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, phát triển chăn nuôi… để xoá đói giảm nghèo.

Nhiều hộ dân ở Púng Luông đã làm chuồng trại kiên cố, trồng cỏ voi chăn nuôi trâu bò.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về phát triển cây chè Shan giâm cành, năm 2006, đồng bào đã cải tạo 20ha chè trung du để trồng chè Shan; năm 2007, nông dân đã trồng thay thế 10,1ha chè trung du bằng giống chè Shan giâm cành. Hiện, toàn xã đã có 380 ha chè, trong đó diện tích chè Shan là 315ha. Đây là vùng nguyên liệu quan trọng cung cấp sản phẩm cho nhà máy chè Púng Luông hoạt động ổn định. Làm việc ở xã xong, tôi cùng Mù A Tồng đi vào Nả Háng A, Nả Háng B. Thầm nghĩ, nếu kịp, sẽ đi Mí Háng Tùa Chử luôn.

Phó chủ tịch UBND xã Mùa A Tồng tạm gác công việc đưa đi bằng chiếc xe máy còn khá mới. Ì ạch vượt dốc, dốc rồi lại dốc, con đường đất mới mở đủ cho phương tiện cơ giới đi lại, chẳng một bước nào phải sử dụng tới xe “căng hải” - phương tiện hữu hiệu nhất để tới được các thôn bản vùng cao những năm về trước.

- Đường tới các bản trong xã đi tốt như thế này cả chứ anh? -Tôi hỏi anh Tồng.

- Vâng! Púng Luông có 10 bản, đều đã có đường tới tận bản, ít nhất là cũng đi được bằng xe máy rồi!

Xe vượt hết con dốc dài. Lên tới đỉnh, tọa trên mặt bằng rộng, là phân hiệu Nả Háng A - B của Trường PTCS Púng Luông. Điểm trường lẻ chỉ có hai lớp: lớp học mầm non và lớp Một. Anh Tồng giải thích: “Do địa bàn rộng, trường học ở trung tâm xã khá xa các bản, vì thế, phải mở các phân hiệu để tạo điều kiện cho các cháu được đi học mầm non.”. Cô giáo lớp học mầm non đang dạy các em bài hát mới, còn bên lớp Một là tiết học vần. Mỗi lớp học có hơn chục em. Anh Tồng nói: "Đó là những mầm non của bản, của xã đấy, chị à!".

Nả Háng A nằm khá xa trung tâm xã, hôm nay đã là ngày thứ 5 liên tục bà con trong bản tập trung làm đường. Từ xa, đã nghe tiếng cười nói rôm rả, đông vui như một ngày hội. Chị em nổi bật trong váy áo của người Mông, má ửng hồng, những nhát cuốc phầm phậm bổ xuống, rồi san, rồi gạt; cánh mày râu sức vóc thì dùng xà - beng sả ta- luy, đánh gốc, trang đất…

Anh Giàng Gà Cha - Phó Giám đốc Dự án Chia sẻ của xã đang giám sát việc làm đường của bà con cho biết: “5 ngày nay, bà con đã mở rộng gần 2 km đường liên bản nối vào con đường trung tâm xuống xã. Tổng vốn đầu tư của dự án Chia sẻ cho Nả Háng A năm 2007 được 80 triệu đồng, song lĩnh vực làm đường giao thông thì chỉ có 6,3 triệu. Mỗi ngày, có từ 70 - 80 lao động của bản đi làm đường, bà con rất hăng hái, làm đường để đón tết mà!…”.

Hôm đó, cũng là ngày lao động cuối cùng, con đường đã hoàn thành, rộng mở để xe máy đi lại dễ dàng hơn. Từ nay, thêm gần bước chân thiếu nữ Mông mỗi lần xuống chợ, để em nhỏ về học trường trung tâm xã không quá gập ghềnh vất vả, xa xôi… Đó là những đổi thay quý giá trong nhận thức của người dân về một nếp sống mới văn minh hơn, hiện đại hơn.

Cả bản Nả Háng A có 39 hộ, trên 340 khẩu nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhờ đầu tư của các chương trình, dự án, như: chương trình 134 đầu tư téc nước, đường ống nước sạch dẫn về từng hộ gia đình, hỗ trợ tấm lợp giúp nhiều gia đình xóa nhà dột nát; dự án nuôi ong lấy mật do tổ chức Bánh mỳ thế giới đầu tư cho phụ nữ; dự án Chia sẻ đầu tư cho 100% số hộ trong bản làm chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc...

Đến hộ gia đình anh Mùa A Páo, bác Mùa Chờ Say, mỗi hộ có 4 - 5 con trâu, bò đều đã làm chuồng trại chắc chắn hợp vệ sinh, có máng ăn và những thúng cỏ voi băm sẵn… Anh Mùa A Páo phấn khởi nói: "Được Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình tôi đã làm chuồng cho trâu bò, trồng cỏ voi, không thả rông như trước nữa!...".

Đây không chỉ là câu chuyện thực tế từ gia đình anh Páo, bác Say, mà hầu hết các hộ ở Nả Háng A, Nả Háng B và các bản khác ở Púng Luông đã và đang cùng thực hiện nhờ sự vận động tích cực của chính quyền và đầu tư thiết thực của các chương trình, dự án...

Qua trưa, chúng tôi mới rời Nả Háng A về. Nắng vàng bừng lên, phủ khắp núi rừng, bản làng. Vùng cao, như bừng lên sức sống mới. Một cuộc sống thanh bình, no ấm đã và đang về trên đất núi này... 

Ngọc Tú

Các tin khác
Lực lượng DQTV xã Mồ Dề diễn tập PCCC rừng.

YBĐT - Họ là những người con ưu tú không riêng của 10 thôn, bản xã Mồ Dề mà của cả 14 xã, thị trấn nơi vùng cao Mù Cang Chải bởi tính nhanh nhạy và chính xác mỗi khi triển khai những nhiệm vụ cơ động khẩn cấp. Đặc biệt, sau những lần tập trung chữa cháy rừng ở xã bạn Kim Nọi vừa qua, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) xã Mồ Dề đã thực sự chứng tỏ là một trung đội cơ động của huyện.

Từ ngày 1.1.2008 tới, quyết định của Chính phủ về đình chỉ lưu hành xe công nông chính thức có hiệu lực. Trên đường sẽ không còn bóng dáng công nông, có nghĩa là sẽ bớt đi những nguy cơ tai nạn giao thông, cũng có nghĩa, rất nhiều người phải chuyển nghề, tìm kế mưu sinh mới...

Thầy giáo Hà Ngọc Xuân (bên phải) hướng dẫn lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái và Lào Cai thăm Trường.

YBĐT - Người ta bảo, sao ông giáo già ấy lại tham việc đến vậy? Gần 40 năm cống hiến chưa mệt hay sao mà nay đã ở tuổi 65, cái tuổi người ta cần được nghỉ ngơi, thanh thản thì ông lại tự vơ lấy cái sự “lao tâm khổ tứ” cho mình?

Ngư dân kéo vó đêm đánh bắt cá tiểu bạc tại khu vực xã Phúc Ninh (Yên Bình).

YBĐT - Tháng 8 năm 2007, cá tiểu bạc đã xuất hiện rất nhiều trên hồ Thác Bà thuộc khu vực hai xã Mông Sơn và Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Thế nhưng, loài cá này đang đứng trước nguy cơ bị đánh bắt cạn kiệt khi hàng trăm hộ dân ở ven hồ, thuộc huyện Yên Bình và Lục Yên đầu tư mua sắm vó đèn để đánh bắt...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục