Đất nghèo nuôi những anh hùng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mỗi lần nghe tiếng sáo Mông dặt dìu đâu đó trên sóng phát thanh, hay mỗi khi thấy xuất hiện hình ảnh núi non hùng vĩ của Mù Căng Chải (hay Mù Cang Chải) trên kênh truyền hình VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, hẳn những người con của Yên Bái trên khắp nẻo đường đất nước sẽ rất đỗi tự hào về một vùng quê nơi chon von đầu núi.

Bản làng no ấm, ngày càng nhiều trẻ em người Mông Mù Cang Chải được đến trường.
(Ảnh: Quách Hùng)
Bản làng no ấm, ngày càng nhiều trẻ em người Mông Mù Cang Chải được đến trường. (Ảnh: Quách Hùng)

Vâng, mảnh đất Mù Căng Chải hùng vĩ ấy, nếu được gọi mỗi ngọn núi, mỗi dòng khe cùng hướng ra biển lớn là một dây đàn, thì xin được gẩy lên mỗi dây đàn của nước, của non thành những âm thanh ngân vang, mênh mang, hiên ngang và quả quyết. Bởi mỗi ngọn núi, mỗi dòng suối nơi đây đã từng nuôi lớn những cánh rừng, nuôi lớn những anh hùng và nuôi lớn những ước nguyện ngàn đời của người dân xứ núi.

Mù Căng Chải, theo giải thích của các già làng: Mù, do đọc chệch của từ Mồ (theo tiếng Mông là gỗ), Căng nghĩa là khô, Chải là chỉ một bản địa. Như vậy, Mù Căng Chải có nghĩa là vùng Đất gỗ khô. Bởi nơi đây, vào khoảng từ tháng ba đến tháng sáu thường có gió Lào thổi sang khô khốc, khí hậu thay đổi trong một ngày, lúc hanh khô, khi gió lạnh. Cũng bởi thế, khi xưa, Mù Căng Chải được coi như nơi thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc, một vùng nghèo khó. Nhưng không, Mù Căng Chải vẫn đứng đó, sừng sững, hiên ngang ưỡn tấm ngực lớn thách thức với thời gian và tự khẳng định mình trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Một Mù Căng Chải anh hùng!

 

Mù Cang Chải về đêm. (Ảnh: Hoàng Đô)

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc xứ Mù Căng đã đoàn kết một lòng, chung sức chiến đấu bảo vệ quê hương. Các đội du kích sớm được thành lập ở các xã Chế Tạo, Nậm Có, Nậm Khắt, Khau Phạ... mà danh tiếng lẫy lừng của đội du kích Khau Phạ còn vang vọng đến ngày nay. Về Khau Phạ, ta sẽ được nghe kể: lúc đầu đội du kích chỉ có 7 người thôi, họ được cán bộ Việt Minh về tổ chức thành lập. Ô, cả thống lý Giàng Khua Kỷ (thống lý của cả vùng Khau Phạ - Tú Lệ) cũng được giác ngộ thành người yêu nước, được cử làm đội trưởng đội du kích, ông đã vận động đồng bào góp súng săn cho Việt Minh, không đồng tình với Pháp lập đồn ở Khau Phạ, thế nên ông đã bị giặc bắt và đem đi thủ tiêu.

Người anh hùng Khua Kỷ hy sinh, Lý Nủ Chu đã thay thế đội trưởng, Giàng Sống Tu là em ruột của Giàng Khua Kỷ quyết trả thù nhà nên đã xung phong làm đội phó, họ luôn tìm cách phân hóa lực lượng lính bảo an ở đồn Tú Lệ và phối hợp với du kích Chế Tạo, Nậm Khắt đánh chặn địch từ Sơn La và Than Uyên sang. Lợi dụng địa hình hiểm trở của đèo Khau Phạ, đội du kích đã liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lào Cai và ngược lại. Các đội viên du kích thoắt ẩn thoắt hiện dùng súng kíp bắn tỉa, dùng bẫy đá lăn ầm ầm làm cho giặc Pháp chỉ nghe đến tên thôi cũng thấy sợ hãi và chúng không dám lập đồn ở Khau Phạ nữa.

Trong đội còn có nữ du kích Thào Thị Sua người xã Nậm Có, Sua lấy anh bộ đội ở đại đội Kim Sơn, bây giờ con cháu họ có nhiều người làm cán bộ huyện và xã đấy! Còn đội viên Sùng A Chơ sau theo bộ đội chủ lực, lên hàm đại tá, làm Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đội trưởng Lý Nủ Chu sau này làm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Tây Bắc, Giàng Sống Tu cũng làm Phó chủ tịch UBND huyện... Ô, làm việc gì họ cũng sống chết cùng bà con mình, họ thật là anh hùng! Đó là những năm Đảng và Chính phủ vận động phá bỏ cây thuốc phiện, một loại cây biệt dược siêu lợi nhuận, một nắm nhựa cây thuốc phiện bé hơn bao diêm cũng đổi được một con trâu cơ mà, giá trị tiền bạc lớn như thế ai mà không ham, nhưng cán bộ bảo phải hy sinh vật chất để cứu lấy những thế hệ tương lai, thế là người dân Mù Căng Chải nghe theo Đảng, phá cây thuốc phiện để trồng thảo quả, trồng sơn tra, trồng cây lâm nghiệp, vừa giữ đất, vừa làm giàu. Hành động ấy thật xứng danh anh hùng! Ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu phình và nhiều xã trong huyện, những vạt đồi cây anh túc xưa kia đã được thay bằng những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê hồn. Cây lúa nước đã cho nhiều bát cơm thơm nhưng cũng đang mở ra tương lai của một miền du lịch sinh thái với hình ảnh ruộng bậc thang và các sinh hoạt văn hóa dân tộc.

Không những thế, khi Nhà nước chưa chủ trương phát triển giao thông nông thôn thì Mù Căng Chải đã đi đầu trong việc vận động nhân dân tự mở đường liên xã, liên thôn, bản, chỉ bằng sức người, không nguồn kinh phí hỗ trợ, nhưng hàng năm, hàng ngàn ki-lô-mét đường đã hình thành để nối mạch giao thông, nối tình làng xã, hàng hóa lưu thương... Trong cuộc cách mạng ấy, người dân Mù Căng Chải vẫn tự hào nhắc tên những cán bộ miền xuôi lên gắn bó với đồng bào như bộ đội Nguyễn Văn Hứ, thầy giáo Hoàng Văn Lồng... Như vậy Mù Căng Chải không những được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Pháp cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Khau Phạ, Đội du kích Khau Phạ, mà Mù Căng Chải còn là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Người dân Mù Căng Chải luôn tự hào vì đã có Anh hùng lao động, bác sĩ Vàng A Sàng; có nhiều đại biểu Quốc hội như cụ Giàng A Páo, anh Lý A Sáng, anh Giàng A Chu, chị Sùng Thị Chư; có nhiều cán bộ giỏi ở Trung ương và ở tỉnh. Đến nay, hầu hết các xã có nhiều thanh niên học hết lớp 12 phổ thông, sinh viên người dân tộc Mông của Mù Căng Chải chiếm tỷ lệ cao trong các trường chuyên nghiệp ở tỉnh, nhiều lớp thanh niên có trình độ đã trở về phục vụ quê hương. Vâng, Mù Căng Chải chưa giàu vì phải gánh vác trọng trách giữ đất, giữ rừng; chưa giàu bởi điều kiện thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn thiếu, đi lại khó khăn, nhưng mảnh đất ấy đã nuôi lớn những anh hùng đích thực.

Đất nghèo nhưng người dân Mù Căng Chải sẽ không cam chịu đói nghèo. Những thế hệ anh hùng trong kháng chiến và những thế hệ anh hùng trong đấu tranh xây dựng cuộc sống mới sẽ là động lực cho thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp xây dựng một Mù Căng Chải đẹp giàu.

Nguyễn Thị Thanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục