Ngày xuân trên đất vùng ven

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Một ngày ở Bảo Hưng, tôi đã gặp những cô giáo sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này. Tôi đã nói chuyện với các thầy thuốc ở phòng khám khu vực. Họ đang trồng những cây thuốc nam để chữa bệnh cho người nông dân. Dưới tán lá màu xanh, tôi đã gặp mùa xuân trong ánh mắt nhân hậu của những y, bác sỹ, trong ánh mắt thơ ngây tuổi học trò của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trường mầm non xã. Rời Bảo Hưng, tôi gặp sông Hồng. Trước dòng sông, mùa xuân đã đến rất gần. Đâu đó, tiếng bước chân rộn ràng của những người dân Bảo Hưng sau một ngày lao động đang trở về làng quê ấm áp của mình với ước mơ cuộc đời sẽ có nhiều thay đổi. Cuộc sống mới rõ là đang hiện sinh trên mảnh đất này.

Sắp sửa giêng hai. Thầm nghĩ vậy, tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường bê tông nối thành phố Yên Bái tới trung tâm xã Bảo Hưng (Trấn Yên), vùng đất chỉ cách thành phố một con sông. Buổi sớm, trong cái giá lạnh của mùa đông, ngược những đoàn người đổ về thành phố với đủ nghề kiếm sống, tôi rẽ vào một quán hàng ở trung tâm xã.

Bà chủ tầm trung tuổi vốn là người hiếu khách, đã tiếp chúng tôi bằng ấm trà Bát Tiên, loại chè vừa mới có ở đất Bảo Hưng vài năm nay mà đã nổi tiếng khắp vùng. Chè Bát Tiên khi uống có vị chát ngọt, mát ở đầu lưỡi, mỗi lần thưởng thức có cảm giác được tận hưởng mùi thơm thanh khiết, dịu dàng như đươc chiết xuất từ cây rừng. Sau một hồi trò chuyện, tôi vỡ lẽ, chị là vợ ông Tiến – Trưởng ban Tài chính xã.

Nhớ lại một lần vui chuyện ông Tiến nói với tôi: “Dân Bảo Hưng vốn có thâm niên trồng chè, cả xã có 1.000 ha đất, thì chè chiếm 214ha. Cách đây 70 năm, cây chè đã có mặt ở Bảo Hưng, ngày ấy chè không chỉ ở đồn điền ông Cai Tám, ông Ký Thự mà còn rải rác ở các nhà dân. Theo thống kê của xã thì vào năm 1945 xã đã có 3,5 ha chè”.

Ngay sáng hôm đó, trong trụ sở UBND xã, thấy tôi vẫn còn say sưa chuyện cây chè, ông Viễn – Chủ tịch UBND xã, vốn là người lanh lợi đã cho tôi biết: “Bảo Hưng đang có cuộc cách mạng về giống chè. Chè Bát Tiên làm thay đổi cuộc sống của người dân, mới mấy năm mà quê tôi đã trồng được 50ha, giá của 1kg chè Bát Tiên tươi là 20.000đ/kg, gấp 10 lần giá chè cũ. Tại Bảo Hưng vào thời điểm này, giá chè Bát Tiên khô lên tới 150 ngàn/1kg mà không có bán. Cứ đà này, chẳng mấy chốc mà dân Bảo Hưng trở nên giàu có”. Một xã nhỏ như Bảo Hưng mà có tới 2 nhà máy chế biến với công suất 15 tấn/ngày thì đủ biết sản lượng chè ở đây lớn đến nhường nào.

Cây lúa ở Bảo Hưng cũng lạ. Năng suất giống mới gấp 2 lần giống cũ, mấy năm nay, năm nào lúa Bảo Hưng cũng đạt gần 10 tấn/ha. Với 300 ha trồng lúa, dân Bảo Hưng đủ ăn nhưng không thể làm giàu. Từ ngày có cầu Yên Bái, đường lớn mở đến tận xã, dân Bảo Hưng thi nhau ra thành phố làm đủ mọi nghề: thợ xây, thợ sắt, thợ hàn, thợ mổ trâu bò, gia súc... Ước tính, mỗi ngày Bảo Hưng có tới 400 người ra thành phố kiếm việc làm.

-Vậy việc đồng áng thì làm sao?

Tôi đem ý nghĩ băn khoăn này trao đổi với ông Chỉnh – Phó chủ tịch UBND xã. Ông Chỉnh bảo: “Dân quê tôi bây giờ không lo cày cấy. 300 ha đất, 15 máy cày bừa tha hồ thuê. 50.000đ/sào, bằng một ngày công làm thuê ngoài thành phố. Bây giờ làm ruộng, làm nương thuê khoán hết: cày bừa thuê, gặt lúa thuê, gieo mạ nhiều nhà cũng thuê. Nhà nông bây giờ không còn vất vả như ngày xưa. Rét mướt thế này lội bùn có ủng, làm cỏ có găng tay chẳng biết giá lạnh là gì”. Thì ra, cung cách làm ăn này nông thôn giáp ranh thành phố thay đổi đã nhiều. Vốn là người sinh ra từ chân lấm, tay bùn, lâu ngày không về làm tôi đã cảm thấy mình lạc hậu.

Người dân Bảo Hưng bây giờ không chỉ sống nhờ cây chè, cây lúa. Đất rừng ở Bảo Hưng với hơn 400 ha cũng đem lại nguồn lợi cao cho nhiều gia đình. 6 năm, 1 ha rừng trồng có thể thu được khoảng 25 – 35 triệu đồng. Nhiều hộ có nhà cửa khang trang với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, cũng nhờ rừng. Phát triển mô hình kinh tế tổng hợp hẳn là hướng thích hợp đối với một xã nhiều rừng, ít ruộng như ở Bảo Hưng.

Trên đường đến Nhà máy chè Sao Việt, dừng chân ở giữa cánh đồng bốn bề là màu xanh của những cánh rừng, tôi ngước nhìn trụ sở UBND xã, ngôi nhà hai tầng trông thật khang trang nằm trên một quả đồi đối diện. Bất ngờ tôi hỏi Chủ tịch Viễn:

-Trụ sở to thế này có tới tiền tỷ không?

Chủ tịch cười:

-Sáu trăm hai mươi ba triệu. 260m2 xây dựng, nếu có một tỷ thì phải 400m2.

-Sao rẻ thế? -Tôi hỏi lại.

-Ở thành phố nhà to thế này phải hơn tỷ là ít. - Ông Viễn cười hóm hỉnh, đôi mắt ảnh lên vẻ tự tin -Thành phố của bác thì còn hơn nữa chứ! Quê em, cán bộ xã giám sát. Dân giám sát. Thiếu thanh sắt nào họ biết. Thiếu bao xi măng nào họ cũng biết. Từ ngày khởi công đến lúc khánh thành hàng trăm con mắt nhìn.

Anh bảo công trình còn lọt vào đâu được nữa.

Nghe anh kể tôi mới vỡ lẽ ra rằng, một thế hệ lãnh đạo ở cơ sở đã khác trước. Bảo Hưng có 8 cán bộ lãnh đạo thì cả 8 đã qua trung cấp, thế hệ kế cận đang theo học đại học có tới 3 người. Quy chế dân chủ ở đây đã được đưa vào hương ước của làng, của từng dòng họ. Ai làm sai thì có tội với làng.

Trước khi tới Bảo Hưng, tôi đã được cậu tôi kể lại, mấy năm chiến tranh chống Mỹ, nhà tôi đã từng sang sơ tán ở Bảo Hưng. Hồi ấy cả trường cấp III Yên Bái, cả cơ quan Thị ủy, Ủy ban thị xã Yên Bái đều đã vượt sông Hồng sang Bảo Hưng để tránh máy bay Mỹ ném bom. Chuyện này, tôi đã kể với cụ Lê Khắc Thọ – người được ông Cầu – Bí thư Đảng ủy xã rất tôn trọng, vì ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, lại biết cả tiếng Pháp, ông đã từng dịch thơ của LaPhôngTen. Mấy năm nay, ông có bài trên báo Nhân dân.

Vào tuổi 84, tai ông đã nặng. Như đoán được ý tôi, ông đưa tôi cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã thời ông Ngọc còn làm Bí thư. Cầm trên tay cuốn sách, tôi chợt nhận ra: Bảo Hưng là vùng đất đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ngay từ năm 1944, các đồng chí Bình Phương, Ngô Minh Loan, Đào Đình Bảng... đã có mặt ở Bảo Hưng để xây dựng Mặt trận cứu quốc, thành lập các tổ chức quần chúng tham gia kháng chiến. Rời trung tâm xã, rẽ vào các làng văn hóa, gặp màu xanh ánh lên từ những cánh rừng, những trang trại của chè, của quế, tôi bỗng nhận ra Bảo Hưng bây giờ đang có nhiều trang trại, giàu hơn gấp trăm lần những ông chủ đồn điền Hai Miến, Cai Tám, Ký Thự thời Pháp thuộc.

Một ngày ở Bảo Hưng, tôi đã gặp những cô giáo sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này. Tôi đã nói chuyện với các thầy thuốc ở phòng khám khu vực. Họ đang trồng những cây thuốc nam để chữa bệnh cho người nông dân. Dưới tán lá màu xanh, tôi đã gặp mùa xuân trong ánh mắt nhân hậu của những y, bác sỹ, trong ánh mắt thơ ngây tuổi học trò của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trường mầm non xã. Rời Bảo Hưng, tôi gặp sông Hồng. Trước dòng sông, mùa xuân đã đến rất gần. Đâu đó, tiếng bước chân rộn ràng của những người dân Bảo Hưng sau một ngày lao động đang trở về làng quê ấm áp của mình với ước mơ cuộc đời sẽ có nhiều thay đổi. Cuộc sống mới rõ là đang hiện sinh trên mảnh đất này.

Trần Ngọc

Các tin khác

YBĐT - Nậm Búng chính là nơi Lâm trường Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đóng bản doanh, đang thực hiện một dự án đầy triển vọng về cây chè Shan với diện tích 300 ha trên đất trống đồi núi trọc Gia Hội và Nậm Búng.

Hàng chục ha chè đang bị bỏ hoang tại xã Thịnh Hưng (Yên Bình, Yên Bái).

YBĐT - Người dân không có ruộng, cuộc sống cả nhà chỉ trông vào cây chè, ấy vậy mà hàng chục ha chè đang kỳ sung sức lại không có ai nhận, người dân trả chè cho Công ty chấp nhận đi làm cỏ, hái chè thuê cho người khác, dẫu rằng cuộc sống chẳng khá giả gì trong khi có rất nhiều người dân từ nơi khác đến ký hợp đồng nhận chăm sóc thu hái bán cho Công ty. Để tìm hiểu vấn đề trên chúng tôi đã về vùng chè Văn Hưng.

Bản làng no ấm, ngày càng nhiều trẻ em người Mông Mù Cang Chải được đến trường.
(Ảnh: Quách Hùng)

YBĐT - Mỗi lần nghe tiếng sáo Mông dặt dìu đâu đó trên sóng phát thanh, hay mỗi khi thấy xuất hiện hình ảnh núi non hùng vĩ của Mù Căng Chải (hay Mù Cang Chải) trên kênh truyền hình VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, hẳn những người con của Yên Bái trên khắp nẻo đường đất nước sẽ rất đỗi tự hào về một vùng quê nơi chon von đầu núi.

Ngày hội mở đường của đồng bào Mông bản Nả Háng A, xã Púng Luông, (Mù Cang Chải).

YBĐT - Lâu rồi, tôi mới có dịp trở lại Mù Cang Chải. Mọi thứ đã đổi thay nhiều quá. Con đường lên huyện, giờ trải nhựa phẳng lỳ. Xe chạy từ thành phố Yên Bái tới trung tâm huyện chỉ mất 4 giờ đồng hồ. Ước mơ về một con đường đẹp lên xứ Mù Cang, xưa nghe viển vông, nay đã là hiện thực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục