Mầm xuân Nậm Búng
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nậm Búng chính là nơi Lâm trường Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đóng bản doanh, đang thực hiện một dự án đầy triển vọng về cây chè Shan với diện tích 300 ha trên đất trống đồi núi trọc Gia Hội và Nậm Búng.
Lạ gì, tôi đã từng đi thăm những vùng chè rộng lớn, sản xuất ra các loại chè thơm ngon nức tiếng ở Lâm Đồng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang. Vinh danh cho những vùng chè đó là nhờ có các giống chè mới chọn lọc PH1, TRI 777, LDP1, LDP2, 1A, đặc biệt là các giống chè nhập nội có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan như giống chè Bát Tiên, Kim Tuyên, PT95, Keo Am Tích, Hùng Đỉnh Bạch, Ô Long, Phúc Vân Tiên, Thúy Ngọc.
Ngay ở Yên Bái này cũng có trên 13.000 ha chè, thứ nhì cả nước, trải rộng khắp các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn với nhiều giống chè nhập nội quí hiếm như thế, nhưng còn có một giống chè Việt Nam cũng rất nổi tiếng là giống chè Shan Suối Giàng – Văn Chấn, ở độ cao trên 1371 m.
Chính giống chè Shan này đã được các nhà khoa học ở Viện khoa học Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tạo giống bằng phương pháp giâm cành, giúp Lâm trường Văn Chấn đưa về thực hiện Dự án trồng chè Shan thâm canh ở xã Gia Hội và Nậm Búng.
Chuyện trồng chè tưởng thường nông, chẳng có gì đáng nói, nhưng với Gia Hội – Nậm Búng thì quả là một câu chuyện dài “nhiều tập”. Chẳng thế mà chưa kịp nghỉ sau chặng đường dài mệt mỏi, tôi đã phải ngồi dí bên bàn nước để nghe Giám đốc Phạm Mạnh Đoài kể lể say sưa về dự án chè Shan của Lâm trường.
Anh kể chuyện dự án mà như kể chuyện trong nhà mình. Đấy, diện tích đất tự nhiên cả vùng 13.494 ha, đất có rừng 8.508 ha, đất không có rừng và đất khác 4.331 ha, đất sản xuất nông nghiệp thì chỉ 653 ha. Vì thế, cuộc sống của gần 8.000 người thuộc các dân tộc Thái, Dao, Dáy, Kinh, thật sự khó khăn, nghèo đói. Làm ruộng nương không đủ ăn, nhiều người dân phải đi chặt phá rừng mà kiếm sống.
Rừng Gia Hội - Nậm Búng vốn xanh tươi ngút ngàn, dần dần hoang tàn, khiến cho đất “chảy máu”, trơ trọi. Công nhân Lâm trường Văn Chấn cùng với dân trong vùng phải mất nhiều năm mải miết vá rừng, trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
May thay, cái Dự án trồng chè Shan giâm cành đã đặt đúng chỗ đang cần cứu giúp. Lập tức, tỉnh Yên Bái và Lâm trường hỗ trợ vốn, nông dân cũng được vay vốn theo chương trình ADB, tất cả cho vùng dự án 13 tỷ 836 triệu đồng. Cũng may thay, cái vùng đặt dự án này thích hợp với giống chè Shan.
Trên thực tế mấy năm qua, cây chè Shan ở đây đã và đang thể hiện tính ưu việt của nó. Mấy chục công nhân Lâm trường cùng với hơn 4.000 lao động mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số đang mê mải với đất đai, giống má. Vì làm đất cũng có tiền, làm bầu cũng có tiền, làm giống cũng có tiền, chăm sóc cũng có tiền, bán chè Shan búp tươi càng nhiều tiền.
Người Thái, người Dao, người Dáy vùng này không còn nghèo đói nữa. Họ bắt đầu nghĩ cách làm giầu từ chính cây chè Shan. Người dân tộc thiểu số không đi chém giết rừng của mình nữa. Họ không sống bản năng như con nai con chồn trên rừng Nậm Búng - Gia Hội nữa. Họ bắt đầu ý thức phải giữ rừng, giữ môi trường sinh thái, phải mau chóng phủ xanh đất trống đồi trọc. Họ bắt đầu ý thức tiếp thu khoa học kỹ thuật vào việc chọn đất, chọn giống, cách trồng và chăm sóc cây, cách hái búp và tiếp thị bán hàng...
- Vâng, những điều ấy chắc là có trong báo cáo cả rồi! - Mãi tôi mới cắt ngang được mạch kể của anh Đoài, vẻ sốt ruột - Đến nay Lâm trường đã trồng được bao nhiêu ha? Khả năng thu hoạch thế nào?
- Từ năm 2002 đến năm 2007 được 278,34 ha. Trong đó 150 ha đã cho thu hoạch, sản lượng búp tươi đạt khoảng 400 tấn/ha.- Anh Đoài đưa tay vuốt ngược mái tóc, giọng sôi nổi.
- Còn việc chế biến?
- Mới bắt đầu thôi mà!
Anh Đoài lảng cái chuyện chế biến, liền dẫn tôi sang xem Nhà máy chế biến chè Shan Nậm Búng, ngay cạnh trụ sở Lâm trường, nhà máy mới đang ở giai đoạn1, công suất: 7tấn/ngày. Nhà máy đang ngừng hoạt động vì hết mùa búp tươi. Anh Đoài vào chỗ công nhân đang đóng gói, lấy mấy hộp chè đưa tôi xem. Chưa kịp trao đổi gì về những hộp chè Shan- sản phẩm mới nhất trong “làng” chè Việt Nam- thì anh Đoài tự lái ô tô đưa tôi đi thăm những đồi chè mới đốn.
Lên đến đồi chè, anh Đoài đứng lặng. Tôi biết anh đang chăm chắm nhìn những vồng chè đã đốn bằng lịa, chạy hun hút về phía những ngôi nhà sàn bản Thái, những ngôi nhà bản người Dao, người Dáy lẩn khuất bên vườn rừng, bếp đang tỏa khói lam lẫn vào sương chiều trắng mờ. Mơ mộng và suy tư một chút, rồi anh lại say sưa kể bao nhiêu chuyện về kỹ thuật làm chè, từ khâu chọn giống, chọn đất, thiết kế đồi chè đến việc trồng mật độ 16.000 cây/ha tiêu chuẩn, rồi chăm sóc, thu hái, vân vân.
Ô - tôi thầm nghĩ - tưởng chỉ nghề chơi mới lắm công phu, ngẫm ra, nghề nông mới thật lắm công phu. Xưa nay chỉ quen thói thưởng trà lúc vui bạn bè, khi lễ tết, cưới xin, rồi thưởng trà ở mức văn hóa cao là “trà đạo”, tôi đâu hiểu để có một chén trà thơm ngon, tinh khiết cho mình cho người, thì người nông dân đã phải năm nắng mười sương như thế nào, nhà doanh nghiệp phải thao thức, lo toan tính toán một cách tỉ mỉ và khoa học như thế nào.
Nhìn đồi chè nức mắt, tôi bỗng nhớ những lần qua đây, hơn mười cây số dọc Quốc lộ 32 từ Gia Hội lên Nậm Búng, những vồng chè mới đốn kia gặp mưa Xuân bỗng trở thành những con sóng xanh lượn tít tắp vỗ dồn mãi lên chân núi, hòa vào cái mầu xanh tít của rừng Gia Hội - Nậm Búng. Rồi đây những con sóng xanh ấy lại được nối tiếp suốt từ Chiềng Pằn - Min Nọi sang Nam Vai, từ Hải Chấn đến Nậm Cưởm - Chấn Hưng... cứ gọi là tít tắp tít tắp!
Tôi đứng ngẩn rất lâu trên đồi chè, khi nghe gọi mới quay xuống. Xuống để về xem vườn giâm cành chè Shan. Vào vườn ươm giống anh Đoài lại kể, phương pháp nhân giống là phương pháp giâm hom để giữ nguyên được phẩm chất, chất lượng tốt của cây mẹ chè Shan Suối Giàng...
Tôi ngồi xuống, đưa tay vuốt vuốt những mầm cây bên nách lá- những mầm cây chè Shan mập mạp như được phết một lớp sương rừng trắng bạc, đương trổ vụt lên trong nắng vàng hoa cải Nậm Búng.
Say sưa nên mãi tắt nắng chúng tôi mới trở về Văn phòng Lâm trường. Anh Đoài loay hoay tìm tài liệu. Tôi thì mải ngắm nghía cái hộp chè được thiết kế mỹ thuật khá hấp dẫn, có mã vạch hẳn hoi. Tôi không nói, nhưng chắc anh Đoài cũng biết hiện nay trên thị trường có bao nhiêu sản phẩm chè nổi tiếng, có uy tín cả chất lượng lẫn mẫu mã, giá cao ngất.
Sẽ phải cạnh tranh ác liệt đấy! Nhưng không sao, thị trường trong nước đã rộng, thị trường nước ngoài còn rộng lớn hơn nhiều. Bên cạnh thị trường chè ở 60 nước, ngành chè Việt Nam còn có quan hệ với Hiệp hội chè các nước Ấn Độ, Pakittan, Nga, Đài Loan, Trung Quốc, sẽ tạo nhiều cơ hội tốt cho chè Shan Nậm Búng chất lượng cao. Tất nhiên, mỗi sản phẩm đều tìm được con đường riêng cho mình. Cái tài của nhà doanh nghiệp là ở chỗ đó.
Tôi chợt ngoảnh nhìn anh Đoài, thấy mái tóc đã pha sương, nước da nâu màu nắng gió, chỉ giọng nói vẫn sôi nổi và ánh mắt, nụ cười tươi sáng. Ánh mắt, nụ cười của người giàu nhiệt huyết và đầy tự tin. Tự tin việc xây dựng chắc chắn một vùng nguyên liệu thuần chủng cây chè Shan bản địa quí giá. Tự tin việc xây dựng thành công thương hiệu Chè tuyết Shan Nậm Búng cho riêng mình. Tự tin rằng, những người dân tộc thiểu số ở đây đang được cơ hội tiến lên một trình độ cao hơn để có thể tham gia vào nền sản xuất hàng hóa, hòa nhập vào nền kinh tế thị trường, như vậy, họ chắc chắn ấm no, mai sau sẽ trở nên giầu có và văn minh. Vâng, phải tự tin thế mới là người có thể thành công trên mảnh đất đầy gian khó này.
Tự nhiên tôi ngồi lặng đi, một lúc, nâng chén trà Shan tỏa khói đặt lên môi, cái hương vị trà Shan tinh khiết, dìu dịu thơm ngọt cứ rưng rưng dâng lên. Ấy là bởi cây chè Shan suốt năm tháng uống sương sa, nắng gió của rừng núi xanh tươi Gia Hội – Nậm Búng, ăn chất khoáng và nước từ mạch ngầm đá mẹ Liparit triệu năm và từ bao nguồn sinh thủy trên núi rừng Gia Hội – Nậm Búng. Tất cả đều tinh khiết, trong lành như đất trời Gia Hội – Nậm Búng.
Thật lạ, nâng chén trà mà tôi cứ hình dung ra trước mắt những chiếc mầm cây chè Shan mập mạp như được phết một lớp sương rừng trắng bạc, đương trổ vụt lên trong nắng vàng hoa cải.
Phải rồi, đó là cái sức vươn của mầm Xuân Nậm Búng!
Hoàng Thế Sinh (Nậm Búng, bên thềm Xuân Mậu Tý 2008)
Các tin khác
YBĐT - Người dân không có ruộng, cuộc sống cả nhà chỉ trông vào cây chè, ấy vậy mà hàng chục ha chè đang kỳ sung sức lại không có ai nhận, người dân trả chè cho Công ty chấp nhận đi làm cỏ, hái chè thuê cho người khác, dẫu rằng cuộc sống chẳng khá giả gì trong khi có rất nhiều người dân từ nơi khác đến ký hợp đồng nhận chăm sóc thu hái bán cho Công ty. Để tìm hiểu vấn đề trên chúng tôi đã về vùng chè Văn Hưng.
YBĐT - Mỗi lần nghe tiếng sáo Mông dặt dìu đâu đó trên sóng phát thanh, hay mỗi khi thấy xuất hiện hình ảnh núi non hùng vĩ của Mù Căng Chải (hay Mù Cang Chải) trên kênh truyền hình VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, hẳn những người con của Yên Bái trên khắp nẻo đường đất nước sẽ rất đỗi tự hào về một vùng quê nơi chon von đầu núi.
YBĐT - Lâu rồi, tôi mới có dịp trở lại Mù Cang Chải. Mọi thứ đã đổi thay nhiều quá. Con đường lên huyện, giờ trải nhựa phẳng lỳ. Xe chạy từ thành phố Yên Bái tới trung tâm huyện chỉ mất 4 giờ đồng hồ. Ước mơ về một con đường đẹp lên xứ Mù Cang, xưa nghe viển vông, nay đã là hiện thực.
YBĐT - Họ là những người con ưu tú không riêng của 10 thôn, bản xã Mồ Dề mà của cả 14 xã, thị trấn nơi vùng cao Mù Cang Chải bởi tính nhanh nhạy và chính xác mỗi khi triển khai những nhiệm vụ cơ động khẩn cấp. Đặc biệt, sau những lần tập trung chữa cháy rừng ở xã bạn Kim Nọi vừa qua, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) xã Mồ Dề đã thực sự chứng tỏ là một trung đội cơ động của huyện.