Miền gái xinh
- Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tu hú vừa mới cất tiếng gọi bầy, những chùm vải đỏ vít cong cành, tôi đã vội đi Mường Lò. Chao ơi là nhớ! Chẳng hiểu ra làm sao nữa, vì tôi đã từng qua Mường Thanh - Mường Than - Mường Tấc nhưng chẳng mường nào để thương để nhớ thật nhiều trong tôi như Mường Lò.
Ảnh Quang Tuấn
|
Thế nên vừa vượt đỉnh dốc Thái Lão, không kịp nghỉ ngơi, tôi đã ào vào cái biển lúa vàng mênh mông. Rồi một mình tôi lững thững ra ngắm dòng Thia- dòng suối mát lành và trữ tình đến nỗi đã trở thành thi ca- nhạc- hoạ của bao nghệ sỹ. Dòng suối Thia chẳng hiểu chứa đựng chất gì của trời đất mà tắm cho da con gái Thái Mường Lò cứ trắng hồng, mà tưới tắm cho cả cánh đồng Mường Lò những 2.400 ha bốn mùa lúa ngô xanh tươi, hạt mẩy, gạo trắng thơm ngon nức tiếng cả nước, đến nỗi trở thành thương hiệu "Gạo cô gái Mường Lò".
Bây giờ đầu hạ, nước dòng Thia còn xanh trong. Tôi men theo dòng Thia xuống Noong Ỏ. Đứng ngay ven ngã ba suối- nơi hợp lưu rộng lớn của suối Nhì và suối Thia, tôi mải xem mấy chàng trai lưng trần quăng chài. Cả chục chiếc mảng quây thành vòng tròn, rồi một- hai- ba, cả chục chiếc chài bung lên trời những cái vòng tròn tựa như những chiếc dù, trong chớp mắt, ụp cả mặt trời đỏ xuống dòng Thia. Khoái không thể tả được! Quăng chài quây trên dòng suối Thia là một thú đam mê của các trai bản Thái đấy.
Dõi theo mấy chiếc mảng vòng sang bờ bên kia, tôi giật thót khi nhìn thấy mấy thiếu nữ Thái eo vai để trần, đương xoả mái tóc mướt xanh xuống dòng nước lấp loá ánh chiều. Ôi dô! Sao các em hồn nhiên đến thế! Tôi biết, chốc nữa các em còn tắm nữa kia, tắm không áo váy, thoả mái cho dòng suối nguồn mát lành thấm đẫm da thịt trắng hồng một thời con gái. Chả thể đứng mãi đây, tôi đành chân thấp chân cao, vội quay về, cũng bởi tối nay nhà anh bạn tôi có cuộc vui xoè mừng cơm mới.
Tôi về đến bản Cò Nòong thì trăng cũng vừa nhô lên khỏi đỉnh núi Phình Hồ. Ánh trăng đổ vàng lênh loáng khắp bản. Ba hũ rượu cần đã xoè cong cần như hoa cúc giữa khoảng sân còn đương vương rối thóc rơm. Một lúc thì các em gái bản ríu rít kéo nhau tới, chẳng khác gì đàn bướm xinh rập rờn bay từ đồng lúa vàng vào bản. Chúng tôi ra chào. Em Sương. Em Nhình. Em Ban. Em Hương. Em Xạ. Em Na. Em Thương... Ôi dô! Toàn các em gái chưa tằng cẩu- chưa búi tóc tức là chưa có chồng, xinh tươi như hoa ban mùa xuân ấy.
Các em mời chúng tôi vào vòng cần. Chào nhau vài mút rượu cần đã. Các em gái nhoẻn cười, sờ tay vào yết hầu mỗi người xem có mút cần thật không. Chừng đã chuếnh choáng, các em gái cầm tay chúng tôi nối vòng xoè. Lập tức, trống cắc tùng - cắc tùng tùng. Chiêng xèng xùng xèng - xùng xèng. Khèn te tò tí - te tò tí. Lời khắp ngoài kia cất lên à - ơi - ời - ời. Vòng xoè giăng giăng, ríu rít, nghiêng ngả, miên man. Mọi người đang say xoè thì tôi dứt khỏi vòng xoè, lên nhà sàn xem các em nấu nướng. Bếp lửa rực hồng cho thêm hồng đôi má các em.
Tôi sà vào cạnh bếp lửa, xem. Một em đang đặt mấy pa pỉnh tộp (cặp cá nướng) trên than hồng, toàn cá chép to bằng bàn tay. Một em khác đang lật giở mấy cặp cá sỉnh- một thứ cá suối chuyên ăn rêu suối Thia và suối Lung, mình xám chỉ to bằng ống trúc, miệng tẹt bằng, ngon nổi tiếng cả vùng Tây Bắc. Than hồng đốt cho cá căng thịt, mỡ chảy xuống than xèo xèo, bốc khói thơm nức, khiến tôi ứa nước miếng. Một em phía bên kia bếp than đang gói mấy gói cay hỉn (rêu đá), vùi vào than hồng. Còn cái chõ gỗ trên bếp, tưởng là xôi nếp, hỏi ra mới biết là các em đang xôi phắc nhả hút (cỏ mần trầu). Khi các mâm cỗ được bày ra sàn, mọi người dừng xoè để vào cuộc rượu, tôi mới biết còn nhiều món ngon món lạ nữa, nào nó xổm héo (măng chua héo), nhưa khoai mọ min (thịt trâu để ôi đem xôi), nhưa cáy mọ (thịt gà xôi), mắc pi cuội(hoa chuối thái nhỏ), bản phắc me (lá nhội), hom sa lan (rau húng rừng), mac khén (hạt sẻn), mẳm pa (nước mắm cá)..., cũng do chính bàn tay khéo léo của các em gái Thái chưa tằng cẩu, làm ra.
Thì nhắm! Ôi giời! Ngon ơi là ngon! Vui ơi là vui! Vừa uống rượu cần, các em gái vừa khắp à ơi, lời khắp mừng được mùa, chúc tụng gia chủ những điều tốt đẹp. Tôi nghe em Ban dịch loáng thoáng, nhiều lời hay ý đẹp, nhưng tôi chỉ nhớ một đoạn. Lời rằng: Ka nị chắng dú li xương phủ luông ké/ Chắng dú li xương me luông con/ Dét óh bon nha mảy/ Xảy chết hai mương lun nha thong (Từ nay sống hãy như rồng lớn/ Sống đẹp như rồng thiêng/ Nắng trên không chớ cháy/ Đau ốm dưới trần gian chớ mắc phải!). Lời nữa: Kha nị khảu lậu nháư nha mong/ Nả coong luôn nha xẩư/ Kin lẩu tánh tị/ Y y tua phén din mường bản (Từ nay vựa thóc lớn chớ vơi/ Cơm coong to đừng mốc/ Rượu nồng càng đượm ân tình/ Vang vọng vui vẻ khắp mường bản).
Thế mới biết, các em gái Thái đã được các mẹ, các chị dạy dỗ thật chu đáo, từ khi chưa tằng cẩu. Dạy từ cách đi đứng, nói năng, hát múa, dệt thổ cẩm, thêu thùa, gieo trồng cấy hái, cách nấu ăn- kiểu mẹ truyền con nối, là bản sắc văn hoá làm nên cái đẹp, nét riêng, rất bền chặt của tộc người Thái. Cuộc rượu xong, lại xoè tiếp. Vòng xoè lúc hẹp lại, lúc rộng ra, các cô gái thay nhau đổi chỗ để cùng được nắm tay mỗi chúng tôi trong phút giây vui vẻ.
Càng về khuya vòng xoè càng bền chặt tha thiết. Ôi, các em gái Thái mắt lấp lánh lấp lánh sao trời mùa hạ, má hồng tươi, môi đỏ như son. Các em chưa tằng cẩu, tóc xanh mướt xoả dài tận eo lưng. Chiếc xà tích bạc cứ lóng lánh lóng lánh nơi cạp váy. Hàng cúc mắcpém lẻ đôi cứ nhúng nhính nhúng nhính. Hai cái vú nhu nhú như mầm măng vầu mới nẩy. Vào vòng xoè, tay trong tay, chân như bay đỉnh núi, mắt nhìn đắm đuối, thấy sao mà mê các em gái Thái thế, sao mà cuộc đời này đáng yêu thế. Tôi ngả nghiêng say xoè. Ôi giời, thật là sướng! Chẳng còn biết sau cái đêm xoè từ ngoài sân lên sàn, xoè rơi cả xuống chân thang, xoè từ chiều vào khuya ấy, bạn nào đã dìu tôi về ngủ lịm ở nhà khách huyện.
Vòng đại xòe đêm hội. Ảnh: Khánh Linh
Sớm hôm sau tôi vẫn còn ngơ ngẩn nhớ đêm xoè bản Cò Nòong, rồi mang cả cái ngơ ngẩn nhớ ấy đi một vòng quanh Mường Lò. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước ngôi nhà sàn Bác Hồ- nơi đồng bào miền Tây Yên Bái thờ Bác Hồ trong khuôn viên xanh biếc. Tôi nghiêng mình trước Tượng đài VICTORIA Nghĩa Lộ trên đồi cao Pú Chạng, một phút tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho Tây Bắc, cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Tôi thanh thản thả bộ trên phố núi Nghĩa Lộ nhỏ xinh như một bông hoa rừng - bông hoa rừng nở giữa mênh mông vàng lúa, giữa trùng trùng núi giăng bọc suốt từ Phình Hồ sang Suối Giàng - núi Dâng, vòng về núi Pú Lo - Pú Chạng - Túc Đán.
Tôi rẽ vào Bản Lè xem các em gái Thái dệt thổ cẩm. Tí tách thoi đưa, dệt nên muôn hình dáng và sắc màu của mây trời, núi non, sông suối, chim muông, cỏ cây, hoa lá. Rồi qua chợ Mường Lò, chợ miền Tây Bắc xa xôi nhưng không thiếu một thứ gì, từ rau cỏ núi rừng đến đồ điện tử Tây - Tầu... Tôi đảo qua các dãy hàng, từ tầng dưới lên tầng trên, cứ lẫn vào nhộn nhịp bao nhiêu là các em mua sắm, các em chơi chợ, chìm lút vào bao nhiêu là hàng quán. Nhộn nhịp lắm nhưng thôi chả chơi chợ nữa.
Tôi đi vào Cò Cọi để tắm suối nước nóng. Mới ngấp nghé bờ ruộng ở ven luỹ tre, đã thấy nhiều nhiều phụ nữ, trẻ em, cả các cô gái nữa, cứ tự nhiên cởi bỏ áo váy giữa rừng núi mà dầm mình xuống bể nước khoáng nóng..., tôi ái ngại quá, đành quay ra. Chiều về cánh đồng Cầu Thia, tôi men bờ ruộng đi sâu vào đồng lúa. Ôi giời! Mùi quả lúa chín thơm, cái mùi thơm ngọt nức, cảm nhận như mùi kẹo kéo được nhểu ra từ thứ mạch nha vàng hổ phách, cứ mê mê chép miệng, đến là thích.
Tôi phệt hẳn xuống bờ ruộng, những quả luá chín vàng cọ cọ vào má vào cổ ram ráp khiến tôi cứ phải nghênh nghênh đầu lên. Chợt con muỗm bay từ đâu ngang qua mặt, tôi giơ nhanh tay chộp, bắt trượt, cả bàn tay tôi đập xuống ruộng bùn. Tôi giơ bàn tay lấm bùn lên trước mặt, cười hì. Và giật mình cảm nhận cái mùi bùn đất ngai ngái chua quá quen thuộc, từ cái thuở bé con luôn theo mẹ ra đồng làng Bích Tràng - Hưng Yên kia.
Tôi khỏa tay bùn vào vũng nước nhỏ còn đương nhóng nhánh váng chua, rồi ngả lưng trên bờ ruộng. Ô kìa, những cánh cò trắng lượn theo nhau, vòng suốt từ Cò Noòng xuống Noong Ỏ - Cang Nà, sang Bản Hẻo - Cò Cọi, lại bay về Cầu Thia, thỉnh thoảng chúng dàn hàng ngang dênh ngược lên lưng núi Dâng trông chẳng khác gì những cánh diều màng của lũ mục đồng thả chơi cùng mây núi.
Thiếu nữ Thái Mường Lò. Ảnh: Thành Trung
Đây rồi, các cô gái Thái đang nối nhau, nhún nhẩy gánh lúa về bản. Nắng chiều lấp lóa hàng cúc mắcpém. Dáng áo cỏm thon bó làm mềm cả trời chiều. Thì vẫn chân trần lấm đất, dưng mà, mỗi khi vào vòng xòe sao mềm mại, dẻo dẻo, khéo khéo là. Bàn chân trần lấm đất của các cô gái Thái khiến tôi không thể quên cái đêm xem xòe cổ dưới chân núi Pú Chạng. Đúng ra, đấy là một đêm hội đại xòe với hàng trăm người tham gia, nhưng chương trình trước đó có biểu diễn sáu điệu xòe cổ: Khắm khen, Phá sí, Đổi hôn, Nhôm khăn, Ỏm lọm tốp mư. Phải thừa nhận, chưa bao giờ tôi được xem đủ sáu điệu xòe cổ độc đáo đến như thế.
Xem các em gái Thái chưa tằng cẩu đam mê xoè cổ mà tôi như thấy núi đang sừng sững mọc lên giữa trời đất, như nghe tiếng suối tiếng gió đang ào ào đổ về từ thời hồng hoang, như dõi nhìn mây ngàn bồng bềnh bồng bềnh phiêu dạt, như đang hít hà hương lúa chín đồng vàng Mường Lò, như nghe tiếng hát ngọt ngào tiếng cười giòn tan trong ánh lửa nhà sàn, như nhìn thấy muôn cánh chim trời thấp thoảng chiều hôm về ngàn.
Tôi hiểu, mỗi điệu xòe cổ còn là một biểu hiện tình cảm tinh tế, sâu sắc, là một trạng huống giao tiếp, một cung bậc tình cảm của người Thái Mường Lò cùng nguồn cội. Xem xòe cổ, tôi cứ ngỡ các diễn viên biểu diễn. Nên khi xong các tiết mục, tôi liền tìm gặp các em. Hỏi mới biết, các em đều là sơn nữ bản Cò Cọi, Noong Ỏ, Cang Nà, Thanh Lương, Cò Noòng, Ao Luông, Vòng Cài, Pú Chạng. Các em không phải nghệ sỹ, mà toàn là các em gái xinh ở bản lúa, bản ngô khoai sắn, bản rừng cây, chưa tằng cẩu, bàn chân trần còn ngái chua bùn đất đồng Mường Lò.
Tôi cứ nằm im trên bờ ruộng, đầu vẫn nghĩ về đêm xoè cổ, mắt thì mải dõi theo các em gánh lúa về bản. Thôi mà, trong các em gánh lúa không có Sa, vì Sa đã tằng cẩu rồi. Sa với tôi từng gặp nhau trong hội lồng tồng mãi trên Tú Lệ. Sa ngày ấy chưa tằng cẩu, tóc mướt xanh như dòng Thia, mắt đen lay láy, môi thắm hoa đào, gương mặt như hoa ban trắng hồng, kinh cổm nỗm tẳng (mình thon vú dựng), xinh ơi là xinh. Sa từng múa sáu điệu xoè cổ mà tôi được xem, em lại dịu dàng, hát hay, hát đối đáp giỏi nên được chọn làm Sao tổn khuống trên Sân hoa Hạn khuống. Sau đêm Hạn khuống, tôi đang ngẩn ngơ lẫn vào bao nhiêu là thơm tho áo cỏm, áo chàm, thổ cẩm, nâu sồng, ngẩn ngơ trước bao nhiêu là ánh mắt, nụ cười sơn nữ Thái - Tày - Mông - Dao - Mường, thì tình cờ chạm mắt Sa. Thành quen. Thành thân nhau. Rồi tôi đưa lời thương lời nhớ qua Đèo Ách vào trong Mường Lò. Và mỗi năm chỉ gặp nhau đôi ba lần trong các ngày lễ hội. Cứ nhớ, cứ thương thế thôi. Mãi một ngày Sa tằng cẩu.
Tôi tiếc Sa như tiếc một báu vật mà biết rằng mình không bao giờ được cất giữ, không bao giờ được ôm ấp, nâng niu. Bởi thế, trước ngày Sa tằng cẩu, tôi đã vụng trộm gửi lời trái tim mình vào trong Mường Lò, rằng: Tôi mê em, theo em vượt chín đèo mười núi, theo em qua trăm sông nghìn suối đến dòng Thia soi bóng chúng mình. Ôi, dòng Thia thao thiết bao tình, khăn piêu trao nhau qua cầu gió thổi, nụ hôn trao nhau nghiêng nghìn trái núi, đánh đắm vào nhau non nước bồng bềnh. Tôi theo em lên thác xuống ghềnh, để được bước lên ngôi nhà sàn em ở, để được uống chung rượu cần trong ché, thứ rượu ngàn đời như bỏ bùa mê. Ngôi nhà sàn dấu chân hoa nở mỗi dêm Xuân vui có bạn bè, tiếng khèn ngân rạo rực cả vùng quê, vòng xòe mở chòng chành nhún nhẩy, xòe vòng trong vòng ngoài, xòe từ chiều vào đêm, xòe qua đêm đến sáng, xòe cho tình ta giăng mắc như thổ cẩm và bốc cháy, lời tỏ tình chuếnh choáng lên môi. Bỗng một chiều biền biệt em tôi, mây đã giạt lên ngọn nguồn núi núi, gió thoảng về xa vời vợi, kỉ niệm xưa cỏ biếc, kỉ niệm xưa lá bay, chỉ còn nhành ban tím ướp một trời thương nhớ miền Tây.
Lời của trái tim tôi bây giờ lại ngân lên, lời riêng gửi cho Sa thoảng vào mênh mông đồng vàng. Không có bước chân trần của Sa trong những bước chân trần lấm bùn đất kia, để đêm về, cùng cả miền gái xinh Mường Lò sẽ lại vào vòng xoè mê đắm!
Hoàng Thế Sinh (Mường Lò, mùa hạ 2008)
Các tin khác
YBĐT - Năm 1976, Trường trung học cơ sở Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Yên Bình(Yên Bái) khi đó là Trường phổ thông cơ sở được xây dựng những phòng học cấp 4 bằng những viên gạch mới và mái ngói đỏ tươi. Thời điểm bấy giờ, đó là một ngôi trường mới khang trang và là sự cố gắng hết mình cho giáo dục của nhân dân trong xã. 32 năm trôi qua, ngôi trường chứng kiến bao lớp học trò lớn lên, trưởng thành, còn cô, trò lại xót xa chứng kiến sự xuống cấp, già cỗi của mái trường thân yêu.
YBĐT - Thiên nhiên thật là ưu ái với xã vùng cao Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cây trái bốn mùa xum xuê ra hoa, đơm trái; đặc biệt trong lòng đất, tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó đáng kể nhất là quặng sắt với trữ lượng khá, hàm lượng cao, lại dễ khai thác (nhiều nơi quặng lộ thiên ngay trên mặt đất hoặc ven suối).
YBĐT - Những đứa trẻ người Mông mắt xoe tròn đến lạ, tan học, chúng về những căn nhà lợp bằng gỗ pơ mu, năm sáu đứa một nhóm, quây quần bên niêu cơm gạo giã tay, đỏ như xôi gấc. Thức ăn mặn là những con cá khô nghiền nhỏ mà chúng vẫn gọi là ruốc, vài ngọn măng sặt ngâm ớt. Canh là món mì tôm cũng bóp nhỏ, nấu chỉ cốt lấy nước. Chúng ăn ngon lành. Chúng xuống núi học bằng được cái chữ, để sau này về phục vụ bản làng. Thầy cô chúng từ vùng thấp, xung phong lên đây để nhận lấy cái “khổ” về mình-dạy chữ cho con em đồng bào...
YBĐT - Các bản mường vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đó có nhiều khởi sắc, thu nhập tăng lên nhờ hoạt động du lịch, tư duy kinh tế có phần thay đổi, các giá trị văn hóa bước đầu được bảo tồn và phát huy. Song do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, những giá trị văn hóa cổ truyền ít nhiều bị lệch lạc, gây ra những tác hại không nhỏ cho công cuộc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc và thu hút du khách.