Nữ trưởng bản đầu tiên của Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 1/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ trước đến nay, tôi đã được nghe và gặp nhiều người phụ nữ Mông công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng đối với chị Giàng Thị Sông, người dân tộc Mông ở xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) là một trường hợp đặc biệt vì chị là nữ trưởng bản đầu tiên và duy nhất của huyện.
Phụ nữ các dân tộc Mông ở Yên Bái đã tích cực học tập nâng cao kiến thức. (Ảnh: T.L)
|
Vượt qua mọi khó khăn, rào cản xã hội, chị luôn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi nói về chị Sông, đồng chí Giàng A Câu – Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi đã hết lời khen ngợi: “Một người phụ nữ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm và đầy nhiệt tình”. Với những lời nhận xét ngắn gọn, đầy cảm phục về chị, đã tạo ấn tượng trong tôi về người phụ nữ giàu nghị lực này.
Được sự chỉ dẫn của đồng chí Câu, tôi đến thăm chị. Con đường từ trụ sở xã sang bản Tà Chơ vừa dốc, vừa trơn sau những trận mưa mùa hạ. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ đi bộ tôi mới đến được nhà chị. Với dáng người dong dỏng cao, nước da đen sạm trông chị già hơn tuổi 37 nhưng trên khuôn mặt vẫn còn giữ những nét thanh tú thời con gái. Nghe chị Sông tâm sự mới thấy được nỗi khó khăn vất vả của người “vác tù và hàng tổng”. Các trưởng bản là nam giới có điều kiện thuận lợi hơn trong giao tiếp, ít bị ràng buộc về phong tục tập quán. Còn với người phụ nữ nơi đây, khi tham gia công tác xã hội gặp nhiều khó khăn do sự phân biệt đối xử, sự ràng buộc của phong tục tập quán và sự phản đối của gia đình nên người phụ nữ không có cơ hội để vươn lên trong cuộc sống, tham gia vào các hoạt động xã hội để khẳng định mình. Hầu hết các chức vụ trong hệ thống chính trị ở địa phương đều do nam giới đảm nhiệm, duy nhất chức danh chủ tịch và phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã là mang tính đặc thù nên mới do phụ nữ đảm nhiệm.
Trong nhận thức của đồng bào luôn tồn tại quan niệm “trọng nam khinh nữ”, khi người phụ nữ đã đi lấy chồng thì phải phục vụ gia đình nhà chồng, mọi quyền quyết định đều do người chồng. Vì vậy, tỷ lệ mù chữ trong chị em nơi đây chiếm đến 80 – 90%. Số chị em biết chữ chủ yếu là học bổ túc, học phổ cập và chị Sông cũng không phải là ngoại lệ. Ngày trước chị vốn nổi tiếng xinh đẹp. Người Mông ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn ví chị như là bông hoa Tớ Dày ngát hương, làm mê đắm bao người. Đêm đêm các trai bản ở trong huyện kéo đến, tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình dập dìu từ canh khuya đến sáng và rồi tiếng khèn da diết của anh Lý Nỏ Sở đến từ xã Kim Nọi đã khiến cho bông hoa Tớ Dày ngát hương phải bồi hồi, xao xuyến.
Sau khi hai vợ chồng làm đám cưới và tách ra ở riêng, chị mới có điều kiện tham gia vào công tác xã hội. Ban đầu chị tham gia học lớp bổ túc tại trụ sở xã, đến hết lớp 5 thì phải dừng lại do xã chưa có trường cấp II. Trong quá trình học tập, chị luôn nhiệt tình tham gia vào các phong trào do xã tổ chức. Vốn là người thông minh, ham học hỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn chị đã đọc thông, viết thạo. Điều đáng khâm phục là chị đã biết vượt qua mặc cảm tự ti, vượt qua rào cản xã hội, trong khi bạn bè cùng trang lứa khi đã lập gia đình an phận với cuộc sống.
Cách đây hơn chục năm, chị Sông là người phụ nữ duy nhất trong xã có trình độ lớp 5. Chính nhờ sự cố gắng đó mà chị đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được các đồng chí lãnh đạo xã tin tưởng giao đảm nhiệm chức trưởng bản. Đây là một công việc hoàn toàn mới đối với chị, dân bản nhiều người có ý kiến cho rằng phụ nữ mà đi làm trưởng bản thì nói ai nghe. Trong Đảng ủy xã có một số đồng chí phản đối, cho rằng chị không thể đảm nhiệm được.
Công việc gia đình, việc làng, việc xã đè nặng lên hai vai khiến chị nhiều khi muốn buông xuôi. Song, được chồng luôn động viên, giúp đỡ, cảm thông chia sẻ nên dần dần chị đã lấy lại được tự tin trong cuộc sống, trong công việc. Cái khó đối với người trưởng bản là “làm dâu trăm họ”. Mọi công việc từ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đến việc giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân đều do trưởng bản đảm nhiệm, trong khi đó, phụ cấp trách nhiệm chỉ có 100.000 đồng/tháng. Những lúc công việc nhiều, chị đành phải bỏ việc gia đình cho chồng, con cùng với các đồng chí lãnh đạo xã tập trung giải quyết. Do đồng bào nơi đây đều là người Mông, còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu, nên việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Để giúp nhân dân hiểu và làm theo trước hết bản thân mình phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Chị đã cùng với các già làng, trưởng dòng họ tích cực vận động nhân dân mở đường giao thông liên thôn, liên bản. Chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động được hàng nghìn ngày công tham gia làm tuyến đường từ xã Chế Cu Nha đi bản Tà Chơ, với chiều dài trên 2km. Từ khi có đường giao thông, việc vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp trở nên thuận tiện, nhiều giống lúa lai, ngô lai mới có năng suất cao được đưa vào sản xuất, thay thế dần các giống địa phương năng suất thấp, làm tăng giá trị nên một đơn vị canh tác, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo đói của bản Tà Chơ từ trên 90% xuống còn 50%.
Cùng với đời sống của người dân được nâng lên, công tác tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu cũng đạt được những kết quả đáng mừng. Nhiều năm trở lại đây, bản Tà Chơ không để xảy ra cháy rừng, tình hình an ninh trật tự ổn định, các vụ tranh chấp, khiếu kiện đều được giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở. Năm 2008, bản Tà Chơ đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Số người nghiện trong bản giảm xuống còn 6 người, chủ yếu ở độ tuổi trên 45 và chị đã vận động đưa những người này đi cai tại trung tâm xã Chế Cu Nha.
Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, chị Sông đang dần khẳng định mình, tạo được sự tin yêu trong lòng nhân dân và trở thành người đại diện cho tiếng nói của người dân bản Tà Chơ trong Hội đồng nhân dân xã Kim Nọi.
Hoàng Hải Lăng
Các tin khác
YBĐT - Tu hú vừa mới cất tiếng gọi bầy, những chùm vải đỏ vít cong cành, tôi đã vội đi Mường Lò. Chao ơi là nhớ! Chẳng hiểu ra làm sao nữa, vì tôi đã từng qua Mường Thanh - Mường Than - Mường Tấc nhưng chẳng mường nào để thương để nhớ thật nhiều trong tôi như Mường Lò.
YBĐT - Năm 1976, Trường trung học cơ sở Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Yên Bình(Yên Bái) khi đó là Trường phổ thông cơ sở được xây dựng những phòng học cấp 4 bằng những viên gạch mới và mái ngói đỏ tươi. Thời điểm bấy giờ, đó là một ngôi trường mới khang trang và là sự cố gắng hết mình cho giáo dục của nhân dân trong xã. 32 năm trôi qua, ngôi trường chứng kiến bao lớp học trò lớn lên, trưởng thành, còn cô, trò lại xót xa chứng kiến sự xuống cấp, già cỗi của mái trường thân yêu.
YBĐT - Thiên nhiên thật là ưu ái với xã vùng cao Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cây trái bốn mùa xum xuê ra hoa, đơm trái; đặc biệt trong lòng đất, tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó đáng kể nhất là quặng sắt với trữ lượng khá, hàm lượng cao, lại dễ khai thác (nhiều nơi quặng lộ thiên ngay trên mặt đất hoặc ven suối).
YBĐT - Những đứa trẻ người Mông mắt xoe tròn đến lạ, tan học, chúng về những căn nhà lợp bằng gỗ pơ mu, năm sáu đứa một nhóm, quây quần bên niêu cơm gạo giã tay, đỏ như xôi gấc. Thức ăn mặn là những con cá khô nghiền nhỏ mà chúng vẫn gọi là ruốc, vài ngọn măng sặt ngâm ớt. Canh là món mì tôm cũng bóp nhỏ, nấu chỉ cốt lấy nước. Chúng ăn ngon lành. Chúng xuống núi học bằng được cái chữ, để sau này về phục vụ bản làng. Thầy cô chúng từ vùng thấp, xung phong lên đây để nhận lấy cái “khổ” về mình-dạy chữ cho con em đồng bào...