Giàng La Pán bây giờ
- Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Giàng La Pán là thôn khó khăn nhất của xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), 100% là đồng bào công giáo. Vào năm 2005-2006, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây còn nghèo lắm, cuộc sống khó khăn thiếu thốn cộng với trình độ nhận thức còn hạn chế đã làm cho tình hình xã hội trở nên bất ổn, mong ước tìm một "miền đất hứa" đã len lỏi vào từng hộ gia đình.
Nhân dân xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) nhận phân bón phục vụ thâm canh lúa. (Ảnh: Thành Trung)
|
Năm 2005 có 3 hộ di cư bất hợp pháp vào tỉnh Đắc Lắk, thế rồi không biết những hộ di cư vào miền Tây Nguyên đầy nắng gió ấy có sung túc hơn không, nhưng đến năm 2006, cả bản Giàng La Pán có 96 hộ thì hầu hết đều có ý định di cư bất hợp pháp vào Đắk Nông, Đắk Lắk.
Trước tình hình đó, huyện Trạm Tấu đã lập một đoàn công tác bao gồm tất cả lãnh đạo của các ban ngành, đoàn thể, các chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện lên "cắm" bản Giàng La Pán. Sau nhiều ngày gần gũi với dân và tìm hiểu nguyên nhân, bước đầu các ngành chức năng đã tìm ra nguyên nhân: chỉ vì đời sống còn khó khăn thiếu đất sản xuất và phương tiện lao động, giao thông đi lại khó khăn nên đồng bào muốn bỏ quê hương đi nơi khác lập nghiệp mà trong nhận thức không lường hết những khó khăn trước mắt, cho đến khi anh Hờ A Phử là người đã đi vào Đắck Lắck trở về trả lời trước dân bản: "Đồng đất ở tỉnh bạn đúng là thuận tiện cho việc thu mua sản phẩm và làm nông nghiệp nhưng khí hậu trong đó rất khắc nghiệt không phù hợp với người dân Giàng La Pán nói riêng và người dân Trạm Tấu nói chung". Lãnh đạo huyện Trạm Tấu khi đó cũng giải thích rõ ràng những hậu quả của di cư trái phép, đó là: di cư bất hợp pháp, con em đồng bào sẽ không được đi học, người dân cũng không được hưởng những quyền lợi của một công dân khi không có hộ khẩu và không có giấy tờ tùy thân hợp pháp ở nơi đó. Hơn nữa, nếu không phát triển được sản xuất ở trong đó lại trắng tay trở về quê hương, không có nhà cửa ruộng vườn để canh tác.
Đồng thời, lãnh đạo huyện Trạm Tấu đã giải quyết những vướng mắc cho đồng bào, hướng dẫn cách làm nông nghiệp đạt hiệu quả và hứa sẽ mở rộng thêm hệ thống thủy lợi cho đồng bào yên tâm sản xuất. Sau nhiều ngày đêm hướng dẫn, tư tưởng đồng bào thôn Giàng La Pán đã thông suốt, yên tâm ở lại quê hương sản xuất. Với những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, mùa xuân năm ấy, Giàng La Pán đã bình yên trở lại.
2 năm sau đó, tôi có dịp trở lại Bản Mù công tác. Bản Mù đã không còn những mảnh ruộng bậc thang bỏ hoang trơ gốc rạ và cũng không còn một con đường gồ ghề đá sỏi, ở trung tâm xã đã có điện lưới quốc gia thắp sáng. Trên đường đi, tôi còn bắt gặp những anh thợ điện đang kéo thêm đường cáp điện thoại lên với xã vùng cao này. Sau cơn mưa tháng 6, những ngọn chè Shan non tơ hơn, những thửa mạ xanh non hơn sẵn sàng cho một vụ mùa. Nhận ra người quen, đồng chí Sùng A Tính - Phó chủ tịch UBND xã Bản Mù hồ hởi: "Ở Giàng La Pán bây giờ không còn những hộ dân có ý định di cư hàng loạt nữa. Năm 2007 đầu tiên có 8 hộ có ý định di cư, nhưng đến hết 6 tháng đầu năm 2008, chỉ có hộ ông Mùa Bua Sử có 6 khẩu xuống xã đăng ký di cư vào tỉnh Đắc Lắk. Nhiều hộ trước kia có ý định di cư nay đã yên tâm ở lại sản xuất vươn lên, đời sống khá hơn như hộ anh Cứ A Của, hộ chị Mùa Vảng Di, hộ anh Mùa A Trình".
Chủ tịch Tính còn cho biết thêm: "UBND xã đã xác định được nguyên nhân dẫn đến đói nghèo không chỉ ở Giàng La Pán mà cả xã, đó là nhiều hộ gia đình đông con, có hộ 5 đến 6 con, rồi tình trạng người nghiện không có sức khỏe để lao động, có những đối tượng còn lười lao động”. Trước thực tế đó, được sự giúp đỡ hỗ trợ của các ban ngành ở huyện cùng với nỗ lực của chính quyền xã, đồng bào đã xuống ruộng ngoài canh tác bền vững 77 ha lúa xuân và 138 ha lúa mùa, xen canh các loại cây trồng khác như trồng thêm 20 ha đậu tương, 10 ha lạc xuân, 155 ha ngô.
Mặt khác, xã cùng với các ngành phối hợp tổ chức tuyên truyền dân số - KHHGĐ, phòng chống cháy rừng - bảo vệ rừng, tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống ma túy, dưới nhiều hình thức như băng đĩa, cán bộ văn hóa lên diễn kịch với những tiểu phẩm ngắn gọn súc tích bằng tiếng Mông, nên đồng bào trong xã đã hiểu hơn rất nhiều. Tại cánh đồng Mảnh Tàu - Tà Ghênh, cán bộ không phải cầm tay chỉ việc nữa, nhân dân tự biết canh tác trên ruộng của mình, diện tích tái trồng thuốc phiện giảm hẳn, 6 tháng đầu năm nay các ngành chức năng đã phát hiện và triệt phá 2 ha, đặc biệt không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Riêng đối với Giàng La Pán thì Trưởng thôn Hờ Tùng Seng phấn khởi cho biết: "Riêng vụ lúa xuân do hậu quả rét đậm rét hại nên chỉ còn 3 ha, vụ mùa này, toàn thôn quyết tâm gieo cấy 13 ha.
Giàng La Pán bây giờ không chỉ ổn định về an ninh chính trị mà kinh tế đang từng bước phát triển. Toàn thôn có 120 con trâu bò và nhiều gia súc, gia cầm khác. Tình trạng mất trật tự an ninh thôn xóm đã giảm hẳn, 6 tháng đầu năm chỉ có 2 vụ tranh chấp nhỏ đã được cán bộ thôn bản giải quyết xong. Bản thân tôi đã xác định được, muốn dân yên tâm sản xuất phát triển kinh tế thì cán bộ phải gần dân, đặc biệt là cán bộ thôn bản, vì vậy mỗi khi các gia đình xảy ra tranh chấp, tôi đều có mặt để khuyên ngăn giải quyết kịp thời, đồng thời động viên bà con muốn làm giàu thì phải chịu khó lao động và thực hiện có hiệu quả các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Để đồng bào nghe, trưởng thôn phải gương mẫu làm trước, các diện tích ruộng của nhà không bao giờ bỏ hoang. Hết trồng lúa, tôi chuyển sang trồng ngô, sắn... đồng thời chăn nuôi trâu bò, lợn, gà để tăng thu nhập cho gia đình và có sức kép phục vụ sản xuất".
Anh Giàng A Có - người trong thôn tâm sự: "Đồng bào trong thôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành đến đồng bào công giáo để chúng tôi yên tâm phát triển sản xuất làm giầu ngay trên mảnh đất quê mình".
Tâm trạng của anh Giàng A Có cũng như bao người dân khác ở Giàng La Pán, không ai muốn rời bỏ quê mình để đi xứ khác, bởi đất đai quê mình còn nhiều lắm. Đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Bản Mù khẳng định: "Để Giàng La Pán không còn người di cư tự do, Đảng ủy, chính quyền cơ sở sẽ phải gần dân hơn nữa, giải quyết tốt những vướng mắc trong dân, mặt khác phải thực hiện tốt trách nhiệm của người đảng viên làm theo lời Bác dạy "Cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư", không xa rời quần chúng, tạo được niềm tin cho nhân dân".
Chia tay với Giàng La Pán, chúng tôi mừng cho sự đổi thay ở nơi sơn cùng thủy tận này. Dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng nơi ấy vẫn sáng lên niềm tin của đồng bào công giáo vào đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với niềm tin ấy, đời sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no, giầu mạnh hơn.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - Từ trước đến nay, tôi đã được nghe và gặp nhiều người phụ nữ Mông công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng đối với chị Giàng Thị Sông, người dân tộc Mông ở xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) là một trường hợp đặc biệt vì chị là nữ trưởng bản đầu tiên và duy nhất của huyện.
YBĐT - Tu hú vừa mới cất tiếng gọi bầy, những chùm vải đỏ vít cong cành, tôi đã vội đi Mường Lò. Chao ơi là nhớ! Chẳng hiểu ra làm sao nữa, vì tôi đã từng qua Mường Thanh - Mường Than - Mường Tấc nhưng chẳng mường nào để thương để nhớ thật nhiều trong tôi như Mường Lò.
YBĐT - Năm 1976, Trường trung học cơ sở Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Yên Bình(Yên Bái) khi đó là Trường phổ thông cơ sở được xây dựng những phòng học cấp 4 bằng những viên gạch mới và mái ngói đỏ tươi. Thời điểm bấy giờ, đó là một ngôi trường mới khang trang và là sự cố gắng hết mình cho giáo dục của nhân dân trong xã. 32 năm trôi qua, ngôi trường chứng kiến bao lớp học trò lớn lên, trưởng thành, còn cô, trò lại xót xa chứng kiến sự xuống cấp, già cỗi của mái trường thân yêu.
YBĐT - Thiên nhiên thật là ưu ái với xã vùng cao Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cây trái bốn mùa xum xuê ra hoa, đơm trái; đặc biệt trong lòng đất, tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó đáng kể nhất là quặng sắt với trữ lượng khá, hàm lượng cao, lại dễ khai thác (nhiều nơi quặng lộ thiên ngay trên mặt đất hoặc ven suối).