Để công tác DS-KHHGĐ phát huy hiệu quả
- Cập nhật: Thứ năm, 4/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến nay, công tác DS,GĐ&TE tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển biến mạnh cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm rõ rệt từ 2,115% năm 1991 xuống còn 1,351% năm 2007; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 45% năm 1991 xuống còn 11,12% năm 2007; nhiều thôn bản, xã, phường đã giảm nhanh và không có người sinh con thứ 3.
Song, từ năm 2007 đến nay, công tác dân số đã vấp phải những khó khăn do sự thay đổi bộ máy tổ chức. Vấn đề bất ổn trong ngành Dân số hiện nay là một số cán bộ làm công tác dân số cơ sở không hiểu hay không chịu hiểu về công tác sắp xếp lại tổ chức theo chủ trương của Đảng và Nhà nước mà đổ lỗi rằng: “ngành Dân số đã bị giải thể”.
Những điệp khúc đổ lỗi
Có thể nói chưa bao giờ công tác dân số Yên Bái lại gặp những khó khăn như thời điểm từ cuối năm 2007 đến nay. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên có chiều hướng gia tăng, tình trạng sinh con thứ ba thì không những tăng, mà các cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba cũng ngày một nhiều. 6 tháng đầu năm 2008, dù đã tổ chức được chiến dịch dân số ở 107 xã, vượt 17 xã so với kế hoạch nhưng kết quả gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đạt 69,3% kế hoạch chiến dịch đợt I. Các biện pháp tránh thai lâm sàng đạt thấp so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ năm 2007 như: đặt dụng cụ tử cung đạt 36,97% kế hoạch năm bằng 77,7% so với cùng kỳ năm 2007; triệt sản đạt 18,38% kế hoạch năm bằng 46,5% so với cùng kỳ năm 2007; thuốc cấy tránh thai đạt 13,33% kế hoạch năm bằng 42,4% so với cùng kỳ năm 2007.
Một thực tế hiện nay là có cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở có biểu hiện coi nhẹ cũng như trông chờ sự phân chia công việc rồi mới thực hiện. Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thì tỏ ra hời hợt trong công việc. Khi đi tìm hiểu về công tác DS/KHHGĐ tại huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu cho thấy tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên, sinh con thứ 3 và đặc biệt là các cán bộ, đảng viên vi phạm Pháp lệnh dân số ngày một nhiều. Chẳng hạn, huyện Mù Cang Chải trong năm 2007 đã có 235 trường hợp sinh con thứ 3 thì có 9 đảng viên vi phạm. Khi hỏi nguyên nhân thì ngoài câu trả lời đã quá quen thuộc như: đồng bào dân tộc thiểu số tập trung ở nơi đồi núi cao rất khó cho việc tuyên truyền và nắm bắt tình hình, phong tục, tập quán lạc hậu.. thì việc thay đổi của bộ máy ngành dân số được các cấp, các ngành ở địa phương đề cập khá nhiều.
Hay ở một số tuyến xã, phường của các huyện thị, thành phố cũng đều có một “điệp khúc” đổ lỗi do cơ cấu bộ máy dân số thay đổi. Ngay như xã Đông Cuông, một xã vùng thấp của huyện Văn Yên khi được hỏi về kết quả công tác DS – KHHGĐ thì cũng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung như: “Nhìn chung không có gì thay đổi, mức sinh vẫn được giữ vững, tuy nhiên từ giờ đến hết năm 2008 sẽ có thêm 2 đến 3 hộ sinh con thứ 3!”; “ Bây giờ gọi cán bộ chuyên trách dân số khó quá!”...
Xã An Bình huyện Văn Yên cũng vậy, tìm gặp chị cán bộ chuyên trách thì đang lao động trong rừng, chiều tối mới về, phải nhờ chồng của chị về mở tủ lấy hộ báo cáo tổng kết công tác dân số năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008. Một lúc sau nhận được báo cáo tổng kết năm 2006 từ tay đồng chí chủ tịch xã, còn báo cáo yêu cầu thì không tìm thấy. Tôi hỏi: “Có thể cho mượn tham khảo báo cáo 6 tháng đầu năm 2008 và tìm hiểu một số hoạt động chiến dịch dân số đợt I?”, cũng lại không có! “Vậy các đồng chí sẽ báo cáo thế nào về tình hình dân số của xã với huyện?”- “Đã có nhưng hiện tại không biết để đâu, chờ chị cán bộ chuyên trách về rồi sẽ gửi cho các đồng chí sau”: Chủ tịch xã trả lời.
Hầu như đi đến các xã, huyện, thị, thành phố trong tỉnh “điệp khúc” đổ lỗi cơ cấu tổ chức bộ máy ngành Dân số thay đổi đã trở thành nguyên nhân chính của tình trạng tăng sinh và sinh con thứ 3 tại cơ sở.
Dân số có thực sự giải thể?
Ông Lương Kim Đức- Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Công tác dân số luôn được coi là một trong những trọng tâm cần quan tâm và là động lực trong quá trình xoá đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của địa phương. Việc thực hiện tiến trình cải cách hành chính của Nhà nước, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo sự tinh gọn, song không giảm tính hiệu quả của chương trình. Việc giải thể Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS,GĐ&TE) chuyển chức năng và tổ chức dân số về ngành Y tế nhằm làm cho công tác DS-KHHGĐ ngày càng mạnh lên, phát huy hiệu quả hơn...”.
Chi cục DS/KHHGĐ được thành lập và trực thuộc Sở Y tế và đang tích cực triển khai xuống cấp huyện với tên gọi mới Trung tâm DS/KHHGĐ huyện trực thuộc phòng y tế huyện. Tuy nhiên, việc sắp xếp ở tuyến xã vẫn đang tiến hành. Từ việc cán bộ chuyên trách và cộng tác viên thôn, bản phải theo dõi 3 mảng: DS,GĐ&TE thì nay chỉ tập trung tuyên truyền riêng về công tác DS/KHHGĐ. Bên cạnh đó, người làm cán bộ chuyên trách dân số xã sẽ được chuyển biên chế sang trạm y tế xã. Như vậy, người cán bộ chuyên trách sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây (trước đây cán bộ chuyên trách không có biên chế và chỉ được hưởng khoản lương ít ỏi của công việc kiêm nhiệm).
Việc chia tách một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Mặc dù vậy, trong quá trình chia tách Uỷ ban DS,GĐ&TE từ Trung ương cũng ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của công tác dân số cơ sở của các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng. Việc ngưng trệ các hoạt động từ tỉnh đến các cấp cơ sở phần lớn do ngành Dân số chưa nhận được sự đầu tư về tài chính, vì vậy việc rất nhiều các chương trình, các hoạt động từ khi có quyết định giải thể ngành dân số bị gián đoạn. Vì vậy, việc ngành Dân số gặp khó khăn là điều tất yếu.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác DS-KHHGĐ, duy trì xu thế giảm sinh của tỉnh, nhằm sớm ổn định quy mô dân số hợp lý, trong thời gian tới Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã xác định nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, đảm bảo đủ điều kiện, năng lực để quản lý và triển khai chương trình mục tiêu DS/KKHGĐ; giữ nguyên đội ngũ cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ đình xã, phường, thị trấn và cộng tác viên thôn, xóm, bản, làng; tiếp tục duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động và cung cấp các biện pháp KHHGĐ tới tận người dân; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền.
Đặc biệt, trong thời gian này cần nghiêm túc thực hiện Hướng dẫn số 50-HD/TG, ngày 14.5.2008 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Yên Bái về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX) "Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS/KHHGĐ"; huy động đồng bộ, thường xuyên các kênh truyền thông, chú trọng truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp, mở rộng các hình thức giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục DS/KHHGĐ, giới và giới tính trong và ngoài nhà trường; tăng cường đưa dịch vụ CSSKSS / KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao đợt II đạt kết quả cao; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình thôn, bản, xóm, làng, xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; đảm bảo kinh phí và các điều kiện hoạt động cho công tác DS/KHHGĐ...
T.N
Các tin khác
YBĐT - Biết họa sỹ Quách Hùng là người ham vẽ, ham đục tượng, ham chụp ảnh, lại còn ham sáng tác nhạc và ham rong chơi nữa. Bây giờ anh nghỉ chế độ, ở hẳn nhà, tôi liền mò đến xem cái người lắm thứ ham ấy đang làm gì.
YBĐT - Năm 2008, do công tác bàn giao rừng sau khi rà soát lại 3 loại rừng đang được Ban quản lí Dự án 661 đo đạc, lập bản đồ thực địa, phía các lâm trường không tiếp tục ký hợp đồng khoanh nuôi bảo vệ, nên hàng trăm ha rừng phòng hộ gần như không có chủ. Người dân hoang mang. Trong khi đó lại có thông tin sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng sẽ có một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng sản xuất và giao cho dân, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân đua nhau phát nương vào các diện tích rừng khoanh nuôi, mục đích xí phần...
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát lại 3 loại rừng, năm 2007, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc rà soát lại, lập bản đồ chi tiết, từ đầu năm 2008 bắt đầu bàn giao hồ sơ giữa các lâm trường về Ban quản lý Dự án 661 tỉnh. Tuy nhiên, việc bàn giao vốn đã chậm nay lại gặp nhiều vướng mắc giữa hồ sơ lâm trường quản lý và diện tích nhận thực địa của Ban quản lý Dự án 661.
YBĐT - Văn Yên - Những làng quê mà chúng tôi qua đều hoang tàn sau bão. Nỗi đau và mất mát do bão lũ để lại chất chồng lên vai người nông dân bé nhỏ. Đi trên vùng đất bão, trời vẫn vần vũ nhưng nắng đã tràn về. Gặt nước mắt đau thương, người dân Văn Yên đang tay nắm tay dựng xây cuộc sống mới trên vùng đất lũ...