Bàn giao rừng giữa lâm trường và ban quản lý dự án 661

Nhiều hộ dân xâm chiếm đất rừng, phát rừng làm nương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008, do công tác bàn giao rừng sau khi rà soát lại 3 loại rừng đang được Ban quản lí Dự án 661 đo đạc, lập bản đồ thực địa, phía các lâm trường không tiếp tục ký hợp đồng khoanh nuôi bảo vệ, nên hàng trăm ha rừng phòng hộ gần như không có chủ. Người dân hoang mang. Trong khi đó lại có thông tin sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng sẽ có một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng sản xuất và giao cho dân, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân đua nhau phát nương vào các diện tích rừng khoanh nuôi, mục đích xí phần...

Rừng khoanh nuôi khu Cổng Trời xã Trúc Lâu bị xâm canh.
Rừng khoanh nuôi khu Cổng Trời xã Trúc Lâu bị xâm canh.

Kỳ 1: Những quy hoạch "trên trời" và quản lý lỏng lẻo!

Việc người dân xâm chiếm, phát nương vào diện tích rừng có chiều hướng gia tăng, khi mà việc bàn giao đất giữa lâm trường và Ban quản lý Dự án 661 đang gấp rút hoàn thành. Nóng bỏng nhất trong thời gian qua là các xã ven quốc lộ 70 của huyện Lục Yên.

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên, trong 7 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn huyện xảy ra 113 vụ phát rừng làm nương rẫy làm thiệt hại 49,37 ha. Đó chỉ là con số các địa phương báo về, trên thực tế diện tích này lớn hơn rất nhiều. Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng xâm chiếm đất rừng, chúng tôi về xã Trúc Lâu. Ông Hoàng Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã thông tin: 7 tháng đầu năm nay, xã Trúc Lâu đã phát hiện 88 mảnh nương bị phát với 43 đối tượng, thiệt hại 27 ha. Xã đã xử lý 26 trường hợp, phạt tiền 11 đối tượng, thu nộp ngân sách 6,96 triệu đồng.

Anh Nguyễn Duy Lược - công an viên của xã dẫn chúng tôi đi xem lại các tuyến tuần tra mà xã vừa mới triển khai cách đây vài tuần. Dọc đường vào Núi Voi, chúng tôi bắt gặp những vạt rừng bị người dân phát trơ trọc, thi thoảng lại có vài cột khói bốc lên phía xa xa.

Anh Lược cho biết: “Thực tế nạn phát nương xâm canh đất rừng phòng hộ ở Trúc Lâu đang rất bức xúc tại các thôn Tu Trạng, thôn Bản Pạu, thôn 1, khu Cổng Trời, diện tích ước có thể lên gần 100 ha, chứ không phải 27 ha”. Để biết những người vi phạm này nói gì, chúng tôi đã gặp  một số đối tượng. Đó là hai chị La Thị Đua và Nông Thị Đôi vừa bị xã nhắc nhở vì đã phát 8 mảnh nương với diện tích gần 1 ha khu vực Khe Thăng-thôn Bản Pạu.

Chị Đua nói: “Tôi thấy người ta phát thì cũng phát thôi, chỗ gần người ta làm hết rồi nên phải lên tận đó, vì mới lập gia đình ra ở riêng nên không có đất canh tác. Một phần vì thiếu ăn, một phần vì gần đây giá nông sản tăng cao, tôi tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập. Mới lại, nghe nói Nhà nước đang chuẩn bị giao lại một phần diện tích rừng phòng hộ cho người dân, nên tranh thủ phát một ít lấy chỗ, sau này nếu xã giao rừng thế nào cũng có phần. Biết làm vậy là sai, vi phạm pháp luật nhưng thấy người ta đua nhau làm không bị phạt gì nên tôi cũng làm theo”. Được biết, không riêng gì ở Trúc Lâu, tình trạng người dân xâm chiếm đất rừng làm nương rẫy còn xảy ra ở hầu hết các xã dọc theo quốc lộ 70 như Trung Tâm 5 đối tượng với 3,4 ha; Khánh Hoà 40 trường hợp vi phạm với diện tích 31,3 ha; An Lạc 4,2 ha; Phúc Lợi 88 trường hợp, 35 ha, đã xử lý 43 đối tượng thu 13 triệu đồng tiền phạt....

Có thể nói, việc người dân xâm chiếm đất rừng, phát rừng làm nương rẫy, chính quyền xã đều biết, các ngành chức năng đều biết nhưng tại sao lại không ngăn chặn kịp thời mà để cho nhiều diện tích rừng bị xâm chiếm trong một thời gian dài? Mặt khác có thể thấy, đa số người dân chưa hiểu rõ về chính sách của Nhà nước. Rừng phòng hộ khi được chuyển sang rừng sản xuất và giao cho dân, sẽ vẫn phải trồng cây lâm nghiệp, không có chuyện dân thích trồng gì thì trồng. Nếu việc xử lý các trường hợp vi phạm không kiên quyết, dứt điểm thì công tác giao rừng tới đây chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

 Ông Vũ Xuân Hợi - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban quản lý Dự án 661 huyện Lục Yên:


Huyện kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xâm chiếm vào đất rừng khoanh nuôi, bảo vệ. Tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý phạt hành chính, phá bỏ diện tích đang canh tác hoặc yêu cầu trồng trả lại cây lâm nghiệp đã phát. Các trường hợp đã xử lý sẽ tiếp tục được giám sát, không có việc nộp phạt rồi thì mảnh nương đó là của mình.

Hiện nay, Ban quản lý Dự án 661 huyện đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để giao khoán bảo vệ tới người dân. Song song với việc giao khoán, Ban quản lý sẽ đánh giá lại các diện tích phòng hộ có thể chuyển sang rừng sản xuất để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc giao rừng sản xuất cho các hộ dân sẽ được tổ chức từ cấp thôn, bản, ưu tiên các hộ dân sống cạnh rừng mà chưa có đất sản xuất, công nhân lâm trường, rồi mới đến các tổ chức xã hội, doanh nghiệp thuê.

Anh Dũng - Văn Thông

Các tin khác
Ông Nguyễn Đình Đãng ngang nhiên trồng cam vào diện tích rừng phòng hộ do Lâm trường Lục Yên quản lý trước đây.

YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát lại 3 loại rừng, năm 2007, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc rà soát lại, lập bản đồ chi tiết, từ đầu năm 2008 bắt đầu bàn giao hồ sơ giữa các lâm trường về Ban quản lý Dự án 661 tỉnh. Tuy nhiên, việc bàn giao vốn đã chậm nay lại gặp nhiều vướng mắc giữa hồ sơ lâm trường quản lý và diện tích nhận thực địa của Ban quản lý Dự án 661.

Nỗi đau của thân nhân gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng.

YBĐT - Văn Yên - Những làng quê mà chúng tôi qua đều hoang tàn sau bão. Nỗi đau và mất mát do bão lũ để lại chất chồng lên vai người nông dân bé nhỏ. Đi trên vùng đất bão, trời vẫn vần vũ nhưng nắng đã tràn về. Gặt nước mắt đau thương, người dân Văn Yên đang tay nắm tay dựng xây cuộc sống mới trên vùng đất lũ...

Nước đầm đã mấp mé đường vào Đền Tuần Quán.

YBĐT - 7-8 giờ sáng, những chiếc xe chở đầy rác thải của thành phố Yên Bái nối đuôi nhau đi qua nhà ông Nguyễn Văn Sen, tổ 39 phố Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Không được che đậy, những chiếc xe chạy với tốc độ cao, bụi đường mù mịt và rác trên xe bay tung toé xuống đường.

Xóm Mới ra đời nhờ sự nhiệt tình của anh em trong Tổ và Ban Bảo vệ của phố, của phường.

YBĐT - Không mấy ai nhớ chính xác cái tên xóm “bụi” có từ năm nào. Chỉ biết rằng đã có một thời gian dài và chưa lâu lắm đây là địa bàn hoạt động chủ yếu của dân “anh chị” và là điểm “nóng” nhức nhối về tội phạm và tệ nạn ma tuý. Giờ thì xóm “bụi” ngày nào không còn được nhắc tới nữa mà thay vào đó là một xóm mới với cái tên đầy khát vọng: xóm Mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục