Những quy hoạch "trên trời" và quản lý lỏng lẻo!
- Cập nhật: Thứ năm, 28/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát lại 3 loại rừng, năm 2007, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc rà soát lại, lập bản đồ chi tiết, từ đầu năm 2008 bắt đầu bàn giao hồ sơ giữa các lâm trường về Ban quản lý Dự án 661 tỉnh. Tuy nhiên, việc bàn giao vốn đã chậm nay lại gặp nhiều vướng mắc giữa hồ sơ lâm trường quản lý và diện tích nhận thực địa của Ban quản lý Dự án 661.
Ông Nguyễn Đình Đãng ngang nhiên trồng cam vào diện tích rừng phòng hộ do Lâm trường Lục Yên quản lý trước đây.
|
Hiện nay, hầu hết các lâm trường và Ban quản lý rừng 661 tại các địa phương cơ bản đã hoàn thành việc bàn giao nội nghiệp. Bên giao (gồm các lâm trường: Lục Yên, Việt Hưng, Văn Yên, Ngòi Lao, Văn Chấn, Hạt kiểm Lâm Trạm Tấu, Mù Cang Chải), bên nhận (ban quản lí Dự án 661 cấp huyện) đã cùng kiểm tra, đối chứng kết quả rà soát với hồ sơ các lâm trường đang quản lý và kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng của Viện Quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn). Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn chưa thống nhất được việc ký nhận giữa lâm trường và Ban quản lý Dự án 661. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là diện tích và trạng thái rừng thực tế đã có nhiều thay đổi so với hồ sơ đang quản lý của các lâm trường.
Trước khi thực hiện rà soát lại 3 loại rừng, toàn tỉnh có 35.247 ha rừng đặc dụng, 295.863 ha rừng phòng hộ, trong đó chỉ có 192.728 ha có rừng, 103.134 ha chưa có rừng; 207.708 ha rừng sản xuất, trong đó có 158.855 ha có rừng. Sau khi rà soát, diện tích rừng đặc dụng có 36.508 ha; rừng phòng hộ còn 189.524 ha, trong đó có rừng là 137.000 ha, chưa có rừng 52.515 ha; rừng sản xuất tăng lên 253.707 ha. Như vậy, sau khi rà soát lại có 46.000 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sẽ được chuyển sang rừng sản xuất. Tuy nhiên, quá trình bàn giao đang gặp phải hàng loạt khó khăn.
Lục Yên là một trong những huyện sớm nhất đã ký nhận bàn giao rừng theo Dự án 661 (gọi tắt là rừng 661) và rừng sản xuất của Lâm trường về Ban quản lý Dự án 661 huyện sau khi đã thống nhất số liệu đo đạc trên thực địa. Theo biên bản bàn giao này, tổng diện tích bàn giao theo hồ sơ của Lâm trường Lục Yên là 19.510,8 ha, nhưng diện tích nhận thực địa của Ban quản lý Dự án 661 huyện chỉ có 16.002,5 ha.
Ông Phan Thế Bờ - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lục Yên, Phó ban thường trực Dự án 661 huyện giải thích: “Nguyên nhân diện tích thực địa trên 3.500 ha chưa nhận là do diện tích này đã thay đổi trạng thái, có diện tích trùng với các loại rừng khác hoặc không có đất. Ngoài ra, còn 1.869 ha đất lâm nghiệp sản xuất chưa nhận bàn giao do chưa xác định được vị trí trên thực địa so với hồ sơ. Cụ thể, có 2.996,07 ha do thay đổi trạng thái, 1.562,6 ha trùng vào các loại rừng khác và 76,7 ha diện tích đất trống không có”.
Nguyên nhân có sự thay đổi trạng thái theo biên bản là do: người dân lấn chiếm, phát nương làm rẫy, diện tích trên hồ sơ của Lâm trường không thực tế, quy hoạch vào mỏ đá, trang trại, trùng vào diện diện tích khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng, ruộng, vườn tạp, cây bụi, ao, đập nước, nhà ở, trồng chè… Kết quả bàn giao rừng giữa Lâm trường Lục Yên và Ban quản lý Dự án 661 huyện đã cho thấy, công tác quản lý khá lỏng lẻo trong suốt thời gian dài; tiền hỗ trợ của Chính phủ trong việc khoanh nuôi, tái sinh rừng đạt hiệu quả thấp. Những quy hoạch “trên trời” này đang trực tiếp gây khó khăn cho công tác bàn giao rừng về cho Ban quản lý Dự án 661.
Vị trí khoanh tròn là trang trại của ông Nguyễn Đình Đãng, xã Trúc Lâu đã xâm lấn vào khu vực vành đai rừng phòng hộ.
Theo biên bản bàn giao của Ban quản lí Dự án 661 huyện Lục Yên thì 76,7 ha đất lâm nghiệp đã "biến mất", đồng nghĩa với việc diện tích này đã bị người dân lấn chiếm. Xin đưa ra một ví dụ: trang trại của ông Nguyễn Đình Đãng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Trúc Lâu nằm trong vành đai của rừng phòng hộ thuộc thôn Tu Trạng (cạnh Núi Voi). Rõ ràng đây là diện tích nằm trong vành đai rừng phòng hộ nhưng từ năm 2001, ông Đãng đã tự phát cây để trồng cam, đào ao thả cá, trồng rừng kinh tế… làm thành một trang trại khép kín. Khi được hỏi trang trại của ông có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) không, ông Đãng khẳng định là mình có, nhưng lãnh đạo xã Trúc Lâu thì khẳng định diện tích này không được cấp sổ đỏ vì nằm trong vành đai rừng phòng hộ.
Đến nay đã gần 8 năm, trang trại của ông Đãng vẫn tồn tại giữa vành đai rừng phòng hộ mà không bị thu hồi. Khó hiểu hơn, khi thực hiện rà soát 3 loại rừng ở Trúc Lâu, trang trại lấn chiếm vào đất rừng của ông Đãng lại được đánh dấu thành đất sản xuất, trong khi thực tế nó nằm giữa khu vực rừng phòng hộ.
Thực trạng rừng sau khi rà soát đã thay đổi trạng thái diễn ra hầu hết ở các huyện: Văn Yên có 764 ha không có rừng, Lục Yên 2.999 ha… Tuy nhiên, nhiều năm qua, số diện tích này vẫn được các lâm trường chi trả tiền bảo vệ cho dân, đó là chưa tính cả diện tích trùng với diện tích mà kiểm lâm đang giao khoán bảo vệ và người dân được hưởng 2 lần, nhưng hiệu quả thực tế thì sao?
Rừng mất, đất thì bị lấn chiếm, thậm chí vốn trồng rừng 661 không được thực hiện đúng, có lâm trường đem vốn này để trồng rừng kinh tế và tính vào kết quả trồng rừng kinh tế hàng năm... Nếu không có việc rà soát lại 3 loại rừng theo Chỉ thị 38 của Chính phủ thì không biết tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến bao giờ!
Kỳ 2: Nhiều hộ dân xâm chiếm đất rừng, phát rừng làm nương
Anh Dũng - Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Văn Yên - Những làng quê mà chúng tôi qua đều hoang tàn sau bão. Nỗi đau và mất mát do bão lũ để lại chất chồng lên vai người nông dân bé nhỏ. Đi trên vùng đất bão, trời vẫn vần vũ nhưng nắng đã tràn về. Gặt nước mắt đau thương, người dân Văn Yên đang tay nắm tay dựng xây cuộc sống mới trên vùng đất lũ...
YBĐT - 7-8 giờ sáng, những chiếc xe chở đầy rác thải của thành phố Yên Bái nối đuôi nhau đi qua nhà ông Nguyễn Văn Sen, tổ 39 phố Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Không được che đậy, những chiếc xe chạy với tốc độ cao, bụi đường mù mịt và rác trên xe bay tung toé xuống đường.
YBĐT - Không mấy ai nhớ chính xác cái tên xóm “bụi” có từ năm nào. Chỉ biết rằng đã có một thời gian dài và chưa lâu lắm đây là địa bàn hoạt động chủ yếu của dân “anh chị” và là điểm “nóng” nhức nhối về tội phạm và tệ nạn ma tuý. Giờ thì xóm “bụi” ngày nào không còn được nhắc tới nữa mà thay vào đó là một xóm mới với cái tên đầy khát vọng: xóm Mới.
YBĐT - Những ngày tháng 7, chiếc xe ô tô chở 30 cựu thanh niên xung phong (TNXP) đại diện cho 1.100 cựu TNXP tỉnh Yên Bái xuất phát từ thành phố Yên Bái vượt qua chặng đường hơn 1.300 km trở về thăm lại chiến trường xưa đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc lịch sử.