Người giữ hồn của núi

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Biết họa sỹ Quách Hùng là người ham vẽ, ham đục tượng, ham chụp ảnh, lại còn ham sáng tác nhạc và ham rong chơi nữa. Bây giờ anh nghỉ chế độ, ở hẳn nhà, tôi liền mò đến xem cái người lắm thứ ham ấy đang làm gì.

Đầu hạ nhưng còn vương chút mát lành của mùa Xuân, tôi gần như "đột nhập" vào nhà anh. Ô, lạ! Ngôi nhà xưa cũ đã biến đâu mất!? Trước mắt tôi là một ngôi nhà mới, còn đương ngổn ngang gạch, cát, xi măng, sắt thép, cây chống lằng nhằng. Quách Hùng đây rồi! Thấy anh đang lúi húi trộn xi cát, tôi định bảo, việc gì phải vôi vữa cho khổ thân, nhìn kỹ, tôi tròn mắt ngạc nhiên, thì ra anh đang đắp tượng. Giời ạ! Đương ngổn ngang bề bộn nhà cửa thế này mà còn tượng mới chả tiếc. Đúng là cái anh nghệ sỹ giời đày!

Tôi đứng ngắm anh một lúc rồi mới lên tiếng:

- Chẳng ngờ nghệ sỹ lơ ngơ như Quách Hùng mà lại có ngôi nhà to thế này!

- Ơ, Thế Sinh, lâu quá mới thấy cậu! - Quách Hùng ném chiếc bay sang bên, ngẩng nhìn tôi với ánh mắt lấp láy.

- Nhà to ghê! - Tôi khen thật lòng.

- Cũng tạm! - Quách Hùng giọng khiêm tốn - Mình làm sao có được. Tất cả là do cô Ngà vợ mình hiền lành, nhẫn nhịn, tần tảo chắt bóp cả đời, dành dụm được chút ít. Còn phần lớn là do các con nó làm ăn được, ki cóp mãi, cùng góp vào đấy.

Nói rồi anh dẫn tôi đi xem nhà mới. Len quanh các cây cột chống, lên hết bậc thềm, anh chỉ tay ra tận sau nhà, bảo đây là hành lang, phải rộng thế này để còn bày tượng của Quách. Trong này, giữa là ô cầu thang rộng và thoáng để đặt cây cảnh, treo tranh của Quách, để có thể nhìn được vào phòng tiếp khách qua cửa kính, nhìn vào phòng ăn, gara ô tô. Khà khà! Quách cười khoái chí. Quách đưa tôi về gian nhà ở tạm, rồi bảo cả đời mới làm được một tác phẩm lớn cho riêng gia đình, thì phải sao cho đàng hoàng, mà phải thể hiện được nét văn hóa chứ. Mình là nghệ sỹ mà lị. Tôi vui lây niềm vui của anh. Không vui sao được, vì xưa nay, người đời thường chê cánh nghệ sỹ lơ ngơ, nghèo khổ là do cái tội cứ lơ ngơ, đời chưa ai vui đã vui rồi, chưa ai buồn đã buồn rồi, mà toàn vui với buồn cái nỗi của thiên hạ thôi.

Nay khác, cánh nghệ sỹ phải đàng hoàng, đầy đủ để cánh trọc phú nó không xem thường được. Thế nên tôi cứ xuỵt xòa việc Quách xây nhà to đẹp lại có cả gara ô tô nữa. Phen này thì cánh trọc phú hết xem thường cánh nghệ sỹ nhé! Nhưng Quách lại cười xòe, bảo rằng gara ô tô là của các con, để thỉnh thoảng chúng nó về thăm bố mẹ, chứ nghệ sỹ như Quách thì có mà... có mà... sắm cái... kìm đã. Không sao, được thế này cũng là vui lắm rồi - tôi thầm nghĩ - có làm kinh tế bao giờ đâu, cũng có “moi” được của thiên hạ đâu mà hòng lắm tiền để chơi ô tô.

Tôi biết năm 1963 vừa tốt nghiệp cấp III, Quách Mạnh Hùng - tên đầy đủ của anh, mới mười tám tuổi đã vào bộ đội. Nhờ cái khiếu bẩm sinh hát hay, biết vẽ vời, lại cao to đẹp trai nữa nên anh được sung ngay vào Đoàn Văn công Chiến thắng thuộc Sư đoàn 312B, hoạt động tại chiến trường Đông Nam Bộ. Với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, anh đã cùng đồng đội trực tiếp dàn dựng hoạt cảnh quân giải phóng, trực tiếp tham gia diễn kịch phục vụ chiến sỹ, đồng bào. Được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ F312B, anh vừa lo tổ chức tin bài, biên tập, lại còn phải chụp ảnh, in ấn cho tờ tin Chiến thắng của Đoàn. Việc nào anh cũng gắng sức làm thật tốt.

Anh tâm sự, không hiểu sao, dưới làn bom rải thảm B52 mịt mù, trong tầm pháo kích đùng đoàng của địch, giữa mưa bom bão đạn, mà các anh vẫn diễn kịch, vẫn hát cho chiến sỹ, đồng bào nghe - hát suốt miền Đông Nam Bộ, hát từ Bình Long qua Phước Long, hát dọc biên giới Tây Nam, hát như một trận chiến kỳ diệu bởi tiếng hát át tiếng bom! Nhiệt huyết tuổi trẻ, danh dự của người lính cách mạng với tình yêu Tổ quốc đã làm nên những điều kì diệu như thế.

Và, nhờ được tôi luyện qua chiến tranh giải phóng thống nhất đất nước, Quách Hùng đã không ngừng trưởng thành. Sau khi bị thương ở trận Bến Tranh - Trảng Ba Vũng - Lộc Ninh năm 1971, được đưa đi điều trị và an dưỡng ở Ninh Bình, đến năm 1973 Quách Hùng được ra quân, về công tác tại Ty Văn hóa & Thông tin Lào Cai. Nhờ có năng khiếu hội họa, anh đã thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp khóa 1980 - 1985, và cuối năm anh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là một vinh dự lớn, cũng là một dấu son đánh dấu sự trưởng thành của anh trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Lại nhớ chuyện chiến trường, tôi chợt hỏi:

- Này, ngày ở chiến trường anh đã vẽ vời gì chưa?

- Có! - Quách Hùng nghênh mặt ra trời xa như muốn tìm lại những kỷ niệm chiến trường - Mình cũng có một số kí họa, chủ yếu dùng cho tờ tin chứ chưa có ý thức nghề nghiệp gì cả. Nhưng đấy lại là cái duyên may đưa đẩy mình đến với hội họa.

- Cho đến giờ, anh có trong tay bao nhiêu tranh và tượng?

- Cũng không nhiều lắm! - Mắt Quách Hùng sáng lên, anh lẩm nhẩm như muốn kiểm đếm lại những sáng tác của mình, mái tóc xù rung rung, giọng vui - Ờ, tranh lụa và sơn dầu có chừng gần một trăm bức. Còn tượng thì có trên hai mươi bức đã hoàn chỉnh.

 Hỏi cho vui chuyện thôi chứ tôi từng làm nhân viên của anh Quách Hùng - Phó chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái, tôi lại là hội viên của Hội, nên biết khá kỹ những tác phẩm của anh, có khi còn "liều mồm" góp ý này nọ. Vốn không phải người am hiểu hội họa, lại không theo ngành "nghệ thuật học" nên tôi không dám bàn sâu về các tác phẩm. Tuy nhiên, tôi cũng "đọc" được ít nhiều cái thần thái trong các tranh, tượng của anh.

Các bức tranh, tượng như: Ấm áp tình thương, Chợ vùng cao, Gọi bạn, Chiều về bản, Bên sọt lanh, Đường đến chợ, Chiều Mường Lò, Thiếu nữ Dao, Đôi bạn, Tiếng khèn Mông, Tình mẹ, Bên bố... thể hiện một phong cách rất phóng khoáng, thật khỏe khoắn như chính cuộc sống và tâm hồn của người miền núi. Các tranh, tượng của Quách Hùng còn thể hiện một cách phong phú, sinh động, tươi tắn và thắm thiết về con người và cảnh vật vùng cao Yên Bái - Lào Cai, nơi anh từng sống gắn bó sâu sắc một đời. Người phụ nữ Mông rực rỡ áo váy như bông hoa rừng, một thoáng mây trắng bồng bềnh giữa bầu trời xanh thẳm, chút nắng vàng như mật ong, một cánh rừng xanh rịm, mấy con ngựa thồ, một con đường chông chênh vắt vẻo lưng núi, hoa lau phết trắng sườn non, buổi chợ phiên dân dã... để có được những thứ trời cho ấy trong tác phẩm, Quách Hùng đã phải trèo đèo lội suối bao ngày và đặt cả trái tim yêu cuộc sống mãnh liệt của mình trên từng con đường mòn vắt vẻo, dưới nguồn nước trong xanh của bao dòng suối, trong từng bản làng vùng cao thương mến ở mãi nơi xa vời như: Mường Lò, Tú Lệ, Khau Phạ, La Pán Tẩn, Zế Su Phình, Púng Luông, Kim Nọi, Hát Lừu, Mường Lai, Viễn Sơn, Thác Bà, Vân Hội, Sín Chải, Ô Quy Hồ, Nậm Mòn, Cốc Ly, Na Hố, Cán Cấu, Si Ma Cai... và hầu hết miền núi phía Bắc.

Quách Hùng nhạy cảm nắm bắt, nâng niu sắc màu và hình ảnh con người, cuộc sống vùng núi cao, rồi “tóm” lấy cái “hồn” của nó mà đưa vào trong tác phẩm, giữ mãi trong tác phẩm. Quách Hùng đã phải thao thức bao đêm, trăn trở để cho ra đời những đứa con nghệ thuật của mình trong một hành trang dọc dài quê núi và cả đời người như thế. Cho nên, tôi có cảm nhận những bức tượng của anh như được chồi ra từ đá, mọc lên từ núi, nảy ra từ nách rừng, trôi về từ một nguồn suối nào đó. Mới hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Tiếng khèn Mông, Tình mẹ, Nơi chợ tình đã được Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, rồi Triển lãm Mỹ thuật khu vực Việt Bắc - Tây Bắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải Nhất và giải Nhì. Tình mẹ còn được giải thưởng của Quỹ Phát triển Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam, cùng nhiều giải thưởng A - B - C của Hội Văn học - Nghệ thuật Yên Bái và Lào Cai.

Nhiều tranh, tượng của Quách Hùng được dự triển lãm trong tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế. Vẫn biết, Quách Hùng còn là nghệ sỹ nhiếp ảnh, là nhạc sỹ, có nhiều thành công và nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh, âm nhạc, lại còn làm cả thơ nữa, nhưng các "món" ấy tôi vẫn cho là "gam nhạt" chỉ để làm nổi bật lên cái gam màu rực rỡ là hội họa và điêu khắc của Quách mà thôi. Chả thế có lần tôi đùa vui rằng: "Hoan hô nghệ sỹ Quách Hùng/Cái gì cũng dùng một tí cho vui!". Anh không giận tôi mà chỉ cười xòe. Còn một điều nữa không thể không nói về Quách Hùng. Đó là niềm đam mê cái đẹp, trước hết là cái đẹp trong cuộc sống - cái đẹp mà anh thường giữ lấy phần hồn để chuyển tải vào trong các tác phẩm nghệ thuật.

Tôi từng chứng kiến anh mê mải đục tượng đến mức, tôi đến ngay bên cạnh, lên tiếng chào hỏi mà anh vẫn không hay biết gì. Còn nhớ hôm tôi đến nhà, anh đang xoay trần, tay đục tay dùi đục, đục đục đẽo đẽo như một tay thợ mộc chính hiệu, đục đẽo mê mải, đục đẽo như bị ma làm, có lẽ không còn biết gì ngoài ý tưởng nghệ thuật ở trong đầu anh đang cuồn cuộn dâng lên. Phải đam mê đến như thế mới hòng có những tác phẩm nghệ thuật để đời! Tôi nghĩ vậy nên hỏi Quách Hùng:

- Thành công trong sáng tạo nghệ thuật có phải bắt đầu từ niềm đam mê không?

- Tất nhiên rồi! - Quách Hùng nhìn tôi (cái nhìn nheo nheo có vẻ như bảo rằng cậu cứ đùa, cậu còn lạ gì nữa vì cậu cũng là người làm cái nghề sáng tạo mà lị), im lặng một lúc rồi anh nói chậm rãi - Phải đam mê nhưng trước hết trời phải cho cái khiếu đã. Nếu không phải vì cái khiếu thì cả thế giới này thành nhà điêu khắc, là họa sỹ cả à? Nếu không phải vì cái khiếu thì tất cả đều thành nhà văn, thành ca sỹ cả à?

- Thì cái khiếu, thì cái niềm đam mê, còn gì nữa? - Tôi nhấn mạnh từng chữ, rồi nhìn sâu vào mắt anh như muốn tìm kiếm điều mình muốn biết.

- Phải cần cù lao động sáng tạo nữa! - Quách Hùng giơ hai cánh tay ra trước mặt tôi, tay còn cuồn cuộn bắp như hồi trai trẻ, hai bàn tay chai sần, giọng anh sôi nổi - Hai bàn tay lao động thực sự đấy. Người đời cứ nghĩ chúng mình chỉ biết rong chơi. Đâu phải thế! Mình đã lao động cật lực cả một đời người đấy chứ. Mình cũng như cậu ấy, mỗi câu chữ, mỗi trang viết, mỗi bức tranh, mỗi bức tượng là phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu xương nữa đấy.

- Ôi, kể lể quá thế! - Tôi nhìn anh, cười cảm thông.

 - Chứ lại không à? Còn điều này nữa - Quách Hùng đưa tay khẽ hất mớ tóc xùm xòa trước trán, gật gù tâm sự - Mỗi người phải có mảnh đất riêng. Như  mình đây, Yên Bái - Lào Cai là mảnh đất sống một đời, cũng là mảnh đất làm nên nghệ thuật một đời của mình. Chỉ khi nào mình hiểu biết một cách sâu sắc về con người, cảnh vật quê hương, nặng lòng yêu quê hương thật sự thì mới có thể thành công trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật.

Vâng, chắc chắn là thế! Quách Hùng đã thở hơi thở của cuộc sống quê hương. Con người anh đã thấm đẫm gió sương, căng nức sự ngọt ngào của bắp ngô, hạt gạo, ngọn rau và dòng nước quê hương mát lành, bước chân không mỏi trên các nẻo đường rừng núi, yêu quê hương thật lòng với một tình yêu sôi nổi, mạnh mẽ và không kém phần sâu sắc. Mấy tháng xa, cứ tưởng Quách Hùng với người vợ long lanh mắt huyền sẽ về Hà Nội hay đi Sài Gòn ở cùng với những đứa con hiếu thảo, thành đạt, mà không, ngôi nhà anh đang xây cất trên chính mảnh đất quê hương Yên Bái còn nghèo khó, là minh chứng cho một tình yêu thủy chung, một thái độ sống tận tình của anh với quê hương, với nghệ thuật. Có lẽ bởi thế mà Quách Hùng đã giữ được hồn của núi trong các tác phẩm của mình và Quách đã thật sự thành công trong cuộc sống, trong sáng tạo nghệ thuật.

Hoàng Thế Sinh - Mùa hạ, tháng 6 năm 2008

 

Các tin khác
Rừng khoanh nuôi khu Cổng Trời xã Trúc Lâu bị xâm canh.

YBĐT - Năm 2008, do công tác bàn giao rừng sau khi rà soát lại 3 loại rừng đang được Ban quản lí Dự án 661 đo đạc, lập bản đồ thực địa, phía các lâm trường không tiếp tục ký hợp đồng khoanh nuôi bảo vệ, nên hàng trăm ha rừng phòng hộ gần như không có chủ. Người dân hoang mang. Trong khi đó lại có thông tin sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng sẽ có một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng sản xuất và giao cho dân, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân đua nhau phát nương vào các diện tích rừng khoanh nuôi, mục đích xí phần...

Ông Nguyễn Đình Đãng ngang nhiên trồng cam vào diện tích rừng phòng hộ do Lâm trường Lục Yên quản lý trước đây.

YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát lại 3 loại rừng, năm 2007, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc rà soát lại, lập bản đồ chi tiết, từ đầu năm 2008 bắt đầu bàn giao hồ sơ giữa các lâm trường về Ban quản lý Dự án 661 tỉnh. Tuy nhiên, việc bàn giao vốn đã chậm nay lại gặp nhiều vướng mắc giữa hồ sơ lâm trường quản lý và diện tích nhận thực địa của Ban quản lý Dự án 661.

Nỗi đau của thân nhân gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng.

YBĐT - Văn Yên - Những làng quê mà chúng tôi qua đều hoang tàn sau bão. Nỗi đau và mất mát do bão lũ để lại chất chồng lên vai người nông dân bé nhỏ. Đi trên vùng đất bão, trời vẫn vần vũ nhưng nắng đã tràn về. Gặt nước mắt đau thương, người dân Văn Yên đang tay nắm tay dựng xây cuộc sống mới trên vùng đất lũ...

Nước đầm đã mấp mé đường vào Đền Tuần Quán.

YBĐT - 7-8 giờ sáng, những chiếc xe chở đầy rác thải của thành phố Yên Bái nối đuôi nhau đi qua nhà ông Nguyễn Văn Sen, tổ 39 phố Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Không được che đậy, những chiếc xe chạy với tốc độ cao, bụi đường mù mịt và rác trên xe bay tung toé xuống đường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục