Ghi trên vùng đất lũ
- Cập nhật: Thứ năm, 14/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Văn Yên - Những làng quê mà chúng tôi qua đều hoang tàn sau bão. Nỗi đau và mất mát do bão lũ để lại chất chồng lên vai người nông dân bé nhỏ. Đi trên vùng đất bão, trời vẫn vần vũ nhưng nắng đã tràn về. Gặt nước mắt đau thương, người dân Văn Yên đang tay nắm tay dựng xây cuộc sống mới trên vùng đất lũ...
Nỗi đau của thân nhân gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng.
|
Nước mắt hoà nước lũ
Lâm Giang - xã bị thiệt hại nặng nề của Văn Yên trong bão lũ. Cho tới ngày 13.8, đường lên Lâm Giang chưa thông. Muốn lên, phải đi xe ôm, tăng bo và đi bộ. Điện, thông tin liên lạc cắt đứt hoàn toàn. Lâm Giang, 5 người đã chết, 4 người mất tích chưa tìm thấy xác. Những cái chết kinh hoàng trong lũ.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng, vợ là Nguyễn Thị Thềm, con trai là Nguyễn Ngọc Dũng đã chết không còn ai trong đêm 8.8. Nước sông Hồng ập vào, lũ bùn trên núi ào xuống, cuốn phăng ngôi nhà họ đang ở. Khi bà con bới tìm, cả ba người chết ngập trong bùn đất. Hai người khác là bà Đỗ Thị Nhiễm, Đỗ Thị The đều bị lũ cuốn trôi. Việc mai táng những người đã chết được bà con và nhân dân xã tiến hành chu đáo. 4 người mất tích dù không còn hy vọng họ còn sống, nhưng bà con cùng lực lượng công an, quân đội vẫn kiếm tìm dọc các con suối ngổn ngang cây đổ và đất đá.
Những cái tên không giống nhau, cái chết không giống nhau, nhưng nỗi đau thì tận cùng và nước mắt đã hoà trong nước lũ. Sau Lâm Giang, An Bình là địa phương thiệt hại nặng. Hai người chết ở An Bình là bà Nguyễn Thị Thím và chị Nguyễn Thị Lan. Ông Lý Văn Sang - chồng bà Thím, vừa khóc vừa nói đứt quãng: "Bà nhà tôi chết một mình trên lán. Chiều hôm 8.8, bà ấy lên lán, coi rừng. Đêm, mưa to, đất sập xuống, đè sập lán. Bây giờ, còn tôi với 3 đứa con, bà Thím ơi!...".
Cái chết của chị Nguyễn Thị Lan thì thật kinh hoàng. Cả núi đất bên kia đường sập xuống, bay sang, đè sập nhà chị ở. Bà Ngô Thị Hường, mẹ chị thì may mắn thoát chết. Bà chỉ bị gãy xương vai, đã được cấp cứu ngay tại Bệnh viện Đa khoa huyện, giờ đã đưa đi bệnh viện tỉnh....
Trên đường lên An Bình, Lâm Giang, chúng tôi gặp đoàn công tác của huyện lên vùng trọng điểm thiệt hại. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trịnh Huỳnh Yên gạt mồ hôi trên trán: "Văn Yên đã có 13 người chết và mất tích ở: Lâm Giang, An Bình, Tân Hợp, Xuân Tầm, Yên Hưng. Hiện giờ, huyện đã chuyển tới các xã số tiền hỗ trợ các gia đình nạn nhân đúng quy định của tỉnh. Tìm người, vẫn là ưu tiên số 1 lúc này!". Nước mắt của những người dân vùng lũ Văn Yên còn thêm cay chát vì hàng trăm ngôi nhà; trên 700 ha lúa, hoa màu; gia súc, gia cầm, ao cá bị lũ cuốn trôi; hàng chục công trình thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt bị phá hỏng. Bây giờ là tháng Tám, mùa bão lũ chưa qua, đôi vai gầy của những người dân bé nhỏ lại chồng thêm những gánh nặng!
Tình người trong hoạn nạn
Cứu nạn và cứu trợ tại chỗ là phương châm được phát huy ở Văn Yên trong bão lũ. Những chuyến hàng do máy bay trực thăng đưa lên, gồm: gạo, mì tôm, nước uống, áo quần... đã kịp thời giúp dân trong lúc khốn khó. Ngày 13.8, Văn Yên đã được nhận thêm 2.800 kg gạo; 200 bộ quần áo; 100 bộ chăn màn từ Quân khu II và 77 triệu đồng hỗ trợ cho các gia đình có người chết. Các xã có người thiệt mạng cũng đã trích ngân sách từ 200.000 - 500.000 đồng hỗ trợ gia đình họ.
Cảm động là những tấm lòng, những việc làm tình nghĩa, trách nhiệm ở từng thôn bản, làng xóm. Chủ tịch UBND xã An Bình Trần Hiệp Sỹ cho biết, xã đã huy động nhân dân giúp đỡ các hộ di chuyển nhà cửa; những hộ nhà bị sập hỏng hoàn toàn được bố trí ở tại nhà hàng xóm, người thân, không có ai không có chỗ ở trong bão lũ. Ở Lâm Giang, bà con đã quyên góp được hơn 400 kg gạo, ngoài hỗ trợ của tỉnh, xã hỗ trợ 200.000 đồng/1 người chết, 200.000 đồng cho mỗi nhà bị sập hỏng hoàn toàn. Bà con ở vùng lũ đã góp từng tấm ván để đóng hòm mai táng các nạn nhân. Khi chúng tôi về Lâm Giang, người dân cùng lực lượng công an, quân đội vẫn đang kiếm tìm những người mất tích. Ban chỉ huy Quân sự, Đoàn Thanh niên, Công an huyện huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ giúp dân sơ tán nhà cửa, tài sản, cấp cứu người bị thương... Trong bão lũ, tinh thần tương ái tương thân được phát huy, người dân vùng lũ được bao bọc trong vòng tay của cả cộng đồng...
Niềm tin của người dân vùng lũ
Đường lên Lâm Giang có hàng chục điểm sạt lở. |
Trên 700 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, trong đó 500 ha mất trắng. Nặng nhất là ở xã Yên Hợp và Mậu Đông, 1/2 diện tích lúa, ngô bị mất trắng. Công trình thủy lợi, giao thông bị phá hỏng... là những khó khăn cản trở người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND huyện Trần Thế Hùng chỉ đạo khắc phục hậu quả từ cơ sở về, dép quai, mũ cối, quần xắn móng lợn, cho biết, tổng thiệt hại của Văn Yên hiện chưa thể thống kê chính xác, sơ bộ ban đầu là gần 50 tỷ.
Để khôi phục sản xuất, Văn Yên cần phải có hàng trăm tỷ đồng. Số tiền này, ngoài khả năng của huyện, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, trung ương. Nhưng quyết tâm của Văn Yên là bằng mọi cách khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân. Trạm Giống cây trồng huyện lên danh sách các xã, chuẩn bị khoảng 1.500 tấn ngô giống và khoai lang, rau màu để dân trồng. Diện tích lúa, ngô bị phù sa bồi lấp không thể khắc phục, huyện chỉ đạo trồng ngô, khoai lang, rau màu thu-đông. Khó khăn lúc này là, hầu hết các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng.
Văn Yên chỉ đạo các xã huy động lực lượng, huyện tăng cường thêm nhân lực giúp dân nạo vét, sửa chữa ban đầu để bảo đảm nước tưới cho cây trồng. Công tác phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc đã được triển khai; các địa phương đang tiêu trùng, khử độc, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho dân. Để có thể đưa hàng cứu trợ tới bà con và bảo đảm lưu thông, UBND huyện phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Công ty Quản lý Xây dựng đường bộ II xử lý các điểm sạt lở các tuyến đường giao thông trên địa bàn; các xã tăng cường lực lượng tham gia hót sụt, bảo đảm giao thông, cố gắng thông các tuyến chính trong vài ngày tới...
Khó khăn sau lũ chồng chất, nhưng niềm tin kết tinh bởi tinh thần tự lực, tự cường, tình đoàn kết, tương thân tương ái của mỗi cán bộ, người dân đất anh hùng sẽ giúp Văn Yên nhanh chóng ổn định, vượt qua khó khăn. Đất lũ sẽ hồi sinh - đó là niềm tin của vững chắc của người dân nơi cơn bão vừa đi qua.
T.A - P.S
Các tin khác
YBĐT - 7-8 giờ sáng, những chiếc xe chở đầy rác thải của thành phố Yên Bái nối đuôi nhau đi qua nhà ông Nguyễn Văn Sen, tổ 39 phố Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Không được che đậy, những chiếc xe chạy với tốc độ cao, bụi đường mù mịt và rác trên xe bay tung toé xuống đường.
YBĐT - Không mấy ai nhớ chính xác cái tên xóm “bụi” có từ năm nào. Chỉ biết rằng đã có một thời gian dài và chưa lâu lắm đây là địa bàn hoạt động chủ yếu của dân “anh chị” và là điểm “nóng” nhức nhối về tội phạm và tệ nạn ma tuý. Giờ thì xóm “bụi” ngày nào không còn được nhắc tới nữa mà thay vào đó là một xóm mới với cái tên đầy khát vọng: xóm Mới.
YBĐT - Những ngày tháng 7, chiếc xe ô tô chở 30 cựu thanh niên xung phong (TNXP) đại diện cho 1.100 cựu TNXP tỉnh Yên Bái xuất phát từ thành phố Yên Bái vượt qua chặng đường hơn 1.300 km trở về thăm lại chiến trường xưa đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc lịch sử.
YBĐT - Nhiều hộ dân ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phá dâu, bỏ tằm - nghề mới khôi phục lại mà họ từng kỳ vọng. Kịch bản lặp lại như cây chè những năm rớt giá - một câu chuyện về mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp với những bất ổn giữa vùng dâu tằm không yên tĩnh...