Túc Đán: Một vụ phá rừng buôn bán gỗ rất ngang nhiên!

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với hơn 1.300 ha rừng tự nhiên phòng hộ, những năm qua, thôn Pá Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu luôn là một trong những điểm “nóng” trong công tác bảo vệ rừng. Lâm tặc dùng mọi thủ đoạn để khai thác lâm sản trái phép; năm 2007 các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ phá rừng ở Túc Đán. Trong khi công tác phòng chống khai thác lâm sản trái phép đang gặp rất nhiều khó khăn thì nay chính Chủ tịch UBND xã lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Nát rừng Pá Khoang

Anh Sùng A Tủa, thành viên của tổ bảo vệ rừng thôn Pá Khoang đã tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. Theo anh, nếu đi bằng đường mới mở vào Thuỷ điện Nậm Đông III, Nậm Đông IV thì dễ, nhưng khó phát hiện được những nơi rừng bị tàn phá. Xuyên rừng trong cơn mưa tầm tã, vượt qua 3 cánh rừng nhỏ và 2 quả núi trọc mà trước đây cũng là rừng nguyên sinh, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 536, nơi rừng bị chặt phá.

 Thật sững sờ khi nhìn thấy hàng chục cây gỗ lớn đã bị chặt hạ không thương tiếc, cắt khúc 3m, 4m, 5m và được xẻ thành hộp. Không thể tưởng tượng được, khu rừng nguyên sinh đẹp như tranh vẽ thủa nào bây giờ lại ngổn ngang và tan hoang đến vậy! Từ những khoảnh rừng bị chặt phá nhìn xuống Thuỷ điện Nậm Đông III, Nậm Đông IV chỉ cách vài ba cây số.

30m3 gỗ và 3 chiếc cưa xăng bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu.

Trong vòng 2 tháng 6, 7 năm 2008, lấy cớ xin gỗ xẻ về làm nhà, Chủ tịch UBND xã Túc Đán, Lầu A Sa đã thuê người chặt hạ 26 cây gỗ lớn, trong đó có 12 cây sến, 2 cây táu, còn lại là các loại gỗ khác nhóm 6, nhóm 7. Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến những cây sến thân to, thẳng tắp, đường kính cây nhỏ nhất cũng 80 cm, lớn nhất tới trên 1m bị chặt đổ ngổn ngang. Với 5 điểm chặt phá, sau khi hạ xuống và xẻ ngay tại chỗ, gỗ nhanh chóng được tập kết ra chân rừng rồi đợi thời cơ thuận lợi mang đi tiêu thụ. Anh Tủa cho biết thêm, trong tháng 7 đã có 2 xe ô tô đến chở gỗ ra khỏi xã.

Sau khi nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu đã thu giữ được 230 hộp gỗ, tương đương gần 30 m3 gỗ đã xẻ nằm ngổn ngang ngoài bìa rừng mà lâm tặc chưa kịp chuyển đi. Trong số này có 200 hộp là gỗ sến (thuộc nhóm II, là loại gỗ quý hiếm). Số gỗ tròn còn nằm lại trong rừng bị chặt hạ nhưng chưa kịp xẻ còn 9 cây sến, 1 cây táu, gỗ chưa xác định được tên loài 11 cây, ước khoảng 62 m3.

Chủ tịch xã tiếp tay!

Anh Tủa kể:

“Ngày 4/8, trong khi tuần tra rừng, tổ bảo vệ phát hiện 7 người lạ đang dùng cưa máy (động cơ xăng) khai thác gỗ. Chúng tôi hỏi:

- Tại sao lại vào đây xẻ gỗ, ai cho phép?

Một người trả lời:

- Chủ tịch cho phép!

- Vậy chúng tôi giữ cưa máy này để báo cán bộ lên giải quyết rồi xẻ?

Họ không đồng ý và bảo:

- Không được, 3 cái cưa này giá trị 70 triệu đồng không giữ được, Chủ tịch xã và Công an xã đã bảo lãnh rồi!

Chúng tôi biết, trước đó, đồng chí chủ tịch xã, Lầu A Sa đã xin với xã là xẻ một cây gỗ đã bị đổ để về làm nhà, việc này xã không hỏi ý kiến của tổ bảo vệ, những người được giao trách nhiệm bảo vệ khu rừng này. Nhưng nay lại chặt nhiều thế nên chúng tôi về xã hỏi lại. Công an viên của xã thì bảo là không biết và nói với chúng tôi: “Ai bảo thế thì bắt về đây!”. Sau đó, 17 người của tổ bảo vệ quay lại rừng, chúng rút dao ra đe doạ, nhưng hai thành viên của tổ là Sùng A Trang và Mùa A Say đã lao vào khống chế tên cầm dao, sau đó chúng tôi bắt tất cả 7 người và 3 cưa xăng, 5 con dao về giao cho công an xã. 30 phút sau, Chủ tịch xã Lầu A Sa và Trưởng Công an xã đến, Chủ tịch bảo họ lấy gỗ cho Chủ tịch làm nhà. Chủ tịch mua một con lợn mổ cho tổ bảo vệ rừng uống rượu để xin gỗ, nhưng chúng tôi không đồng ý, lợn của chủ tịch ngon thì ngon thật nhưng không ăn được”.

Theo lời anh Tủa, ngay sau khi bắt người về giao cho Công an xã, tổ bảo vệ rừng thôn Pá Khoang đã tìm cách liên lạc với Trạm Kiểm lâm Km17 nhưng không được, “chúng tôi xin số điện thoại của anh Dũng Trạm Kiểm lâm nhưng anh Mùa A Lầu là công an viên xã không cho, đến 9h mới xin được số nhưng không ai nghe máy”. 7 người bị bắt đã được thả ngay sau đó. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là một vụ phá rừng nghiêm trọng như vậy, thủ phạm và tang vật đã được bắt giữ nhưng công an xã Túc Đán lại vội vã thả đi, ngay cả việc lập biên bản vụ việc cũng “quên” không thực hiện?!

Phóng Viên Báo Yên Bái và người dẫn đường tại một điểm xẻ gỗ.

Cần xử lý nghiêm minh

Ngày 4/9, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Phó bí thư Thường trực huyện uỷ Trạm Tấu cùng Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện đã có buổi làm việc với UBND xã Túc Đán để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Rừng tự nhiên ở Túc Đán còn khá nhiều và giàu, nhiều năm qua người dân trong xã đã nỗ lực chung sức bảo vệ tốt những cánh rừng nguyên sinh này, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, cả cánh rừng già tươi tốt, án ngữ đầu nguồn trở nên tan hoang, loang lổ, chết rụi trong mưa gió.

Rời Túc Đán khi mặt trời đã khuất, mưa mới một buổi sáng mà nước từ các lưu vực đổ ào ào xuống dòng Nậm Đông như tiếng gào thét giận dữ của thiên nhiên trước thái độ vô cảm của con người. Mong muốn của nhân dân thôn Pá Khoang và cả xã Túc Đán lúc này là các ngành chức năng nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, ngăn chạên kịp thời nạn phá rừng ở Trạm Tấu.   

 Anh Dũng - Đức Thành

Các tin khác

YBĐT - Đến nay, công tác DS,GĐ&TE tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển biến mạnh cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm rõ rệt từ 2,115% năm 1991 xuống còn 1,351% năm 2007; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 45% năm 1991 xuống còn 11,12% năm 2007; nhiều thôn bản, xã, phường đã giảm nhanh và không có người sinh con thứ 3.

YBĐT - Biết họa sỹ Quách Hùng là người ham vẽ, ham đục tượng, ham chụp ảnh, lại còn ham sáng tác nhạc và ham rong chơi nữa. Bây giờ anh nghỉ chế độ, ở hẳn nhà, tôi liền mò đến xem cái người lắm thứ ham ấy đang làm gì.

Rừng khoanh nuôi khu Cổng Trời xã Trúc Lâu bị xâm canh.

YBĐT - Năm 2008, do công tác bàn giao rừng sau khi rà soát lại 3 loại rừng đang được Ban quản lí Dự án 661 đo đạc, lập bản đồ thực địa, phía các lâm trường không tiếp tục ký hợp đồng khoanh nuôi bảo vệ, nên hàng trăm ha rừng phòng hộ gần như không có chủ. Người dân hoang mang. Trong khi đó lại có thông tin sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng sẽ có một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng sản xuất và giao cho dân, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân đua nhau phát nương vào các diện tích rừng khoanh nuôi, mục đích xí phần...

Ông Nguyễn Đình Đãng ngang nhiên trồng cam vào diện tích rừng phòng hộ do Lâm trường Lục Yên quản lý trước đây.

YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát lại 3 loại rừng, năm 2007, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc rà soát lại, lập bản đồ chi tiết, từ đầu năm 2008 bắt đầu bàn giao hồ sơ giữa các lâm trường về Ban quản lý Dự án 661 tỉnh. Tuy nhiên, việc bàn giao vốn đã chậm nay lại gặp nhiều vướng mắc giữa hồ sơ lâm trường quản lý và diện tích nhận thực địa của Ban quản lý Dự án 661.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục