Mưa núi
- Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2008 | 12:00:00 AM
YBĐT - Mưa vẫn đổ rào rào. Nước sông Hồng sôi lục bục như nồi mật. Nước sông Hồng đổ ào ạt từng đợt. Nước sông Hồng băng băng, cuốn theo bao nhiêu là rều rác, cây cối, gỗ rừng, vật dụng, xác súc vật, chắc cả xác người nữa.
Yên Bái có nhiều ngày ngập trong nước lũ.
|
Bão Kammuri - cơn bão Số 4.
Bầu trời trĩu nặng những đám mây xám bạc.
Cứ tưởng Kammuri "tan xác" ở Quảng Đông - Trung Quốc, đâu ngờ cái "đuôi" của nó còn quẫy mù sang tận Việt Nam. Mưa liên miên. Mưa ào ạt. Mưa đổ trắng cả núi Nguỵ Sơn và Đại Vây Sơn bên Trung Hoa.
Mưa kéo dải lê thê suốt từ Lùng Búng dưới Yên Bái vượt lên tận Xu Phin 2814 m - Lũng Cung 2913 m - Pú Song Sung 2986 m của dãy Hoàng Liên Sơn cao vời. Mưa mờ mịt suốt từ núi Mèn, núi Hoàng Thi, núi Cao Biền quanh hồ Thác Bà ngược lên tận đỉnh Mã Yên Sơn, đỉnh Cao Sơn trên dãy Con Voi lừng lững ngang trời, sang cả phía Tây Côn Lĩnh và khắp Vòng cung Ngân Sơn trùng trùng tháp núi.
Thế nên, nước đổ ào ào xuống sông Nậm Rốm, sông Đà, sông Hồng, sông Chảy, sông Gâm, sông Lô. Cùng lúc, thuỷ điện Hoà Bình phải xả lũ, thuỷ điện Thác Bà xả lũ, thuỷ điện Tuyên Quang xả lũ, ngã ba Hạc - Việt Trì ứ lại, duềnh lên. Cái đuôi của Kammuri làm cho núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc mịt mờ, ướt sũng. Rừng cây nghiêng ngả, đổ gãy ngổn ngang. Lũ nước. Lũ bùn. Lũ đá. Lũ ống. Lũ quét.
Suối Hoa, suối Bo, suối Cam Cọn, suối Lu, suối Nhù, suối Nhai Tẻn, suối Kim Sơn, suối Tân An, suối Bảo Hà, suối Hút, suối Hóp, suối Thia, suối Đào Thịnh, suối Gùa, suối Lao quặn dòng chồm lên như cơn giận dữ của chúa sơn lâm, cùng ào ra sông Hồng. Dòng sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Chảy ầm vang như tiếng thét gào của lũ thuỷ quái. Núi rùng rùng, sạt từng mảng lớn.
Nước ào ạt cuốn phăng tất thảy những gì cản dòng nó. Đường sắt tắc. Đường bộ tắc. Đường thuỷ tắc. Còn mỗi đường trên không. Thỉnh thoảng lại ù ù tiếng máy bay trực thăng lẫn trong tiếng sấm vọng xa. Ngày này tôi đương ở đúng vùng "rốn" lũ sông Hồng. Sức ép của nước từ ngã ba Hạc đẩy lên, từ thượng nguồn sông Hồng đổ về, đã biến các vùng quê ven sông suối và phố phường thành phố Lào Cai, Yên Bái trở thành những đảo nhỏ giữa một biển nước mênh mông.
Phóng viên Báo Lao Động đã có những cảnh quay ngoạn mục từ trên máy bay trực thăng, mấy ngày sau phát trên truyền hình với lời bình rằng, ở góc độ này mới thấy sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên.
Đúng thế! Tôi bồn chồn, ngao ngán suốt năm ngày năm đêm trên tầng hai ngôi nhà bé nhỏ ngay ven bờ sông Hồng, thấy cả phố Hồng Hà mong manh như một con thuyền giấy trước dòng "máu núi" đỏ đọc cứ cuồn cuộn chảy. Điện thắp sáng mất. Tel mất. Mobine mất. Thông tin liên lạc mất. Mù tịt. Đêm. Chốc chốc lại rèo rèo chiếc xuồng máy tuần tra lũ. Tiếng chân vịt của xuồng máy xé nước nghe như tiếng cưa máy cứa xoét vào trong ngực, kinh khiếp.
Mưa vẫn đổ rào rào. Nước sông Hồng sôi lục bục như nồi mật. Nước sông Hồng đổ ào ạt từng đợt. Nước sông Hồng băng băng, cuốn theo bao nhiêu là rều rác, cây cối, gỗ rừng, vật dụng, xác súc vật, chắc cả xác người nữa.
Nước sông Hồng toả lên tanh nồng, nhớp nháp. Nước sông Hồng tràn ngập đường phố. Nước sông Hồng tràn ngập trong nhà. Nửa mét. Yên tâm. Thế là cùng. Nửa đêm. Một mét. Đến thế là cùng. Hôm sau. Hai mét. Ai dà. Lo lắng. Có tin thất thiệt rằng nước ở Lào Cai đang rút. Yên tâm rồi. Đêm sau. Hai mét rưỡi. Khiếp! Tôi từng ở bên sông gần bốn mươi năm, biết lũ sông Hồng dữ dội vào những năm Sáu tám, Bảy mốt, Tám sáu. Bảy mốt, tôi vừa nhập ngũ, thuộc F304B, có tham gia chống lụt ở Kim Xá - Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc, thấy mưa lũ đã dữ dội, nhưng chưa dữ dội bằng mưa lũ mùa Ngâu 2008 này.
Tôi chưa có điều kiện dò thông tin trong và sau mưa lũ ở các vùng khác, chỉ biết Lào Cai – Yên Bái bị thiệt hại lớn nhất. Lào Cai- phải nhắc đến Sàng Ma Sáo, A Lù, Trịnh Tường, Xuân Hòa, Xuân Thượng, Long Phúc, Long Khánh(thuộc hai huyện Bát Xát và Bảo Yên)... bị mưa lũ cuốn trôi nhiều nhà cửa, trường học, hoa màu, rừng cây, đường sá, mương phai thuỷ lợi, gia súc, gia cầm, cả con người nữa. Ở Sàng Ma Sáo, núi Khu Chu Lìn và núi Ki Quan San sập đổ từng mảng lớn, lũ đá ầm ầm, san phẳng ngôi trường Khu Chu Lìn, tràn sang các ngôi nhà nép bên sườn núi, tràn ra đồng lúa, khiến cho người Mông bản Khu Chu Phìn, Nhù Cồ San nát nhừ, tan tác.
Theo các phóng viên Báo Lào Cai, từ A Mú Sung tới A Lù chỉ 20 km mà hàng chục đoạn đường bị lũ xé tan hoang. Những phiến đá to như ngôi nhà xô ngổn ngang, xếp chồng lên nhau, chặn nghẹn lối đi. Những con suối băng ngang đường, nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Ta luy âm sụt hun hút xuống vực.
Ở A Lù, các bản Khao San Chải, Tả Suối Câu, Séo Chư Phìn bị lũ nước, lũ bùn, lũ đá quật tan hoang, khiến cho gần một trăm hộ dân trở thành "vườn không nhà trống" hoặc bị mất hẳn nhà. Ông Phùng Sử Mẩy 72 tuổi ở bản Khao San Chải phải kêu lên rằng, cả cuộc đời ông chưa bao giờ chứng kiến một trận mưa lũ kinh hoàng như thế. Yên Bái- phải nhắc đến sự thiệt hại nặng nề của các xã Lâm Giang, An Bình, Quang Minh, Cổ Phúc, Tuy Lộc, Y Can, Âu Lâu, An Lạc, Bạch Hà, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Thịnh Hưng...
Những "bờ xôi ruông mật" với mướt mát cánh đồng ngô, lúa, sum suê làng mạc ven sông Hồng trải dài gần 200 km Lào Cao về Yên Bái- suốt từ Gia Phú, Cam Cọn, Tân An, xuống đến Châu Quế Thượng, An Thịnh, Đại Phác, Quy Mông, Y Kan, Âu Lâu, Giới Phiên, Phúc Lộc... bên hữu ngạn sông Hồng và suốt từ Vạn Hoà, Cầu Nhò, Thái Văn, xuống đến Lâm Giang, An Bình, Đông Cuông, Ngòi Hóp, Đào Thịnh, Tuy Lộc, Văn Phú... bên tả ngạn sông Hồng- giờ đây làng mạc tiêu điều, cháy sém bùn cát những cánh đồng chết.
Buồn lắm! Năm ngày năm đêm sống giữa biển nước dữ mênh mông, tôi nghĩ xa nghĩ gần, nghĩ ngắn nghĩ dài về cái ông Giời mưa - nắng – gió - bão bất thường thì cũng là sự thường thôi. Bởi thế, tôi chẳng còn biết lo sợ nữa. Nếu mai nước còn dâng cao nữa thì có nghĩa là... Nếu mai nước rút thì có nghĩa là... Tôi tặc lưỡi: mặc ông Giời!
Đêm. Giấc ngủ chập chờn. Giấc ngủ mơ mòng. Giấc ngủ chông chênh. Giấc ngủ bị chém vụn từng mảnh bởi tiếng mưa rỉ rả, tiếng gió khào khào, tiếng máy bay trực thăng ầm ù, tiếng nước lũ đổ ào ào, tiếng xuồng máy xé nước roen roét, tiếng dân phố xôn xao thở dài không ngủ. Thì ra, tai tôi vẫn nghểnh lên nghe nhịp thở Đất – Trời.
Mai, tôi được tin mới nhất từ Ban chỉ đạo PCLBTƯ rằng Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn bị chết 130 người, 32 người mất tích, 90 người bị thương. Trong đó, Lào Cai 49 người chết, mất tích 30 người, bị thương 53 người.
Yên Bái 41 người chết, bị thương 27 người. Bão Kammuri còn làm cho 11 tỉnh nói trên bị ngập và sập đổ 11.500 ngôi nhà, nhiều trường học và Nhà văn hoá xã, huỷ hoại nhiều kênh mương thuỷ lợi, gây úng ngập 27.200 hecta lúa và hoa màu, làm chết gần 10.300 gia súc và 17.300 con gia cầm, làm sạt trôi và bồi lấp gần 2.300.000 m3 đất đá trên các công trình giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây thiệt hại trên 1.870 tỷ đồng. Lào Cai thiệt hại 986 tỷ đồng, được Trung ương hỗ trợ 90 tỷ đồng. Yên Bái thiệt hại 438 tỷ đồng, được Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng.
Lại nói, mấy ngày tôi ngồi buồn giữa mênh mông trời nước, lòng cứ ngổn ngang nghĩ về năm học mới của các cháu. Mãi sau lũ, tôi mới được biết ngành giáo dục Lào Cai đã bị bão Kammuri cướp mất tính mạng của 34 học sinh; làm đổ nát 334 phòng học, nhà ở giáo viên, nhà học sinh bán trú; làm hư hỏng hàng nghìn bộ bàn ghế, bảng viết, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, vân vân. Ước tính thiệt hại chừng 6,6 tỷ đồng. Ngành giáo dục Yên Bái có 361 gia đình cán bộ giáo viên và 64 trường học bị thiệt hại nặng, rất nhiều bàn ghế, sách giáo khoa, thiết bị và đồ dùng dạy học bị hư hại, gãy nát. Ước tính thiệt hại tài sản Nhà nước và cá nhân gần 8,7 tỷ đồng.
Sau mưa lũ có biết bao điều để kể- kể về sự kinh hoàng lũ nước, lũ đá, lũ bùn; về sự khủng khiếp núi khổng lồ sụp đổ; về những cái chết vô cùng thương tâm; về sự tan hoang tiêu điều bản làng, trường học, nương rẫy, đồng ruộng - nhưng còn một điều đáng kể, đó là những "tấm lòng vàng". Vẫn truyền thống "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng", người dân và cán bộ vùng lũ sẻ chia với nhau nỗi đau thương mất mát, sẻ chia từng miếng cơm, manh áo, cây tre, cây gỗ, thậm chí chia sẻ cả đất đai cho hàng xóm làm nhà.
Nhân dân các vùng bị mất mát, đau thương, gian khổ- nhất là nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai - Yên Bái, đã nhận được lời thăm hỏi, động viên, sự quan tâm giúp đỡ thật chí tình chí nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh và thành phố bạn, kiều bào nước ngoài, các cơ quan báo chí, các công ty, cùng nhiều người dân thường trong cả nước.
Người ta đặc biệt quan tâm đến các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới với bao nhiêu khó khăn từ nhà trường và gia đình. Khắp nơi quyên góp, ủng hộ sách vở, tiền, quần áo cho học sinh vùng lũ. Một chuyện cảm động: Báo Hà Nội Mới đã hai lần đưa hàng cứu trợ và tiền cho dân và bạn đồng nghiệp nằm trong vùng lũ lớn Lào Cai - Yên Bái.
Đặc biệt, Báo Hà Nội Mới còn trao tận tay 550 triệu đồng cho xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai) để xây mới trường cắm bản dân tộc Mông Khu Chu Lìn bị núi sạt lở san phẳng. Báo Hà Nội Mới cũng trao tay 450 triệu đồng cho xã Lâm Giang(Văn Yên – Yên Bái) và trực tiếp khởi công xây mới Trường mầm non Lâm Giang bị lũ nước sông Hồng cuốn trôi.
Sau bão lũ, bằng nội lực và sự gắng gỏi không mệt mỏi, riêng ngành giáo dục Yên Bái, Lào Cai đã khắc phục cơ bản trường lớp, các phương tiện dạy và học cho thầy và trò. Năm học mới 2008 - 2009 các cháu học sinh Mông, Kinh, Dao, Tày, Hà Nhì... lại tung tăng cắp sách đến trường. Các cháu lại được đón tết Trung Thu với bao nhiêu cỗ Trung Thu ngọt lành. Bánh. Kẹo. Bưởi. Mía. Hồng. Na. Tùng rinh rinh - rinh rinh tùng - rinh rinh. Các cháu rồng rắn rước đèn kéo quân. Múa Lân. Múa Sư tử. Đèn ông sao lung linh sắc màu.
Phá cỗ Trung Thu.
Ánh trăng bừng sáng non ngàn.
Mưa núi đã tắt rồi mà!
Hoàng Thế Sinh - Mùa mưa Ngâu 2008
Các tin khác
YBĐT - Với hơn 1.300 ha rừng tự nhiên phòng hộ, những năm qua, thôn Pá Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu luôn là một trong những điểm “nóng” trong công tác bảo vệ rừng. Lâm tặc dùng mọi thủ đoạn để khai thác lâm sản trái phép; năm 2007 các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ phá rừng ở Túc Đán. Trong khi công tác phòng chống khai thác lâm sản trái phép đang gặp rất nhiều khó khăn thì nay chính Chủ tịch UBND xã lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
YBĐT - Đến nay, công tác DS,GĐ&TE tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển biến mạnh cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm rõ rệt từ 2,115% năm 1991 xuống còn 1,351% năm 2007; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 45% năm 1991 xuống còn 11,12% năm 2007; nhiều thôn bản, xã, phường đã giảm nhanh và không có người sinh con thứ 3.
YBĐT - Biết họa sỹ Quách Hùng là người ham vẽ, ham đục tượng, ham chụp ảnh, lại còn ham sáng tác nhạc và ham rong chơi nữa. Bây giờ anh nghỉ chế độ, ở hẳn nhà, tôi liền mò đến xem cái người lắm thứ ham ấy đang làm gì.
YBĐT - Năm 2008, do công tác bàn giao rừng sau khi rà soát lại 3 loại rừng đang được Ban quản lí Dự án 661 đo đạc, lập bản đồ thực địa, phía các lâm trường không tiếp tục ký hợp đồng khoanh nuôi bảo vệ, nên hàng trăm ha rừng phòng hộ gần như không có chủ. Người dân hoang mang. Trong khi đó lại có thông tin sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng sẽ có một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng sản xuất và giao cho dân, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân đua nhau phát nương vào các diện tích rừng khoanh nuôi, mục đích xí phần...