Cai nghiện tại cộng đồng: Không thể "bắt cóc bỏ đĩa"
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu có trên 400 đối tượng nghiện hút có hồ sơ quản lý. Hàng năm, huyện cùng các ngành chức năng đều tổ chức các đợt cai nghiện tập trung tại cộng đồng từ 1- 3 tháng. Sau khi cai hầu hết người nghiện đã cắt cơn. Nhưng hiệu quả thì chỉ là nhất thời, đòi hỏi các cấp, ngành có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để người nghiện thực sự hoà nhập tại cộng đồng.
Ngoài điều trị cắt cơn, các bác sỹ còn khám chữa bệnh thông thường cho các đối tuợng cai nghiện.
|
Thử thách tại cộng đồng
Chúng tôi "lọt" vào khu vực cai nghiện tại cộng đồng huyện Trạm Tấu đóng trên địa bàn khu II, thị trấn Trạm Tấu. Khu nhà cộng đồng mới được làm bằng tre nứa, căng bạt ni lon, có 5 gian. Một gian rộng dành cho nhóm đối tượng là nam giới, 1 gian nhỏ cho đối tượng là nữ về cai nghiện. Các gian ngay cạnh là nơi làm việc và ăn nghỉ của cán bộ xã và cán bộ y tế đến ở trông coi, chăm sóc đối tượng… Quả là bất cập, nhưng đối với địa phương có lẽ đây cũng là sự cố gắng rất lớn để đảm bảo thực hiện việc cai nghiện.
Được biết, hàng năm huyện Trạm Tấu đều tổ chức các lớp cai nghiện cho các đối tượng nghiện hút ma túy tại cộng đồng ngay tại các cụm xã. Theo anh Hoàng Văn Tuấn- cán bộ Phòng Lao động - Thương binh Xã hội huyện cho biết: "Năm 2008, huyện đã tổ chức cai đợt I, tại xã Xà Hồ cho 48/58 đối tượng. Thời gian tập trung 2 tháng và 1 tháng đưa về địa phương quản lý và 100% đối tượng cai được tại cộng đồng. Tại đây, các đối tượng đã tham gia lao động san mặt bằng, làm vườn thuốc nam... cho xã Xà Hồ". Kinh phí cho mỗi đợt cai nghiện là rất lớn. Riêng trong đợt II này, ngoài các chi phí chung về thuốc men, nhà cửa thì mỗi đối tượng và cán bộ được đảm bảo khẩu phần ăn uống, sinh hoạt hàng ngày là 15 ngàn đồng. Trên tám chục người trong 3 tháng- tôi nhẩm tính- vị chi riêng khoản tiền này đã ngót trên 100 triệu đồng rồi...
Tuy nhiên, khi hỏi nhiều đối tượng tại đây, nhiều người đã cai được nhưng lần này vẫn phải đưa đi cai tiếp, thậm chí có những đối tượng đã cai đến lần thứ 2, thứ 3. Trong số đó phải kể đến như Mùa A Chu ở thôn Tà Chử, Mùa A Dà, Mùa A Su ở thôn Pá Khoang cùng ở xã Túc Đán, trước đã cai ở xã cắt cơn nhưng đến bây giờ vẫn đâu lại vào đấy. Hờ Chù Sinh, sinh năm 1968 ở Tà Xi Láng nghiện hút thuốc phiện đã 6 năm. Năm 2007 được đi cai tại xã Phình Hồ nhưng về nhà vẫn sử dụng rồi tái nghiện. Hỏi chuyện Mùa A Chu, sinh năm 1960, anh cho biết, đã hút thuốc phiện từ gần hai chục năm nay, mỗi ngày ít nhất là hai lần hút, không có thuốc không chịu nổi. Mỗi lúc lên cơn nghiền chân, tay và cả người như bị sài dật, cơ thể lúc nào cũng thấy mệt mỏi, không thiết làm việc gì cả. A Chu hiện còn vợ và con trai ở nhà, 2 người con gái đã đi lấy chồng. Hút thuốc phiện từ khi còn là thanh niên, nay đã lên chức ông rồi nhưng vẫn không thể bỏ được. Biết nghiện hút là khổ cho mình, khổ cho con cháu. Nhiều lần đi cai, được cán bộ xã, huyện chăm sóc giúp đỡ rất nhiệt tình, sau điều trị đã cắt cơn và quyết tâm bỏ hẳn nhưng… đâu lại hoàn đấy. Vào khu cai nghiện tại cộng đồng, chúng tôi được tiếp xúc với một số đối tượng đã nhiều tuổi, nghiện hút lâu năm, rồi có cả đối tượng là nữ. Hiện có 3 đối tượng nữ thì 1 ở xã Bản Mù, 2 đối tượng ở xã Làng Nhì cũng đang phải chiến đấu với "nàng tiên nâu".
Gặp Những cán bộ tận tình
Cùng đi với các đối tượng về cai nghiện, mỗi xã cử một cán bộ hoặc công an xã ở tại nơi cai để quản lý, chăm sóc. Riêng bộ phận y tế có 5 người được cử theo dõi tại đây. Bác sỹ Hoàng Văn Hà công tác tại Trạm Y tế xã Phình Hồ, rồi công an viên xã Túc Đán - Hoàng Văn Một... cũng xuống núi đợt này cùng ăn, cùng ở để quản lý, chăm sóc cho các bệnh nhân. Tất cả đều thể hiện tính cộng đồng, gần gũi, thân thiện. Ngoài bác sỹ Hà còn có 4 cán bộ y tế của xã khác và của Bệnh viện đa khoa huyện về điều trị cho đối tượng. Họ thường xuyên phải trực, thậm chí phải ăn cùng, ở cùng trong khu cai nghiện cộng đồng với các đối tượng. Bác sỹ Hà cho biết: "Phương pháp cai rất nghiêm ngặt và phải kiên trì theo phác đồ điều trị. 2 ngày đầu cứ cách 4 giờ lại cho đối tượng uống thuốc cắt cơn một lần, những ngày sau giảm dần liều lượng tùy theo biến chuyển của bệnh nặng hay nhẹ mà cho uống thuốc, thường chỉ khoảng 5 ngày là cắt hết cơn thôi mà."
-Cai nghiện khó lắm liệu các đối tượng ở đây...
-Tôi chưa kịp hỏi hết câu, bác sỹ Hà đã ngắt lời:
-Ơ, cắt cơn hết rồi, chỉ còn vài đối tượng mới đến tập trung là đang phải điều trị thôi!
-Vừa nói anh vừa chỉ ra ngoài vườn. Tôi nhìn theo, quả là như vậy! Hơn chục đối tượng đã cắt cơn đang lao động rất tích cực, họ cùng nhau xới đất để trồng rau xanh cải thiện.
Có thể thấy, hầu như các cán bộ ở đây không quản ngày đêm thay nhau túc trực, quản lý, điều trị cho các bệnh nhân, nhất là những ngày đầu điều trị. Ngoài việc điều trị cắt cơn, các cán bộ y tế còn khám bệnh, cấp thuốc thông thường cho các đối tượng như sốt, đau bụng… Đợt cai nghiện tại cộng đồng lần 2 năm nay, theo kế hoạch là 3 tháng (từ ngày 6/9 đến 5/12). Danh sách các đối tượng cần đưa vào cai đợt này là 79 người, thuộc 8 xã (gồm xã Bản Mù và 7 xã II và khu III). Nhưng sau 10 ngày vận động tập trung, mới chỉ được 49 đối tượng. Trao đổi với đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - Hoàng Thị Vĩnh, được biết: Tới đây huyện sẽ chỉ đạo và cùng các ngành chức năng tiếp tục về cơ sở đôn đốc các đối tượng nằm trong danh sách đưa tập trung cai tại cộng đồng, đảm bảo theo đúng số lượng, kế hoạch đề ra. Việc tổ chức cai tại cộng đồng cho các đối tượng nghiện hút là rất cần thiết, đồng thời cũng là để quản lý những đối tượng ở một số vùng trọng điểm có trồng thuốc phiện, nhằm giảm khả năng các đối tượng này có thể tái trồng cây thuốc phiện khi vào vụ.
Cần có môi trường tốt sau cai
Cai nghiện tại cộng đồng, một hình thức cai nghiện có hiệu quả, thể hiện tính nhân văn, giúp các đối tượng hết nghiện hoà nhập với cộng đồng. Không thể phủ nhận sự cố gắng của các cấp, các ngành và đội ngũ những cán bộ tận tình, năng nổ, đã đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng công sức, tiền của bỏ ra thì lớn đổi lại hiệu quả lâu dài, bền vững là rất thấp. Có thể thấy việc cai nghiện tại cộng đồng chỉ là nhất thời, như "bắt cóc bỏ đĩa”. Các đối tượng chỉ cai được hoàn toàn khi có môi trường tốt. Hầu hết người nghiện sau khi được tổ chức cai tập trung đều cắt cơn và chỉ đến khi trở về địa phương, môi trường xã hội tác động thì lại tái nghiện. Nhiều cán bộ ở đây đều nhất trí quan điểm cần phải có biện pháp, chiến lược lâu dài, nhất là công tác quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện và môi trường việc làm thuận lợi cho các đối tượng ở cơ sở. Đó là biện pháp tốt nhất để công tác cai tại cộng đồng đạt hiệu quả thiết thực cho mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Mưa vẫn đổ rào rào. Nước sông Hồng sôi lục bục như nồi mật. Nước sông Hồng đổ ào ạt từng đợt. Nước sông Hồng băng băng, cuốn theo bao nhiêu là rều rác, cây cối, gỗ rừng, vật dụng, xác súc vật, chắc cả xác người nữa.
YBĐT - Với hơn 1.300 ha rừng tự nhiên phòng hộ, những năm qua, thôn Pá Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu luôn là một trong những điểm “nóng” trong công tác bảo vệ rừng. Lâm tặc dùng mọi thủ đoạn để khai thác lâm sản trái phép; năm 2007 các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ phá rừng ở Túc Đán. Trong khi công tác phòng chống khai thác lâm sản trái phép đang gặp rất nhiều khó khăn thì nay chính Chủ tịch UBND xã lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
YBĐT - Đến nay, công tác DS,GĐ&TE tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển biến mạnh cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm rõ rệt từ 2,115% năm 1991 xuống còn 1,351% năm 2007; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 45% năm 1991 xuống còn 11,12% năm 2007; nhiều thôn bản, xã, phường đã giảm nhanh và không có người sinh con thứ 3.
YBĐT - Biết họa sỹ Quách Hùng là người ham vẽ, ham đục tượng, ham chụp ảnh, lại còn ham sáng tác nhạc và ham rong chơi nữa. Bây giờ anh nghỉ chế độ, ở hẳn nhà, tôi liền mò đến xem cái người lắm thứ ham ấy đang làm gì.