Đường về Nậm Pẳng còn xa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Do cuộc sống khó khăn, từ năm 2004, dân bản Làng Giàng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải - Yên Bái) đã vượt ranh giới di cư sang rừng đầu nguồn Văn Yên để xâm canh. Sau khi được vận động, hầu hết bà con đã quay lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc sắp xếp để bà con “an cư lạc nghiệp” hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự tháo gỡ của trên.

Khu khai hoang cánh đồng Nậm Pẳng vẫn hoang hóa.
Khu khai hoang cánh đồng Nậm Pẳng vẫn hoang hóa.

Mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt núi, nhiều đoạn dốc đứng, sẩy chân là có thể lăn xuống vực sâu hàng trăm mét, khó khăn lắm chúng tôi đến khu vực khai hoang Nậm Pẳng. Dừng chân bên sườn núi, nơi con mương dẫn nước nằm vắt ngang triền núi, dở dang khô khốc, nhiều đoạn đã bị cơn bão số 4 hồi đầu tháng 8 gây sạt lở. Gạt những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt, chỉ tay về triền núi rộng, toàn cây cỏ dại, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Có Hàng A Sa nói trong tiếng thở gấp: “Toàn bộ khu vực này rộng khoảng 30 ha, là địa điểm xã và huyện chọn để bố trí cho bà con tái định cư khi di dời từ bên kia về. Nhưng nguyện vọng của bà con vẫn muốn làm nhà  tại bản cũ, vì vậy, nơi đây chỉ để khai hoang ruộng nước. Các anh xem, đã qua hai vụ lúa rồi mà vẫn vậy. Tiến độ này làm cán bộ xã chúng tôi lo lắm”. 

Từ khu khai hoang Nậm Pẳng, tiếp tục đi bộ khoảng hơn một giờ đồng hồ là đến bản Làng Giàng. Hai năm trước, tôi đã có dịp lên đây. Đất canh tác rất ít, lại bạc màu, cả bản hơn 30 hộ, mỗi hộ hàng chục người vẻn vẹn có khoảng 2 ha lúa nước. Để trồng lúa, bà con phải làm mạ từ tháng hai, sang tháng tư  mới cấy cây lúa xuống. Do nền nhiệt độ thấp, lúa sinh trưởng phát triển chậm, mãi đến tận tháng 9 lúa mới trổ bông. Năm nào thời tiết khắc nghiệt, lạnh, lúa cứ thẳng đứng, không chịu chín, mất ăn. Cuộc sống khó khăn, dân Làng Giàng đã lang thang hết mảnh rừng này tới triền núi khác. Năm 2004, những bước chân đầu tiên đã sang Khe Mạng, thuộc xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Gặp đất tốt, người này truyền tai người kia, vậy là sau một năm đã có 20 hộ dân trong bản, chiếm phần lớn số hộ trong bản, lần lượt khăn gói ra đi. 

Trưởng bản Dinh Bua Thào vẫn như xưa, nhanh nhẹn nhưng có vẻ ít nói và trầm ngâm hơn. Ông bảo: “Sau khi tỉnh và huyện đã vận động, lần lượt bà con đã quay về. Có điều không có đất sản xuất nên từ khi quay trở lại, bà con vẫn chỉ trồng ngô, phát rừng làm lúa nương sống qua ngày. Do đó cuộc sống bà con mình gặp rất nhiều khó khăn”. Về tình hình cụ thể của bà con hiện nay, ông nhẩm tính, có 33 hộ thì có tới 28 hộ, 224 nhân khẩu đói giáp hạt, đói đứt bữa.

Một con số đau lòng!

Nghe bà con nói lại, trước hôm chúng tôi lên Làng Giàng ít bữa, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mù Cang Chải đã về để chia đất cho dân ở khu khai hoang. Mỗi người được 650 mét vuông có thể khai thác được ruộng nước và 500 mét vuông để làm nương. Nhẩn nha, Lù Pua Lềnh, chủ hộ của gia đình 18 khẩu, đã cùng gia đình quyết tâm bám trụ, nói: “ Được chia đất bà con rất phấn khởi, chịu khó làm ăn thì sẽ có hạt thóc, hạt gạo để no bụng, không phải đi đâu. Chỉ mong Nhà nước sớm làm xong mương thủy lợi để có nước!”.

 

Mương thủy lợi làng Giàng
vẫn dở dang.

Về chuyện chia đất, Bí thư Đảng uỷ xã A Sa tiếp lời: “Nhiều người cũng lăn tăn muốn chia đều theo hộ, xã lên vận động nhiều lần, bà con cũng nghe ra, đều đi nhận đất. Cái lo nhất của bọn tôi bây giờ làm sao có nước để bà con ổn định khai hoang”. Tôi nhẩm tính, trung bình mỗi khẩu được 1000 mét vuông, nếu có nước về, chịu khó khai hoang và áp dụng KHKT thì cánh đồng Nậm Pẳng sẽ cho một sản lượng thóc đủ để 252 khẩu của 33 hộ trong bản Làng Giàng no cái bụng. Như vậy, bà con sẽ không phải lang thang du canh, du cư như trước. Đáng mừng hơn, số diện tích lúa nước ít ỏi trong bản  vụ này lại phát triển tốt, chín đều và sẽ cho thu hoạch. Trên Làng Giàng còn vậy, chắc chắn dưới Nậm Pẳng, lúa sẽ tốt hơn, điều này xua tan những hoài nghi, củng cố thêm niềm tin vào việc khai hoang trồng lúa nước ở Nậm Pẳng. Nhưng vấn đề đặt ra là cần ngay có nước!

Đem những thắc mắc về tiến độ của khu khai hoang Nậm Pẳng trao đổi với Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Hà Văn Đôn, anh cho biết, để giúp đỡ người dân Làng Giàng, với nhiều nguồn vốn như: Chia sẻ, Giảm nghèo, kích cầu…, huyện đã đầu tư đến nay 3,7 tỷ đồng để làm công trình thuỷ lợi và đường vào bản Làng Giàng, đến nay đã làm được 5,2 kilômét đường và khoảng 5 kilômét kênh mương. Nhưng để hoàn chỉnh tuyến mương, cần thêm gần 2 tỷ, huyện cũng có kiến nghị lên tỉnh để tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành công trình, nhưng có điều khó, cơ chế đầu tư còn nhiều vướng mắc!

Giúp người dân không du canh, du cư, an cư lạc nghiệp cần phải tạo điều kiện sống tốt cho bà con. Đó là việc giúp đỡ về cơ sở hạ tầng, chuyển giao KHKT, tạo quỹ đất sản xuất, vốn… đồng thời động viên bà con yên tâm sản xuất. Nhưng trên thực tế những điều này đang diễn ra quá chậm.

Chúng tôi rời Làng Giàng khi mặt trời đang dần tắt trên triền núi Nậm Pẳng. Hình ảnh lam lũ của những người dân trong bản cứ ám ảnh làm nặng thêm bước chân người xuống núi. Được biết, khi Nhà nước vừa đào đường vào bản, Trưởng bản  Thào đã bán ngay đôi bò được hơn chục triệu đồng để mua ngay chiếc xe máy nhãn hiệu WAWE, khi đường thông là phóng về bản cho bõ những ngày cực khổ. Làng Giàng chỉ có trưởng bản chờ đường, không biết hàng trăm người còn lại có chờ được nước về? Câu trả lời vẫn ở phía trước! Đường về Nậm Pẳng còn xa!

Nguyễn Đình  

Các tin khác
Ngoài điều trị cắt cơn, các bác sỹ còn khám chữa bệnh thông thường cho các đối tuợng cai nghiện.

YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu có trên 400 đối tượng nghiện hút có hồ sơ quản lý. Hàng năm, huyện cùng các ngành chức năng đều tổ chức các đợt cai nghiện tập trung tại cộng đồng từ 1- 3 tháng. Sau khi cai hầu hết người nghiện đã cắt cơn. Nhưng hiệu quả thì chỉ là nhất thời, đòi hỏi các cấp, ngành có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để người nghiện thực sự hoà nhập tại cộng đồng.

Yên Bái có nhiều ngày ngập trong nước lũ.

YBĐT - Mưa vẫn đổ rào rào. Nước sông Hồng sôi lục bục như nồi mật. Nước sông Hồng đổ ào ạt từng đợt. Nước sông Hồng băng băng, cuốn theo bao nhiêu là rều rác, cây cối, gỗ rừng, vật dụng, xác súc vật, chắc cả xác người nữa.

YBĐT - Với hơn 1.300 ha rừng tự nhiên phòng hộ, những năm qua, thôn Pá Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu luôn là một trong những điểm “nóng” trong công tác bảo vệ rừng. Lâm tặc dùng mọi thủ đoạn để khai thác lâm sản trái phép; năm 2007 các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ phá rừng ở Túc Đán. Trong khi công tác phòng chống khai thác lâm sản trái phép đang gặp rất nhiều khó khăn thì nay chính Chủ tịch UBND xã lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

YBĐT - Đến nay, công tác DS,GĐ&TE tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển biến mạnh cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm rõ rệt từ 2,115% năm 1991 xuống còn 1,351% năm 2007; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 45% năm 1991 xuống còn 11,12% năm 2007; nhiều thôn bản, xã, phường đã giảm nhanh và không có người sinh con thứ 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục